Y tế thế giới đang thua virus Ebola?

Thứ Năm, 30/10/2014, 20:30

Những ca lây nhiễm virus Ebola ngay tại nước Mỹ đang khơi ra nhiều nghi vấn và lo ngại về sự lây lan của loại virus chết người này. Liên Hiệp Quốc (LHQ) thừa nhận loài người đang thua trong trận chiến chống Ebola. Việc dập dịch tại Tây Phi đang đặt ra nhiều vấn đề gây tranh cãi.

Virus Ebola đang đột biến

Ngày 15/10, Mỹ đã ghi nhận trường hợp nhiễm virus Ebola thứ hai ngay tại đất Mỹ sau trường hợp thứ nhất là nữ y tá gốc Việt Nina Phạm. Cả hai người đều là các nhân viên y tế đã chăm sóc cho bệnh nhân Thomas Eric Duncan đến từ Liberia, tử vong hôm 18/10 tại Texas. Điều khiến người dân Mỹ hoang mang hơn cả là với những thiết bị y tế hiện đại hàng đầu thế giới, đội ngũ các nhà khoa học bậc thầy nhưng virus Ebola vẫn có thể lây nhiễm dễ dàng từ người này qua người khác.

Được biết, Nina Phạm đã mặc trang bị bảo hộ tận răng theo đúng quy trình y tế đặc biệt như khuyến cáo của Bộ Y tế Mỹ trong cách chăm sóc người bệnh nhiễm Ebola, nhưng tất cả là vô nghĩa. Người ta đang đặt ra nhiều nghi vấn rằng liệu những kiến thức khoa học về cách lây nhiễm virus Ebola trước giờ có còn đúng hay không khi mà đã hơn 30 năm trôi qua kể từ khi virus Ebola đầu tiên được phát hiện vào năm 1976.

Trường hợp nhiễm Ebola thứ ba tại Mỹ cũng đang đặt ra tính nghiêm ngặt của các quy định y tế Mỹ. Cô y tá thứ hai dính Ebola nhưng đã chu du cả nước Mỹ mà không hề được cảnh báo. Người ta đang truy tìm hàng trăm người đi cùng chuyến bay đi xuyên nước Mỹ cùng người bệnh này.

Tổng thống Barack Obama họp nội các bàn về cách ứng phó với Ebola.

Nếu ở Mỹ với những trang thiết bị y tế và nhân viên y tế trình độ cao mà vẫn để cho virus Ebola dễ dàng đi từ người này qua người khác thì không hiểu tại những nước đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất như Liberia, Sierra Leone và Guinea thì sự lây nhiễm của virus Ebola ở mức độ nào. Được biết, tại các nước này, cả nghìn dân mới có một bác sĩ.

Một trong những khía cạnh đáng sợ khác của dịch bệnh Ebola là ở những ổ dịch nóng nhất thì nhân viên y tế lại thiếu phương tiện một cách nghiêm trọng. Tới nay, đã có hơn 400 bác sĩ và y tá bị lây nhiễm. Hơn một nửa trong số đó đã qua đời. Vừa qua, khoảng 2.000 người hưởng ứng kêu gọi của tổ chức phi chính phủ Avaaz, họ tình nguyện đến các vùng mà dịch bệnh đang hoành hành. Trong số đó hơn 360 người là bác sĩ, y tá. Hai tổ chức phi chính phủ của Mỹ đang đào tạo nhân viên tình nguyện trước khi gửi họ tới các nước ở Tây Phi.

Thêm một thông tin đáng ngại khác: Các nhà khoa học cho rằng, virus Ebola đang đột biến và những đột biến như vậy góp phần khiến cho bệnh lây lan nhanh chóng và cản trở phát triển một loại vắc xin phổ quát. Hiện nay, có 6 loại virus, mỗi loại trong số đó lại nhanh chóng phát triển thành các dạng nhỏ khác. Tại thời điểm này có bao nhiêu dạng virus đã được hình thành, không ai tính được chính xác.

Chuyên gia virus học, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Sinh học thuộc Viện Nghiên cứu virus Ivanovski (Nga), Alexander Butenko cho biết: “Ngoài loại virus đầu tiên, được phát hiện ở Zaire (nay là Congo) vào năm 1976, hiện có các kiểu gien khác nhau biến đổi từ nó. Đó là virus Ebola-Sudan. Một loại khác được phát hiện ở Bờ Biển Ngà. Có loại được tìm thấy ở Uganda. Sau nữa, virus Reston được phân lập tại Mỹ và Ý từ những con khỉ Philippines. Gần đây nhất là kiểu gien virus Ebola được phân lập từ dơi ở Tây Ban Nha. Thành ra một nhóm virus không đồng nhất, khác hẳn với nguyên mẫu virus Ebola. Sự đa dạng đó cho thấy các đột biến nhất định diễn ra”.

Điều tồi tệ nhất là mỗi chủng virus lại đòi hỏi loại vắc xin riêng. Ví dụ, trong một thời gian dài có loại vắc xin chống virus Ebola-Zaire và Ebola-Sudan. Nhưng các vắc xin này chỉ thành công đối với những chủng do chúng tạo ra. Tức là thuốc Ebola-Zaire là không hiệu quả trong tất cả các trường hợp sốt Ebola khác. Cần phải có một loại vắc xin tổng hợp. Giờ đây các chuyên gia trên toàn thế giới đang làm việc để chế tạo loại vắc xin như vậy. Đã có những bước tiến triển, nhưng để sử dụng rộng rãi thì phải chờ khoảng 6 tháng hoặc một năm nữa.

Dịch bệnh vượt ngoài tầm kiểm soát bởi bối cảnh kinh tế - xã hội phức tạp ở Tây Phi

Trước tình hình này, ngày 15/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo có thể có đến 10.000 ca lây nhiễm Ebola mới, một tuần vào khoảng đầu tháng 12 tới đây tại 3 nước Tây Phi bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nhất.  Trợ lý Tổng giám đốc của WHO, bác sĩ Bruce Aylward phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva rằng, con số tử vong vì Ebola đã tăng lên hơn 4.400 ca, và số ca bệnh được xác nhận là 8.914 ca tính từ tháng 3/2014.

Giới chức của WHO nói rằng, mục tiêu đầy tham vọng được đặt ra để khống chế virus Ebola, được gọi là “70-70-60” vẫn khó mà đạt được. Tức là, 70% ca mai táng an toàn, 70% ca bệnh được kiểm soát và điều trị đúng cách và trong vòng 60 ngày kể từ ngày bắt đầu chương trình phòng chống dịch, mà Phái bộ Ứng phó Khẩn cấp với Ebola của LHQ, gọi tắt là UNMEER, xác định là ngày 1/10. Do đó, mục tiêu của WHO là triển khai chương trình phòng chống dịch bệnh này trong khoảng 60 ngày, tức là phải hoàn thành vào ngày 1/12.

Quân đội Mỹ được điều động tới Liberia.

Hội đồng Bảo an LHQ hôm 15/10 nhận được một báo cáo đánh giá đáng lo ngại từ người đứng đầu phái bộ UNMEER ở Ghana, ông Anthony Banbury. Ông Banbury nói rằng, bất chấp những nỗ lực vượt bậc của các nhân viên y tế ở các tuyến đầu, ông vẫn hết sức lo lắng rằng vẫn chưa đủ để ngăn chặn Ebola. "Ebola đã đi trước chúng ta, đã bỏ chúng ta khá xa. Ebola đang chạy với tốc độ nhanh hơn chúng ta, và nó đang thắng cuộc đua. Chúng ta không thể để Ebola thắng chúng ta. Nếu Ebola thắng, thì chúng ta, người dân của LHQ bị thất bại quá nặng".

Ông Banbury nói rằng nếu không đạt được mục tiêu “70-70-60”, sẽ có thêm nhiều người tử vong. Ông nói thêm rằng thế giới sẽ đối diện với “một tình huống chưa từng thấy mà chúng ta không có kế hoạch đối phó”.

Trong mấy ngày qua, người đứng đầu nước Mỹ đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới ra sức chống dịch bệnh. Hôm 16-10, Tổng thống Obama đã hội thảo qua truyền hình với lãnh đạo của các nước Anh, Pháp, Đức, và Italia để bàn về một số vấn đề, trong đó có Ebola. Mỹ đã cam kết viện trợ hơn 400 triệu USD cho Tây Phi để giúp chống dịch bệnh Ebola.

Trong khi đó, thêm khoảng 100 quân nhân Mỹ nữa đã đến Liberia hồi cuối tuần qua để góp sức cho nỗ lực khống chế virus Ebola. Hiện có 565 quân nhân Mỹ tại Tây Phi và con số này có thể tăng lên vài ngàn như được dự trù trong những tuần lễ sắp tới để giúp xây dựng 17 cơ sở chữa trị và lập ra các phòng thí nghiệm lưu động để xét nghiệm bệnh.

Tuy nhiên, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Tây Phi đang gây nhiều tranh cãi. Theo yêu cầu của chính quyền Liberia, Mỹ sẽ tạo lập ở đất nước này một trung tâm chỉ huy quân sự để điều phối nỗ lực nhằm hỗ trợ nhà chức trách các nước Tây Phi trong cuộc đấu tranh chống đà lây lan của Ebola. Đứng đầu trung tâm này là vị chỉ huy bộ binh Mỹ ở châu Phi, tướng Darryl Williams.

Theo giới phân tích, một trong những nguyên nhân chính vì sao dịch bệnh vượt ra ngoài tầm kiểm soát, là bởi bối cảnh kinh tế-xã hội phức tạp ở Tây Phi. Với sự giúp đỡ của quân đội không giải quyết được vấn đề này, mà trái lại hẳn chỉ làm tình hình thêm trầm trọng hơn lên. Dễ hiểu là thoạt đầu đã lập được các rào cản hiệu quả, các trạm kiểm soát trên đường đi…

Cần làm như vậy bởi nạn tham nhũng ở đó cao ở mức bất thường. Ở Guinea, chỉ cần khoản hối lộ nửa USD là có thể vượt qua mọi hàng rào ngăn cấm. Nhưng chỉ riêng lập hàng rào vẫn chưa đủ để đối phó với dịch bệnh. Điều quan trọng là cho đến nay vẫn thiếu vắng mọi thông tin khoa học về tính năng tự nhiên của ổ virus này. Tiếp đến là cần làm việc với các cộng đồng địa phương để loại trừ những tập tục góp phần vào đà lây nhiễm. Các quân nhân, hơn nữa là lính Mỹ - sẽ không giải quyết nổi nhiệm vụ này, bởi ai chẳng biết binh sĩ của Mỹ luôn gặp vấn đề với cư dân các địa phương.

Trường hợp thứ 3 nhiễm virus Ebola ở Mỹ là nữ y tá Amber Vinson, nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện Texas Health Presbyterian Hospital ở thành phố Dallas, Texas. Trước đó, ngày 11/10, đồng nghiệp của Vinson, nữ y tá người Mỹ gốc Việt Nina Phạm, cũng được xác nhận dương tính với loại virus chết người này. Cả hai nhân viên y tế này đều nằm trong số 70 nhân viên y tế từng trực tiếp hoặc gián tiếp chữa trị cho ông Thomas Eric Duncan, người Liberia, bệnh nhân đầu tiên được phát hiện nhiễm Ebola tại Mỹ và đã tử vong hôm 8/10 vừa qua sau 21 ngày chữa trị.

Giám đốc Các Trung tâm ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh Liên bang Mỹ (CDC), bác sĩ Tom Frieden cho biết nguyên nhân dẫn tới sự lây nhiễm này là do bệnh viện trên đã có vi phạm về thủ tục y khoa trong quá trình điều trị bệnh nhân Thomas. Giới chức y tế cho biết, trong thời gian chăm sóc Duncan, Nina đều mặc đồ bảo hộ toàn thân, tuy nhiên, cô đã “tiếp xúc” với bệnh nhân này “nhiều lần”.

Nina Phạm và Amber Vinson.

Nina năm nay 26 tuổi, tốt nghiệp Trung học Công giáo Nolan năm 2006 và tốt nghiệp ngành Y tá tại Đại học Texas Christian University (TCU) năm 2010, nhận chứng chỉ y tá chăm sóc đặc biệt ngày 1/8/2014. Cô sống tại một căn hộ thuộc tòa chung cư trên đại lộ Marquita, khu trung lưu phía bắc Dallas. Gia đình cô sống ở Fort Worth gần đó. Trong mắt đồng nghiệp và hàng xóm, Nina là người “luôn đặt lợi ích của người khác lên trước bản thân mình. Đó là triết lý mà cô chia sẻ với gia đình mình. Cô luôn giúp đỡ mọi người và tự hào được giúp đỡ người khác”.

Nhiều giáo dân Việt Nam trong vùng Dallas Fort Worth đang cầu nguyện cho Nina. Đêm ngày 14/10, hàng trăm sinh viên và giáo viên của TCU đã tổ chức buổi lễ thắp nến cầu nguyện cho cô.

Hiện Nina đang được truyền máu từ Tiến sĩ Kent Brantly và các bác sĩ hy vọng, việc truyền máu này sẽ cứu được tính mạng của nữ y tá trẻ tuổi. Được biết, trong máu của những người sống sót từ căn bệnh Ebola có kháng thể giúp những bệnh nhân mới nhiễm bệnh chống lại loại virus chết người này. Đây là lần thứ 3 Tiến sĩ Brantly hiến máu cho bệnh nhân nhiễm Ebola sau khi các bác sĩ xét nghiệm ông cùng nhóm máu với các bệnh nhân trước đó là Bác sĩ Nick Sacra và phóng viên Ashoka Mukpo của NBC, hiện vẫn đang được điều trị.

Cô Amber Vinson, 29 tuổi. Cũng giống như Nina, từng chăm sóc cho bệnh nhân Duncan. Theo báo cáo của CDC, ngày 13/10, Amber đã bay từ Cleverland tới Dallas trên chuyến bay 1143 của Hãng Frontier Airlines. Mặc dù cô không có biểu hiện triệu chứng của bệnh trên suốt chuyến bay và cho tới ngày 14/10 nhưng CDC hiện đang cố gắng liên lạc với 132 hành khách trên chuyến bay này để xác định nguy cơ tiềm ẩn của Ebola. Amber kể lại rằng, cô bị sốt 37,6oC trước khi lên máy bay, tuy nhiên Tiến sĩ Tom Friend cho rằng, khả năng những hành khách trên cùng chuyến bay mắc phải virus là “rất thấp”.

Theo Thị trưởng Dallas Mike Rawlings, Amber sống một mình và không có bất kỳ vật nuôi nào. Một công ty đã được thuê để rửa xe và dọn dẹp căn hộ của Amber. Cảnh sát và lực lượng cứu hỏa cũng đã dọn dẹp khu vực xung quanh nơi Amber sống.

Khổng Hà

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.