Thảm cảnh từ cuộc chiến sắc tộc ở Yemen
- Đánh bom liều chết tại Yemen, ít nhất 30 binh sĩ thiệt mạng
- Tổng thống Mỹ dùng tên lửa hành trình "dằn mặt" phiến quân Yemen1
- Tên lửa Nga - Mỹ đối đầu tại Yemen
Vụ đánh bom xảy ra khi hàng trăm binh sĩ đang tập trung để nhận lương hằng tháng tại doanh trại quân đội Al-Sawlaban của thành phố cảng Eden, nơi được coi là trụ sở tạm thời của chính phủ ông Abdrabbuh Mansur Hadi được quốc tế công nhận của Yemen.
Gần đây, làn sóng đánh bom và bắn giết nhằm vào quan chức chính phủ và lực lượng an ninh Yemen đang có dấu hiệu nổi lên tại thành phố miền nam nước này mặc cho các nỗ lực của giới chức Sanaa trong các chiến dịch chống lại lực lượng thánh chiến vốn hoạt động tích cực tại miền nam và miền đông.
Cuộc nội chiến phức tạp
Yemen rơi vào hỗn loạn sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Ali Abdullah Saleh vào năm 2012. An ninh trở nên ngày càng bất ổn sau khi phiến quân Houthi được sự hậu thuẫn của lực lượng trung thành với tổng thống bị lật đổ Saleh chiếm giữ thủ đô Sanaa vào tháng 9-2014, sau đó tiến xuống miền nam và kiểm soát nhiều vùng lân cận, buộc tổng thống đương nhiệm Hadi phải sang lưu vong tại nước láng giềng Saudi Arabia.
Các tay súng thuộc lực lượng phiến quân Houthi di chuyển bằng xe tải tại Thủ đô Sanaa, Yemen. Ảnh: Reuters. |
Tháng 3-2015, Liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu đã tiến hành các cuộc không kích chống lại Houthi, chính thức châm ngòi cho cuộc nội chiến khốc liệt và dai dẳng tại Yemen cho tới tận hôm nay.
Cuộc nội chiến ở Yemen là cuộc đối đầu giữa hai hệ phái của thế giới Hồi giáo là Shiite với đại diện là phe Houthi, và hệ phái Sunni với đại diện là lực lượng của Tổng thống Hadi.
Cuộc xung đột kéo dài gần 20 tháng tại Yemen đến nay đã làm hơn 12.000 người thiệt mạng, 2,5 triệu người buộc phải di dời và gây ra cuộc thảm họa nhân đạo nghiêm trọng khiến hàng triệu người không được sử dụng nước sạch và đứng trước nguy cơ bị chết đói. Theo một báo cáo hồi đầu tháng 12 của Tổ chức Lương thực quốc tế, 14,1 triệu người hay 51% dân số Yemen đang phải đối mặt với tình trạng thiếu an toàn thực phẩm, trong đó có 7 triệu người ở tình trạng cực kỳ nghiêm trọng.
Tính trên toàn dân số, hiện có tới 10 trong tổng số 22 tỉnh của Yemen đang đứng trên bờ vực của nạn đói. Số người phải phụ thuộc vào trợ cấp lương thực đã tăng từ 4,3 đến 7 triệu người chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm. Theo ước tính của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng ở cả người lớn và trẻ em tại quốc gia này đã tăng gấp đôi, từ khoảng 160.000 lên 320.000 người.
Cuộc nội chiến cũng là nguyên nhân cho sự khan hiếm điện, phương tiện giao thông và các phương tiện phục vụ nhu cầu tối thiểu khác. Mặc dù các tổ chức quốc tế như WHO, UNICEF đã tổ chức nhiều đợt cứu trợ quy mô lớn trị giá hàng trăm triệu USD để giúp đỡ người dân nước này tạm vượt qua những hậu quả của cuộc chiến. Tuy nhiên với khoảng 51% dân số đang đối mặt với nạn đói trầm trọng thì các cuộc cứu trợ được cho là chỉ giải quyết được bề nổi của vấn nạn tại đây: Yemen hiện cần một giải pháp chính trị hữu hiệu.
Ông Robert Mardini, Giám đốc khu vực Trung Đông của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế cho biết: “Cuộc xung đột ở Yemen hiện cần nhất là một giải pháp chính trị được đồng thuận của tất cả các bên liên quan hơn là các biện pháp tình thế. Trong lúc này, tình hình nhân đạo tại quốc gia này cũng đang xấu đi từng ngày và tại một số khu vực, tình hình có thể nói là thực sự thảm họa. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên quan tâm đến việc bảo vệ người dân, phụ nữ và trẻ em. Chúng tôi một lần nữa kêu gọi các bên tạo điều kiện cần thiết, mở đường cho các hoạt động nhân đạo”.
Cuộc chiến này được cho là một cuộc nội chiến giữa các phe cánh sắc tộc, tuy nhiên với sự tham gia phức tạp của nhiều bên, chính danh và không chính danh, cuộc chiến ở quốc gia Trung Đông này ngày càng mang nhiều dấu hiệu của một cuộc chiến “qua tay kẻ khác”. Khi đó, Yemen sẽ là chiến trường quyết định tương lai an ninh chính trị của toàn khu vực vốn chưa từng yên ả nhưng quyền quyết định có tiếp tục hay không cuộc chiến đó không còn nằm trong tay người Yemen nữa. Nhiều chuyên gia lo ngại, với sự tham gia của các bên thứ ba, đất nước này sẽ còn đắm chìm lâu dài trong chiến sự, bạo lực, mất an ninh và không ổn định.
IS tăng cường ảnh hưởng
Cuộc nội chiến với sự tham gia phức tạp của nhiều bên đã khó chấm dứt, Yemen hiện còn trở thành tâm điểm mới của khủng bố quốc tế. Vốn là căn cứ của Al-Qaeda trên bán đảo Arập (AQAP), bị Washington cho là nhánh nguy hiểm nhất của mạng lưới thánh chiến, đã lên tiếng nhận là từng tổ chức vụ khủng bố tòa soạn Charlie Hebdo ở Paris hồi năm ngoái. Việc IS đang mất dần ảnh hưởng và vùng lãnh thổ tại các quốc gia Trung Đông khác như Syria và Iraq khiến Yemen trở thành “thủ đô” lí tưởng nhất cho việc ẩn náu và hoạt động của các tổ chức khủng bố quốc tế.
Các vụ đánh bom liều chết và xả súng xảy ra triền miên là minh chứng rõ nhất cho sự tăng cường hoạt động của IS tại quốc gia này: Hôm 20-3, hơn 100 người đã thiệt mạng và khoảng 250 người khác bị thương sau một cuộc tấn công đánh bom liều chết nhằm vào các nhà thờ ở thủ đô Sanaa của Yemen, các tay súng IS sau đó lên tiếng chịu trách nhiệm là thủ phạm.
Ngày 20-4, vụ việc 4 cảnh sát thiệt mạng trong một vụ đánh bom ở Aden đã được khẳng định bởi IS. Tháng 5, tiếp tục một vụ đánh bom tự sát kép ở Aden giết chết ít nhất 41 người cũng được IS nhận trách nhiệm. Ngày 29-8, IS tiếp tục đứng ra nhận trách nhiệm vụ đánh bom làm 60 người thiệt mạng tại trường đào tạo quân sự ở Aden, thành phố miền bắc nước này. Gần đây hơn, cuối tháng 9, IS lại gây ra một vụ đánh bom bằng xe ôtô giết chết 71 người ngay gần một doanh trại quân đội tại thủ đô Sanaa.
Mới nhất, hôm 11-12, IS chính thức tuyên bố nhận trách nhiệm cho vụ đánh bom liều chết tại doanh trại quân đội ở thành phố cảng Aden, miền nam Yemen hôm 10-12 khiến ít nhất 50 binh sĩ nước này thiệt mạng và 70 người khác bị thương. Trong một phản ứng yếu ớt sau vụ đánh bom nhằm ngăn chặn các hoạt động khủng bố của IS, Chính phủ Yemen hôm đầu tuần đã bắt giữ 8 nghi phạm liên quan đến một loạt các vụ tấn công tương tự nhằm vào mục tiêu là các sĩ quan an ninh tại thành phố Eden.
Theo giới quan sát, trước đây IS do lực lượng có hạn và trải đều tại một số quốc gia như Syria, Iraq và Libya nên ngoài một số động thái làm sâu sắc thêm xung đột sắc tộc ở Yemen, IS dường như không cố gắng để đánh chiếm những vùng lãnh thổ tại quốc gia này. Tuy nhiên trong vài tháng trở lại đây, với hàng loạt vụ đánh bom, xả súng có mục đích và luôn sẵn sàng nhận trách nhiệm, cùng với việc nhiều lần bị phát hiện tăng cường các mối quan hệ với các lực lượng tại địa phương và liên kết với AQAP, dường như IS đang hướng tới mục đích tăng cường ảnh hưởng chính trị tại Yemen để tạo bước đệm cho các cuộc xâm lấn, chiếm giữ các vùng lãnh thổ trong tương lai gần.
Nóng lòng đẩy lùi phe đối lập tại Yemen, theo truyền thông Lebanon, một số lực lượng thân Saudi Arabia gần đây đã dùng phương cách thuê phiến quân khủng bố ở Syria để gây tổn thất lên các cuộc tấn công của quân đội Yemen và các tay súng Houthi Ansarullah, đây sẽ là con dao hai lưỡi bởi nếu IS sắp tới buộc phải rút lui tại Syria và Iraq, Yemen sẽ thành điểm đến lý tưởng để tái tập hợp lực lượng một cách nhanh chóng.
Các nỗ lực quốc tế xung quanh việc giải quyết cuộc chiến phức tạp tại Yemen được cho là chưa dứt khoát và mới chỉ giúp người dân nước này phần nào vượt qua hậu quả nặng nề của cuộc chiến. Sau 19 tháng với nhiều diễn biến phức tạp, các cường quốc như Nga, Mỹ và EU hiện vẫn chưa thể hỗ trợ tìm kiếm một giải pháp chính trị hiệu quả nào khi các lệnh ngừng bắn do Liên Hiệp Quốc khởi xướng ngắn ngày thường xuyên bị vi phạm chỉ chưa đầy vài giờ sau công bố.
Đến nay, các bên tham gia vào cuộc chiến cũng chưa bên nào có dấu hiệu muốn tạm ngưng để ngồi vào bàn đàm phán. Mặc dù đối mặt với chỉ trích từ nhiều phía. Iran và Saudi Arabia trong hàng ngàn năm lịch sử chưa từng khoan nhượng trong các cuộc ganh đua giành vị thế. Nếu vai trò quốc tế không sớm được thể hiện, sự rối ren và quyền lợi chồng chéo trong cuộc nội chiến Yemen rất có thể đẩy cuộc chiến đến chỗ thảm khốc hơn những gì chúng ta thấy ở cả Iraq và Syria...