Yemen chìm sâu vào khủng hoảng

Thứ Năm, 07/12/2017, 08:56
Ngày 4-12, phiến quân Houthi tuyên bố đã hạ được cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh, hai ngày sau khi ông này đột ngột tuyên bố chấm dứt liên minh với Houthi. Nhiều nguồn tin khác cho biết, ông Saleh cùng nhiều thành viên gia đình đã bị giết sáng 4-12, trong khi đang tìm cách chạy tới tỉnh Marib do quân chính phủ kiểm soát.

Bộ Nội vụ của phe Houthi đang kiểm soát tại thủ đô Sanaa đã khẳng định cái chết của cựu Tổng thống Saleh và cho rằng: “Những kẻ phản bội cùng với thủ lĩnh của chúng (ám chỉ ông Saleh) đã bị tiêu diệt”. Cái chết của ông Saleh đã dập tắt hy vọng giải quyết những mâu thuẫn đang ngày càng bế tắc trong cuộc nội chiến Yemen bắt đầu bùng phát từ năm 2012 và giao tranh khốc liệt trong 2 năm qua.

Ông Ali Abdullah Saleh trở thành Tổng thống miền Bắc Yemen vào năm 1978 và đắc cử Tổng thống toàn Yemen vào năm 1990 sau khi nước này thống nhất. Yemen là quốc gia nghèo nhất trong khối Arab và trước khi nổ ra những cuộc biểu tình hưởng ứng làn sóng “Mùa xuân Arab”, nước này đã chứng kiến tình trạng bất ổn do sự hoành hành của tổ chức khủng bố Al-Qaeda và các nhóm đòi ly khai.

Ali Abdullah Saleh chính thức từ chức vào năm 2012, khoảng 1 năm sau sự kiện Mùa xuân Arab; là nhà lãnh đạo thứ ba của khối Arab phải ra đi trong làn sóng biểu tình sau cựu Tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali của Tunisia và cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak.

Đống đổ nát của trường Aal Okab, Saana.

Sinh ra trong một gia đình nông dân, Ali Abdullah Saleh không được học hành tử tế. Ông nhập ngũ và thăng tiến rất nhanh trong quân ngũ sau khi quân đội Yemen lật đổ vương triều tôn giáo vào năm 1962. Khi ông lên nắm quyền vào năm 1978, ít ai dám nghĩ ông sẽ tồn tại lâu, vì 2 vị tổng thống tiền nhiệm của ông đều đã bị ám sát chết. Nhưng Saleh đã vượt qua số phận của vị tiền nhiệm, tại vị trên ghế Tổng thống Yemen đến 33 năm.

Ali Abdullah Saleh là một nhân vật hiếm có trong thế giới Arab: một nhà lãnh đạo chuyên chế bị phong trào quần chúng nổi dậy lật đổ nhưng vẫn tiếp tục ở lại trong nước và được miễn trừ xét xử theo các điều khoản thỏa thuận để ông từ chức. Saleh bị cáo buộc đứng sau việc tổ chức hàng loạt vụ tấn công khủng bố, đặc biệt là loạt vụ ám sát nhắm vào hơn 150 quan chức cấp cao ở Yemen từ khi đã “về vườn”.

Ngay cả Tổng thống đương nhiệm Abdu Rabbu Mansour Hadi (được Arab Saudi hậu thuẫn) người từng làm cấp phó cho Saleh suốt 18 năm, cũng tố cáo Saleh chính là “kẻ chủ mưu thực hiện các vụ tấn công vào hệ thống ống dẫn dầu khí và điện lưới quốc gia, gây ảnh hưởng xấu đến kinh tế đất nước và tạo ra hình ảnh một chính quyền mới yếu kém”.

Theo giới phân tích và ngoại giao, thật khó xác định những lời tố cáo về các hành vi khủng bố nhắm vào ông Saleh có thật hay không. Ở Yemen, các cuộc điều tra về bạo lực chính trị được tiến hành rất hời hợt và thường không đi đến đâu. Vẫn còn nhiều nhân tố khác có thể là thủ phạm gây ra các vụ khủng bố, như Al-Qaeda chẳng hạn.

Ông dần dần khôi phục vị thế trên chính trường trong những năm gần đây, bắt tay với phiến quân Houthi chống lại liên quân của Arab Saudi. Năm 2011, Houthis đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một phong trào chính trị trên toàn quốc, chủ yếu là do người Yemen ngày càng chán ghét đảng Islah, đảng Hồi giáo Yemen, tương tự như đảng phái Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập.

Xe tăng của phe nổi dậy Houthi chắn ngang một con đường dẫn vào thủ đô Sanaa.

Saleh ghét cả Houthi lẫn Islah. Thế nên, khi Saleh quay sang “thân thiện” với Houthi, mọi người bắt đầu đặt dấu hỏi. Chính xác là Saleh từ lâu đã âm thầm chuẩn bị cho người thân của mình lên nắm quyền. Người ta để ý thấy rằng, trong những năm còn cầm quyền trước khi bị buộc phải từ chức, Saleh có vẻ đã đào tạo từng bước cho con trai mình, Ahmed Ali Saleh.

Và mặc dù không còn làm tổng thống, nhiều người trong hàng ngũ quân đội Yemen vẫn trung thành với ông. Tư dinh của ông ở thủ đô Sanaa được bảo vệ nghiêm ngặt với rào chắn tứ phía bằng các khối bê-tông và lính canh gác 24/24 giờ. Trong khi đó, tổng thống của chính quyền Yemen bị lật đổ, ông Abdu Rabu Mansour Hadi, đã phải sống lưu vong tại Arab Saudi từ năm 2015.

Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Saleh kiểm soát phần lớn lãnh thổ, trong đó có thủ đô Sanaa. Ông Saleh cùng thành phần ủng hộ liên minh với phiến quân Houthi vào tháng 9-2014 vì cùng có mục tiêu giành lại Sanaa từ chính quyền của Tổng thống Hadi.

Chính quyền thủ đô Riyadh của Saudi Arabia lo sợ một chính quyền Yemen thân Iran có thể trở thành mối đe dọa an ninh tại phần biên giới phía đông mong manh nhất đất nước. Sau nhiều nỗ lực, Saudi Arabia và các quốc gia Arab đã ngăn chặn thành công phiến quân Houthi chiếm lấy thành phố trọng yếu Aden.

Trong khi đó, tổ chức al-Qaeda ở Bán đảo Arab (AQAP) hưởng lợi rất nhiều từ cuộc chiến này. Đó là lý do chính quyền mới của Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc không kích vào các mục tiêu của AQAP kể từ tháng 1 năm nay.

Bất đồng giữa hai phe ủng hộ cựu Tổng thống Saleh và phiến quân Houthi trở thành xung đột từ ngày 29-11. Phe Saleh nhanh chóng thất thế trước phiến quân Houthi. Liên minh Saleh - Houthi tan rã làm dấy lên lo ngại xuất hiện mặt trận mới trong cuộc chiến ở Yemen, vốn đã làm hơn 8.800 người chết kể từ khi liên minh do Arab Saudi dẫn đầu can thiệp năm 2015. Cuộc xung đột đẩy Yemen đến bờ vực nạn đói diện rộng, được Liên Hiệp Quốc mô tả là khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.

Thẻ căn cước của cựu tổng thống Yemen Abdullah Saleh. Ảnh: South Front.

Trong một diễn biến bất ngờ, vào ngày tối 3-12, ông Saleh đã tuyên bố chấm dứt liên minh giữa lực lượng của ông và phiến quân Houthi. Việc ông Saleh hủy bỏ mối quan hệ đồng minh với quân Houthi đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc chiến kéo dài hơn 2 năm, mở đường cho việc giải quyết bế tắc cốt lõi của cuộc chiến.

Nhưng động thái này đã khiến giao tranh khốc liệt nổ ra triền miên mấy ngày qua tại Yemen, đặc biệt tại thủ đô Sanaa. Các trận giao tranh liên tục nổ ra giữa đường phố, bom nổ khắp nơi. Trường học và bệnh viện phải đóng cửa. Theo Ủy ban Quốc tế của Hội chữ thập đỏ, ít nhất có 125 người thiệt mạng và 238 người khác bị thương trong vòng 1 tuần qua tại Yemen.

Vào hôm 2-12, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã phải lên tiếng thúc giục các bên liên quan “khẩn trương ngồi vào bàn đàm phán và bắt đầu thỏa thuận hòa bình”. Tranh thủ thời cơ, Tổng thống Hadi ra lệnh cho lực lượng của ông tiến quân vào Sanaa. “Tổng thống đã chỉ đạo Phó Tổng thống Ali Mohsen al-Ahmar, người đang ở Marib, phía đông Sanaa, kích hoạt các đơn vị quân đội và hướng về thủ đô”, một quan chức chính quyền Hadi nói.

Hãng tin CNN  cho biết, người của chính quyền Hadi còn tiếp cận những người ủng hộ ông Saleh với lời cam kết sẽ ân xá cho họ.

Kênh truyền hình Arab Saudi Al Arabiya hôm 4-12 dẫn nguồn tin từ đảng Đại hội Nhân dân chung (GPC) của cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh cho biết ông bị một tay bắn tỉa sát hại. Video do phiến quân Houthi đăng trên mạng xã hội cho thấy thi thể một người đàn ông được cho là Saleh, mặc quần áo màu xám, bị một lỗ thủng lớn ở đầu, thân thể quấn trong chăn. Tuy nhiên, chưa có cơ quan truyền thông nào xác nhận được độ chính xác của các hình ảnh nói trên.

Phiến quân Houthi. Ảnh: Middle East Confidential.

Adam Baron, nhà phân tích Yemen tại Ủy ban châu Âu về quan hệ quốc tế, nhận định rằng: “Sau vụ ám sát, phiến quân Houthi dường như đã sẵn sàng hơn để chiếm hoàn toàn quyền lực tại Yemen... điều này khiến thỏa thuận hòa bình khó có thể đạt được tại quốc gia này”.

Ngày 5-9-2017, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết đã có có hơn 5.000 thường dân thiệt mạng trong cuộc xung đột tại Yemen kể từ tháng 3-2015 đến nay và nhóm khủng bố cực đoan al-Qaeda đã mở rộng phạm vi hoạt động sang thành phố Taizz, Tây Nam Yemen. Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở khu vực cho biết, Yemen hiện đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới đang tiếp diễn, mà nguyên nhân trực tiếp do xung đột vũ trang ở nước này.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Mohammad Ali Alnsour, người đứng đầu Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Trung Đông và Bắc Phi cho biết: khủng hoảng nhân đạo ở Yemen là hệ quả của sự kết hợp giữa xung đột, dịch tả lan tràn và bất ổn lương thực. Theo ông, trong 27,4 triệu người dân Yemen, có tới 18,8 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo và hơn 10 triệu người cần trợ giúp khẩn cấp.

Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng khẳng định cuộc khủng hoảng ở Yemen hoàn toàn là một thảm họa do chính con người gây ra và các vụ không kích của lực lượng liên quân do Saudi Arabia đứng đầu tham chiến tại Yemen phải chịu trách nhiệm cho hầu hết thương vong dân sự tại đây. Theo đó, các vụ tấn công xảy ra ở khắp mọi nơi, từ trường học, khu dân cư, bệnh viện, chợ, đám tang, thậm chí là ngư dân và tàu thuyền dân sự.

Hiện Liên Hiệp Quốc vẫn hối thúc các bên liên quan trong cuộc xung đột Yemen nhanh chóng chấm dứt hoạt động giao tranh để hạn chế thiệt hại cho người dân, đồng thời tạo điều kiện nhanh chóng thực hiện các biện pháp cứu trợ nhân đạo, trong bối cảnh nạn đói và dịch tả đang lan rộng ở quốc gia Trung Đông này.

Hiện tại, theo các quan sát viên quốc tế, 3/4 dân cư Yemen cần được hỗ trợ nhân đạo cho các nhu cầu cá nhân, với hơn 17 triệu người thiếu thực phẩm, trong đó có 8,4 triệu người đứng trước nguy cơ thiệt mạng vì không đủ ăn.

Học Quang (tổng hợp)
.
.