Zimbabwe: Tổng thống mới, hy vọng mới
- Cựu Tổng thống Zimbabwe nhận 10 triệu USD sau khi từ chức
- Người dân đặt niềm tin vào tân Tổng thống Zimbabwe
- Zimbabwe sắp có tân tổng thống
Cả nước Zimbabwe như mở hội ăn mừng khi tin tức về việc Tổng thống Robert Mugabe viết thư từ chức gửi cho Nghị viện hôm 21-11, chấm dứt nhiều ngày giằng co căng thẳng. Dư luận, báo chí địa phương và một số tờ báo phương Tây cho rằng một "kỷ nguyên mới" đang mở ra cho Zimbabwe sau khi cựu Phó Tổng thống Mnangagwa tuyên thệ nhậm chức Tổng thống mới trong sự nôn nao chờ đợi của nhiều người.
Tân Tổng thống Emmerson Mnangagwa. |
Bây giờ, mọi sự chú ý của dư luận lại dồn vào người kế nhiệm Mnangagwa. Trước hết, tân Tổng thống Zimbabwe sẽ phải bắt tay vào việc sửa chữa những sai lầm, hư hại do ông "thầy" Mugabe tạo ra.
Trong vô số khó khăn của kinh tế đất nước, nạn thất nghiệp là vấn đề nổi cộm nhất, tới 80% dân số không có việc làm, đa số người dân sống dưới mức đói nghèo, kèm theo đó là sự bất công xã hội sâu sắc giữa thành phần thân cận với tổng thống và đảng cầm quyền với thành phần đối lập. Giải quyết những vấn đề này không phải là chuyện dễ dàng.
Trong khi đó, hy vọng đặt vào ông Mnangagwa cũng không cao. Ông Mnangagwa sẽ thay ông Mugabe điều hành đất nước cho hết nhiệm kỳ hiện tại (còn khoảng 1 năm nữa), sau đó một cuộc bầu cử sẽ được tiến hành để bầu ra nhà lãnh đạo mới. Năm nay 75 tuổi (sinh năm 1942), ông Mnangagwa được biết đến bằng biệt danh "Garwe" (Cá sấu).
Trả lời phỏng vấn trong một chương trình phát thanh cách đây 2 năm, ông Mnangagwa đã giải thích ý nghĩa của biệt hiệu này như sau: Một con cá sấu không bao giờ rời khỏi nước để đi kiếm ăn, mà nó kiên nhẫn chờ đợi con mồi tự đến cho nó ăn. "Nó táp vào đúng thời điểm" - ông Mnangagwa nhấn mạnh. Và thời điểm mà ông Mnangagwa chờ đợi cuối cùng cũng đến vào hôm 21-11-2017, dù muộn còn hơn không. Một sự kiên nhẫn chờ đợi hiếm có của "Cá sấu".
Hầu hết ý kiến từ phương Tây đều thận trọng khi đánh giá về triển vọng mới cho Zimbabwe dưới thời Mnangagwa. Ông không chỉ là một phụ tá thân cận nhất của cựu Tổng thống Mugabe, mà còn là "chiến hữu" từng một thời cùng ông Mugabe vào sinh ra tử trong cuộc kháng chiến du kích giành độc lập cho Zimbabwe trong thập niên 60-70 thế kỷ XX. Trong đảng cầm quyền Zanu-PF, ông Mnangagwa là người có quyền lực mạnh sau ông Mugabe.
Từ khi ông Mugabe lên nắm quyền sau khi đất nước giành độc lập, ông Mnangagwa luôn sát cánh bên cạnh, trở thành người học trò, người phụ tá tin cẩn, là một cánh tay đắc lực xây dựng lòng trung thành tuyệt đối đối với ông Mugabe trong đảng Zanu-PF. Suốt 37 năm cầm quyền của ông Mugabe, ông Mnangagwa đã trải qua rất nhiều vị trí công tác, một loạt chức danh bộ trưởng nội các chính phủ, từ Tư pháp, Quốc phòng cho đến Nhà ở và Tài chính.
Nhưng vị trí quyền lực nhất của Mnangagwa chính là Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Tổ chức Tình báo Trung ương (CIO) trong thập niên 80 thế kỷ XX. Chính giai đoạn làm giám đốc CIO đã mang lại cho Mnangagwa nhiều tai tiếng không kém gì ông Mugabe.
Phương Tây gọi ông Mnangagwa là "người đáng sợ" ở Zimbabwe; Bộ Ngoại giao Mỹ vào năm 2000 đã đánh giá ông Mnangagwa thậm chí còn "tàn bạo hơn Mugabe". Thời làm giám đốc CIO, ông đã xây dựng đơn vị này thành một lực lượng đáng sợ. Chính ông Mnangagwa là "kiến trúc sư" của những vụ đàn áp tàn bạo thành phần đối lập của ông Mugabe.
Ông bị nhiều người Zimbabwe buộc tội đã dàn dựng màn thanh trừng thành phần đối lập ở vùng Matabeleland; khoảng 20.000 người bị giết chết, chủ yếu là người sắc tộc Ndebele (ông Mnangagwa và ông Mugabe thuộc sắc tộc Shona), trong một chiến dịch mang tên Gukurahundi do quân đội trực tiếp thực hiện. Nhiều thập kỷ đã trôi qua kể từ vụ thanh trừng đó, mối hận thù sắc tộc vẫn chưa nguôi, hòa giải dân tộc đã không được thực hiện.
Những năm đầu thế kỷ XXI, ông Mnangagwa thực hiện những cuộc càn quét mới. Năm 2005, ông cho tiến hành một chiến dịch mới mang tên Murambatsvina càn quét toàn bộ các khu ổ chuột nghèo khó ở đô thị, nơi được cho là ươm mầm thành phần chống đối ông ông Mugabe.
Năm 2008, sau khi ông Mugabe thất bại trong vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống, ông Mnangagwa bị các tổ chức nhân đạo tố cáo đã tiến hành một chiến dịch trấn áp phe đối lập khiến hàng trăm người chết, hàng ngàn người bị thương.
Sau những hành động thể hiện lòng trung thành đó, giữa họ và đã xuất hiện sự rạn nứt. ông Mugabe bắt đầu mất niềm tin vào ông Mnangagwa trong một số vấn đề khi hai người bất đồng quan điểm do những sai lầm về quyết sách kinh tế của Tổng thống Mugabe.
Mặc dù vậy, ông Mnangagwa vẫn kiên trì phấn đấu để được ông Mugabe bổ nhiệm làm Phó Tổng thống vào năm 2014. Nhưng thêm một sự rạn nứt - sự rạn nứt cuối cùng như giọt nước tràn ly, và lần này không thể hàn gắn do có sự đấu đá quyền lực giữa ông Mnangagwa với đệ nhất phu nhân Grace cùng băng nhóm G40 của bà ta.
Vợ chồng Mugabe công khai công kích ông Mnangagwa mỗi khi có cơ hội, và đỉnh điểm là vụ việc cách chức Phó Tổng thống của ông Mnangagwa vào đầu tháng 11-2017, buộc ông phải chạy sang Nam Phi lưu vong.
Ngày 19-11, đảng cầm quyền Zanu-PF đã bỏ phiếu phế truất ông Mugabe, đồng thời mời ông Mnangagwa lên làm lãnh đạo mới. Ông Mnangagwa quay trở về trong sự chào đón của những người ủng hộ. Nhưng ở thủ đô Harare và nhiều nơi trên đất nước Zimbabwe, những chiến dịch đàn áp tàn bạo vẫn chưa phai trong ký ức nhiều người, và vì thế người ta không vội vàng tin vào "kỷ nguyên mới" như một số cơ quan báo chí đưa tin.