Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân lần thứ 4:

Ai giám sát, ai bảo đảm thế giới an toàn?

Thứ Hai, 04/04/2016, 15:00
Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân lần thứ 4, diễn ra trong hai ngày 31-3 và 1-4 tại thủ đô Washington, Mỹ. Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và khả năng khủng bố sở hữu vũ khí hạt nhân là hai chủ đề chính trong hội nghị lần này. Nếu như đó là những vấn đề không mới trong cả 3 lần hội nghị trước thì việc Nga không tham gia trong lần này là điều gây ra nhiều sự bàn tán, suy luận.

Kịch bản ám ảnh các nhà lãnh đạo thế giới

Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân lần đầu tiên được tổ chức tại Washington vào năm 2010 theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Khi đó, 47 nước tham gia với hầu hết các đại diện đều là nguyên thủ quốc gia đã cam kết đảm bảo an toàn hạt nhân bằng việc giảm sử dụng uranium được làm giàu ở cấp độ cao (HEU), tăng cường an ninh đối với các cơ sở có lưu giữ các nguyên liệu có thể phân hạch, gia tăng hợp tác giữa các quốc gia thành viên tham gia các công ước quốc tế trong lĩnh vực này.

Quá trình tổ chức các hội nghị đến nay đã mang lại nhiều thành quả, như hoàn toàn chấm dứt sử dụng HEU ở 12 quốc gia, đóng cửa hoặc chuyển sang sử dụng urani được làm giàu ở cấp độ thấp (LEU) tại 24 lò phản ứng và các cơ sở sản xuất chất đồng vị mà trước đó đã sử dụng HEU, nâng cấp an ninh tại 32 tòa nhà lưu giữ nguyên liệu có thể phân hạch.

Với sự tham gia của lãnh đạo từ hơn 50 quốc gia, hội nghị lần này là diễn đàn để các nước trình bày tiến trình thực hiện các cam kết từ Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân lần thứ ba, tổ chức tại La Hay, Hà Lan, hồi tháng 3-2014.

Hội nghị lần thứ 4 này diễn ra trong bối cảnh vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang khiến cả thế giới lo ngại. Hiện nay, hầu như ngày nào Bình Nhưỡng cũng có những lời lẽ hoặc hành động đe dọa an ninh Hàn Quốc và Mỹ. Gần đây nhất, ngày 26-3, CHDCND Triều Tiên chiếu một cuốn phim video mới tuyên truyền chống Mỹ với nội dung tiêu diệt Washington bằng vũ khí hạt nhân và đe dọa Seoul chịu số phận tương tự vì dám “mạ lỵ” lãnh đạo Kim Jong Un.

Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh an toàn hạt nhân lần thứ 4 (ảnh: New China).

Trước hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Mỹ Obama đã hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Nhà Trắng để thảo luận về mối đe dọa Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân hồi tháng 1 và vụ phóng tên lửa tầm xa vào tháng 2 của Bình Nhưỡng. “Chúng tôi hợp nhất trong những nỗ lực của mình ngăn chặn và phòng vệ trước những hành động khiêu khích của Triều Tiên” - ông Obama cho biết sau cuộc hội đàm. Bình Nhưỡng cũng là một trong những tiêu điểm thảo luận khi ông Obama họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau đó.

“Chúng tôi muốn tăng cường giao tiếp và phối hợp về vấn đề hạt nhân Triều Tiên và những vấn đề khu vực và toàn cầu khác” - ông Tập cho biết vào đầu cuộc hội đàm. Washington xem Bắc Kinh, đồng minh của Bình Nhưỡng, đóng vai trò trọng yếu trong việc thi hành những chế tài của Liên Hiệp Quốc đối với CHDCND Triều Tiên về việc phát triển vũ khí của nước này.

Ngoài vấn đề Triều Tiên, nguy cơ các nhóm khủng bố, đặc biệt là IS hiện nay, sở hữu vũ khí hạt nhân cũng là chủ đề chính được thảo luận tại hội nghị lần này. Viễn cảnh khủng bố chiếm đọat chất phóng xạ để chế tạo bom bẩn là một trong những kịch bản ám ảnh các nhà lãnh đạo thế giới. Điều đáng lo ngại hơn nữa là có thông tin tổ chiến binh IS ở Brussels dự kiến chế tạo bom bẩn, pha chất phóng xạ với chất nổ để gây thiệt hại nhiều hơn với hậu quả lâu dài hơn. Cảnh sát Bỉ nắm được tin này từ một đoạn băng theo dõi một chuyên gia hạt nhân người Bỉ do anh em khủng bố Bakraoui thực hiện.

Tháng 9-2015, nhà báo Đức Jürgen Todenhofer trong cuốn sách “Inside IS-10 jours avec IS” (10 ngày bên trong tổ chức IS) đã cho biết IS có âm mưu giết hàng triệu người châu Âu. 2 ngày sau khủng bố ở Bruxelles, điều phối viên Liên minh châu Âu chống khủng bố, Gilles de Kerchove, cảnh báo trên nhật báo La Libre Belgique, một vụ tấn công bằng tin tặc, khống chế cơ quan vận hành một lò hạt nhân “có thể xảy ra trước 5 năm tới đây”.

Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook, Hoa Kỳ lo sợ vũ khí sát hại hàng loạt có thể rơi vào tay khủng bố. Trợ lý cố vấn An ninh Quốc Gia Benjamin Rhodes cũng xác nhận là nhiều tổ chức khủng bố có tham vọng chế tạo bom hạt nhân. Tuy ít có chuyên gia quốc tế tin rằng IS có khả năng kỹ thuật chế tạo bom hạt nhân nhưng tất cả đều nghĩ rằng tổ chức này có thể chiếm đoạt chất uranium hay plutonium phế thải để pha với chất nổ gây ra một vùng nhiễm phóng xạ rộng lớn.

Dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IAEA nói đến 2.800 vụ buôn lậu, đánh cắp hay thất thoát vật liệu hạt nhân trong 20 năm qua. Mới đây nhất hôm 30-3, nhà chức trách Tây Ban Nha cho biết họ đang tìm kiếm một thiết bị phóng xạ được xếp ở mức độ nguy hiểm 4, chứa trong một chiếc va ly màu cam, đã bị đánh cắp ở thành phố Seville, phía Nam Tây Ban Nha.

Thượng đỉnh An toàn Hạt nhân lần này là cơ hội để các quốc gia trong liên minh quốc tế chống khủng bố xem xét tình hình mới và biện pháp đối phó. Trong một bài viết trên báo The Washington Post, ông Obama nói: “Chúng tôi sẽ cùng những đồng minh và đối tác của mình rà soát những nỗ lực chống khủng bố, để ngăn chặn những mạng lưới nguy hiểm nhất thế giới thủ đắc những vũ khí nguy hiểm nhất thế giới”.

Nga không dự thượng đỉnh – Cái thế của người “trên cơ”?

Tuy nhiên, thượng đỉnh lần này không có sự tham dự của Iran, Triều Tiên và Nga. Ngày 30-3, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga bỏ qua hội nghị thượng đỉnh này vì “thiếu sự hợp tác lẫn nhau” trong việc định ra chương trình nghị sự. Tuy nhiên, ông Obama nói rằng Moscow và Washington, chiếm 90% các loại vũ khí hạt nhân của thế giới, “nên thương thuyết để giảm kho vũ khí của chúng ta hơn nữa”. Ông cho biết “kho vũ khí hạt nhân to lớn thời Chiến tranh Lạnh của hai nước không còn mấy thích hợp với những mối đe dọa của ngày nay”.

Theo Nhà Trắng, việc Nga không tham gia hội nghị lần này là cách họ tự cô lập và đánh mất cơ hội. Chuyện không đơn giản như vậy. Nhìn lại kết quả Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 3 cách đây 2 năm được tổ chức tại Hà Lan, khó có thể lý giải được quyết định của Nga khi không tham gia hội nghị lần này. Bởi khi đó, giữa những bất đồng vô cùng căng thẳng liên quan đến vấn đề Crimea, các cường quốc trong đó có Nga và Mỹ vẫn có thể gạt bỏ tất cả để đưa ra một cam kết chung về giải trừ vũ khí hạt nhân, không phổ biến hạt nhân hay tăng cường an ninh hạt nhân. Lý do thực sự khiến Nga từ chối đến Mỹ lần này là gì?

Mặc dù phía Nga phủ nhận ý kiến cho rằng quyết định này liên quan đến căng thẳng chính trị Moscow - Washington, song dư luận không dễ dàng tin. Nga chắc chắn luôn theo dõi sát sao và biết rằng Lầu Năm Góc thời gian qua liên tiếp tăng chi tiêu quân sự để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với Nga.

Viễn cảnh khủng bố chiếm đoạt chất phóng xạ để chế tạo bom bẩn là một trong những kịch bản ám ảnh các nhà lãnh đạo thế giới.

Mới đây, Giáo sư Stephen Cohen thuộc Đại học Princeton của Mỹ nhận định, việc Mỹ tăng gấp 4 lần chi phí cho các lực lượng của nước này và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có mặt gần biên giới Nga, đang đẩy thế đối đầu Nga - Mỹ vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Thậm chí, nguy cơ này sẽ leo thang thành chiến tranh hạt nhân.

Để đáp lại, Tư lệnh Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga - Thượng tướng Sergei Karakayev hôm 19-2 cũng công khai tuyên bố Nga đã đưa vào trực chiến hơn 50 tên lửa đạn đạo liên lục địa hoàn toàn mới. Có nghĩa, nước này đã hoàn thành trang bị tên lửa đạn đạo như tuyên bố của Tổng thống Putin hồi tháng 6 năm ngoái.

Qua lời từ chối lần này, Tổng thống Nga Putin chắc chưa sẵn sàng đến dự một sự kiện hạt nhân do Mỹ đăng cai, kể cả khi quan hệ Nga - Mỹ gần đây cải thiện đáng kể. Với Nga, việc không tham dự hội nghị không phải là “tự cô lập” mà thể hiện cái thế của người chiến thắng. Theo giới quan sát, sự có mặt hay vắng mặt của phái đoàn Moscow đều có ý nghĩa quan trọng bởi Nga là một trong những cường quốc sở hữu kho vũ khí hạt nhân hàng đầu thế giới.

Thậm chí có ý kiến cho rằng, việc Nga vắng mặt sẽ làm phương hại đến sáng kiến do Tổng thống Mỹ Barack Obama khởi xướng nhằm ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và nguyên liệu phóng xạ. Bởi các quốc gia có thể sẽ hoài nghi về ý tưởng của Mỹ và phản đối tăng cường giám sát quốc tế đối với các cơ sở hạt nhân của mình. Như vậy, Nga không cần “động thủ” cũng có thể đẩy Mỹ vào “thế bí”.

Ngoài ra, Nga không đến Mỹ lần này để tránh rơi vào thế khó xử. Bởi Nga không muốn ủng hộ Mỹ trong vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Triều Tiên thử bom H vào tháng 1-2016.

Khả năng cuối cùng, Nga không tham gia thượng đỉnh tại Washington còn do lo ngại Mỹ tìm cách hạn chế quyền sở hữu hạt nhân hợp pháp của các quốc gia. Theo các nhà phân tích, Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân dẫn tới việc Mỹ có thể can thiệp ngày càng sâu hơn vào chính sách hạt nhân của các quốc gia được phép sở hữu hạt nhân.

Trước đó, từ năm 1946, lãnh đạo Liên Xô Stalin đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về đề xuất cho phép Ủy ban Năng lượng Nguyên tử của Liên Hiệp Quốc trừng phạt các nước vi phạm dù không được Hội đồng Bảo an chấp thuận. Theo ông Stalin, điều này đồng nghĩa với việc Mỹ có thể coi Liên Xô là một trong số những nước “vi phạm”.

Trong vòng 12 năm qua, chính sách ngoại giao của Mỹ chủ yếu tập trung vào việc buộc các chế độ mà Mỹ coi là nguy hiểm phải giải giáp vũ khí hạt nhân. Vậy, ai sẽ đóng vai trò giám sát và đảm bảo rằng, những tổ chức mà Mỹ dựng lên không lấy lý do chống “khủng bố hạt nhân” làm cái cớ để tấn công nước khác như đã xảy ra từ 70 năm trước. Cho đến nay, Nga chỉ coi Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân là nơi để Mỹ và Nga đối thoại riêng.

Hội nghị năm 2012 và 2014 được cho là nhằm duy trì các cuộc đối thoại nhằm kiểm soát vũ khí hạt nhân. Kể từ đó, cả Nga và Mỹ đều quyết định đóng băng mọi cuộc đàm phán chiến lược và không có dấu hiệu nào cho thấy các cuộc đàm phán này sẽ được tái khởi động. Chính vì thế Nga không muốn tham gia các cuộc đàm phán chỉ đem lại những lợi ích cho Mỹ.

Nga đang gửi đi rất nhiều tín hiệu đến Mỹ và thế giới rằng họ cũng quan trọng, là một cường quốc và họ tự vạch ra con đường của riêng mình. Nga chưa bao giờ ủng hộ đối với hội nghị này. Họ thích những cơ chế quốc tế rộng lớn hơn.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, đến cuối năm nay, ông Obama hết nhiệm kỳ, không ai có thể đảm bảo tổng thống kế nhiệm sẽ vẫn coi an ninh hạt nhân là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự, nên có thể, hội nghị này chỉ đến đây là kết thúc và không mang lại kết quả đột phá. Điều này đã được minh chứng tức thì.

Trả lời trên đài MSNBC hôm 30-3, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donal Trump cho biết không loại trừ khả năng cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân tại châu Âu nếu ông đắc cử. Ông Trump cũng nói rằng mình lo ngại khi vũ khí hạt nhân bị sử dụng tràn lan, nhưng chấp nhận việc Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Arập sử dụng chúng.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.