Cuba – Mỹ: Đặt được nền móng khôi phục quan hệ

Thứ Tư, 28/01/2015, 15:35
Ngày 22/1 vừa qua, đã diễn ra ngày làm việc thứ hai của cuộc đàm phán lịch sử giữa Mỹ và Cuba tại thủ đô La Habana để bàn về thiết lập quan hệ ngoại giao, dưới sự chủ trì của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Tây Bán cầu Roberta Jacobson và Vụ trưởng phụ trách các vấn đề về Mỹ của Bộ Ngoại giao Cuba Josefina Vidal Ferreito.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cuba Gustavo Machin cho biết, cả Mỹ và Cuba đã đặt được nền móng cho việc khôi phục mối quan hệ ngoại giao đầy sóng gió giữa hai nước kể từ năm 1961.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cuba nói: “Tất cả các quan hệ ngoại giao đều phải dựa trên nguyên tắc của quan hệ quốc tế và Công ước về quan hệ và tham vấn ngoại giao. Cả Mỹ và Cuba đều nhất trí về điều này. Chúng tôi đều công nhận tính hợp pháp của các quy định và điều ước quốc tế. Chúng tôi cũng đã trao đổi những bước đi mà chúng tôi cho là nên làm để đưa quan hệ Mỹ và Cuba đi vào thực chất”.

Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa ấn định được thời điểm để mở lại các đại sứ quán tại mỗi nước. Vụ trưởng Josefina Vidal cho biết, các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ được tiến hành trong tương lai, đồng thời nhấn mạnh rằng việc khôi phục các quan hệ ngoại giao nên tránh mọi sự can thiệp vào công việc nội bộ của Cuba.

Sau hơn 50 năm đóng băng quan hệ, buổi đàm phán song phương lịch sử giữa Cuba và Mỹ được bắt đầu hôm 21/1. Buổi làm việc đầu tiên tập trung thảo luận về vấn đề nhập cư và khôi phục ngoại giao giữa hai nước.

Phía Cuba khẳng định: Việc Mỹ duy trì các chính sách ưu đãi, ngoại lệ và duy nhất về nhập cư đối với công dân Cuba đã khuyến khích dòng di cư bất hợp pháp giữa hai nước.

Bà Josefina Vidal Ferreito phát biểu tại buổi hội đàm. Ảnh: Cubadebate.

Bà Josefina Vidal nêu rõ: “Sự tồn tại của các chính sách “chân ướt, chân ráo”, “Luật Điều chỉnh Cuba” và ưu đãi nhập cư cho bác sĩ Cuba vào Mỹ từ nước thứ ba đã khuyến khích dòng di cư bất hợp pháp giữa hai nước.

Theo chính sách “chân ướt, chân ráo”, Mỹ chỉ trả lại công dân Cuba nhập cư trái phép khi bị bắt trên biển nhưng lập tức cấp thị thực cho họ một khi đặt chân lên vùng lãnh thổ đất liền của Mỹ.

Bà Vidal khẳng định La Habana muốn có một “mối quan hệ bình thường” với Washington trong lĩnh vực nhập cư nhưng việc Mỹ duy trì các chính sách “ưu đãi, ngoại lệ và duy nhất về nhập cư đối với công dân Cuba” đã cản trở tiến trình này.

Về phần mình, quyền Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về khu vực Tây Bán cầu Tây Edward Alex Lee khẳng định phía Mỹ sẽ tiếp tục duy trì “Luật Điều chỉnh Cuba” và coi đây là kim chỉ nam cho chính sách nhập cư của mình đối với công dân Cuba, đồng thời loại bỏ khả năng bãi bỏ chính sách “chân ướt, chân ráo” trong thời gian tới.

Rõ ràng, Cuba đang rất cần bình thường hóa quan hệ với Mỹ, không phải với mục đích chính trị, mà với mục đích kinh tế.

Cuba cần trước mắt là tự cứu mình khỏi nguy cơ thảm họa kinh tế khi các đồng minh tài trợ kinh tế của mình đang mất tập trung vì việc riêng của họ.

Về trung và dài hạn, Cuba cần vực dậy nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, bằng sức mình chứ không thể dựa vào viện trợ và vay mượn từ đồng minh (mô hình này cũng cho thấy không thành công trong nhiều thập niên qua).

Về phía Mỹ, chính sách cấm vận mong chờ sự sụp đổ của thể chế cầm quyền ở Cuba trong nhiều thập niên qua cũng không hiệu quả. Vì thế, việc thay đổi cách tiếp cận được xem là hành động thức thời.

Đó là chưa kể đây là thời điểm vàng để Mỹ dần dần tách Cuba khỏi ảnh hưởng của Nga, đồng minh thân cận của nước này, nhất là khi Nga đang ngày càng chứng tỏ là một ẩn số trên bàn cờ chính trị thế giới.

Đương nhiên, từ bình thường hóa quan hệ về mặt ngoại giao tới bình thường hóa về mặt kinh tế còn là một lộ trình rất dài.

Từ phía Cuba, sự thận trọng của lãnh đạo nước này cũng đồng nghĩa với con đường cải cách sẽ không thể rút ngắn.

Từ phía Mỹ, trước hết Quốc hội Mỹ cần thông qua việc dỡ bỏ cấm vận, dù là từng phần, đối với Cuba. Việc này xem ra khó, nhất là trong điều kiện đảng Cộng hòa đang nắm quyền kiểm soát lưỡng viện tại Mỹ như hiện nay.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.