Dịch MERS-CoV nguy hiểm khó lường

Thứ Hai, 08/06/2015, 14:45
Sáng 2/6, Bộ Y tế họp đột xuất Ban chỉ đạo phòng chống dịch MERS-CoV - vius gây hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông, trước tốc độ lây lan dịch nhanh chóng tại Hàn Quốc, bởi giao lưu công dân giữa Việt Nam và Hàn Quốc là rất lớn.

Thực trạng đáng lo ngại

Theo CNN, trong 10 ngày gần đây, Hàn Quốc đã có 35 ca lây nhiễm virus MERS-CoV, trong đó 3 người tử vong.  Nạn nhân đầu tiên là một phụ nữ 58 tuổi, tiếp xúc với một bệnh nhân người Hàn Quốc trở về từ Trung Đông. Người thứ hai là một cụ ông 71 tuổi.

Ngày 1/6, Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết những người đang trong giai đoạn kiểm dịch đã được cách ly tại nhà hoặc các cơ sở nhà nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus. Ngày 3/6, Hàn Quốc có thêm 5 ca mắc MERS và hiện có 1.360 người bị cách ly.

Theo Hãng tin AFP, ngày 3/6 Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã họp khẩn cấp với các quan chức và chuyên gia y tế hàng đầu Hàn Quốc nhằm lập chiến lược chống dịch MERS.

Bộ Giáo dục Hàn Quốc thông báo 209 trường tiểu học, phần lớn ở tỉnh Gyeonggi, gần thủ đô Seoul, đã phải đóng cửa hết tuần này vì đây là nơi người bị MERS đầu tiên qua đời. Nhà chức trách cũng hủy hàng chục sự kiện sẽ được tổ chức ở các địa điểm công cộng.

Nước này cũng thừa nhận việc quản lý, khai thác tiền sử những trường hợp nghi ngờ hay trở về từ khu vực có dịch và công tác phòng chống lây nhiễm trong các cơ sở y tế chưa tốt, giám sát chưa chặt chẽ, truyền thông chưa đến mọi người; nhiều người bệnh đi từ Hàn Quốc tới Trung Quốc trên nhiều phương tiện công cộng, tham gia nhiều cuộc họp, hội nghị, ở nhiều khách sạn trước khi được phát hiện, cách ly.

Các chuyên gia y tế Hàn Quốc lại chỉ trích phản ứng chậm chạp của chính phủ trước dịch bệnh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dư luận Hàn Quốc đang gây sức ép buộc chính phủ công bố tên các bệnh viện đang chữa trị bệnh nhân MERS. Bộ Y tế nước này lại cho rằng, việc không công bố tên các bệnh viện này là cần thiết, trong khi 83% người được hỏi cho rằng chính phủ phải công khai tên các bệnh viện. WHO cảnh báo số người nhiễm  MERS-CoV ở Hàn Quốc chắc chắn sẽ gia tăng trong những ngày tới.

WHO chờ xác nhận cuối cùng của Chính phủ Hàn Quốc để triển khai một đội phản ứng nhanh gồm 5-10 chuyên gia dịch tễ. Các chuyên gia sẽ nhanh chóng kiểm tra virus gây bệnh MERS tại Hàn Quốc, nhằm xác định cấu trúc gene có gì khác so với chủng virus gây MERS tại Arập Xêút, là nước mà bệnh nhân đầu tiên của Hàn Quốc đã đến vào tháng 4/2015.

Bước đi này rất quan trọng để hạn chế mức độ lây lan của dịch bệnh và tìm kiếm cơ sở điều chế thuốc chữa trị hội chứng viêm đường hô hấp cấp nguy hiểm. 

Tờ China Daily, Trung Quốc cho biết người đàn ông Hàn Quốc 44 tuổi mang MERS- CoV vào Trung Quốc đang được điều trị cách ly. Bệnh nhân bị viêm phổi, sốt, có dấu hiệu suy hô hấp, phải thở máy nhưng vẫn còn tỉnh táo.

Tuần trước, ông này bay từ Seoul, Hàn Quốc sang Hồng Kông bất chấp cảnh báo của bác sĩ. Ông đến thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông bằng xe buýt. Du khách này được xác nhận là trường hợp đầu tiên mang bệnh MERS đến Trung Quốc.

Cũng theo China Morning Post, 2 phụ nữ Hàn Quốc trong danh sách 18 hành khách ngồi chung khoang máy bay với bệnh nhân mắc MERS nói trên trốn cách ly đã bị giữ tại Hồng Kông, trong khi 16 hành khách khác vẫn đang bị cách ly tại đây từ ngày 29/5.

Bộ trưởng Y tế Hồng Kông, Ko Wing Man cho biết 2 người này đã được chuyển đến làng nghỉ dưỡng Mac Lehose tại Sai Kung, Hồng Kông để cách ly trong 14 ngày (tương đương thời gian ủ bệnh của MERS khoảng 2 tuần).

Hội chứng viêm đường hô hấp Trung Đông (Middle East Respiratory Syndrome - MERS) do vius Corona - một nhóm virus gọi là MERS-CoV (gần giống vius gây bệnh SARS vì cùng họ Corona) gây viêm nhiễm đường hô hấp trên, là căn bệnh rất nguy hiểm giống bệnh SARS, thường dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp và suy thận. Triệu chứng dễ thấy là sốt, ho kéo dài, đau mình mẩy, khó thở, một số trường hợp tiêu chảy, buồn nôn và nôn mửa kéo dài.

MERS-CoV đặc biệt nguy hiểm với những người có hệ miễn dịch yếu, người cao tuổi, tiểu đường, suy thận, ung thư, các chứng bệnh về phổi và các bệnh mãn tính nói chung. Bệnh không có vắcxin, không có phương pháp chữa trị và tỷ lệ tử vong rất cao - theo một thống kê là 4/10 ca bệnh.

Vẫn theo WHO, 85% trường hợp nhiễm bệnh là ở khu vực Trung Đông, chủ yếu gồm Jordan, Qatar, Arập Xêút và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE). Bên cạnh đó, một số nước như Pháp, Đức, Anh, Tunisia cũng báo cáo có trường hợp bị nhiễm virus Corona do người bệnh đã từng đến hoặc có tiếp xúc với người từng đến, hoặc sống ở Trung Đông.

Từ năm 2012 đến nay đã có hơn 1.000 người mắc bệnh và 1/4 trong số đó đã tử vong. Phần lớn bệnh nhân nhiễm Mers-CoV thường có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp gồm sốt trên 38°C, ho, khó thở, có tổn thương nhu mô phổi ở các mức độ khác nhau dựa trên các dấu hiệu lâm sàng hoặc hình ảnh X-quang và đôi khi có hội chứng suy thận cấp.

Theo các chuyên gia dịch tễ học, Mers-CoV hoàn toàn có thể lây truyền giữa những người tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân. Những người này gồm nhân viên y tế và thành viên trong gia đình, hoặc bạn bè thân thuộc đến thăm.

Cho tới nay, chưa ai khẳng định Mers-CoV phát xuất từ đâu nhưng WHO tin rằng, nguồn lây nhiễm là từ thú vật bởi lẽ virus Corona đã được phát hiện ở những con lạc đà và loài dơi tại bán đảo Arập.

Người tiếp xúc với bệnh nhân MERS có thể nhiễm virus trong khoảng 5 phút. Nguy hiểm nhất là có nhiều người mang vius nhưng chỉ sốt nhẹ với cảm giác gai rét hoặc không có bất kỳ triệu chứng nào!? Theo WHO, chưa có bằng chứng về sự biến đổi của chủng virus này và chưa phát hiện sự lây lan dịch trong cộng đồng. Các ca bệnh phát hiện chủ yếu tại cơ sở khám chữa bệnh, vì thế việc phòng chống lây nhiễm tại cơ sở y tế, nâng cao nhận thức của người dân đi từ vùng có dịch về là rất quan trọng.

Kiểm tra thân nhiệt khách nhập cảnh để phát hiện sớm MERS-CoV.

Tổng giám đốc WHO, bà Margaret Chan nói: "Chúng ta hiểu quá ít về mức độ đe dọa tiềm năng của loại virus này. Chúng ta không biết nơi virus ẩn náu trong tự nhiên. Chúng ta không biết chúng nhiễm vào người như thế nào… Trước khi trả lời được những câu hỏi này, chúng ta vẫn chỉ có con số khi nói đến biện pháp phòng ngừa".

Dịch có thể xâm nhập vào Việt Nam, cần tích cực đề phòng

Nếu cho rằng nguy cơ Mers-CoV xâm nhập vào Việt Nam cao thì chưa có bằng chứng, còn nói thấp thì cũng không đúng bởi lẽ nhiều người dân nước ta đi công tác, lao động, du lịch, học tập về từ vùng có dịch, công dân từ các quốc gia khác xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch trước khi nhập cảnh Việt Nam nên dù muốn dù không, chúng ta vẫn phải tích cực đề phòng.

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Chánh Văn phòng Đáp ứng tình huống khẩn cấp phòng chống dịch bệnh Việt Nam (EOC), thì rút kinh nghiệm từ các trường hợp nhiễm Mers-CoV tại Hàn Quốc, cần tăng cường giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế, trong đó Hà Nội và TP HCM là hai cửa khẩu đặc biệt quan trọng nhằm phát hiện sớm những trường hợp xâm nhập đầu tiên.

Các cơ sở khám chữa bệnh cần chú ý khai thác các yếu tố dịch tễ để phát hiện các trường hợp bệnh nhân đi từ vùng có dịch về; tăng cường các hoạt động phòng chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện để tránh lây lan cho cộng đồng và nhân viên y tế nếu phát hiện dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói rằng, tốc độ bệnh lây lan tại Hàn Quốc là rất nhanh mặc dù quốc gia này có hệ thống y tế rất tốt. Câu hỏi đặt ra là tại sao lây lan nhanh như vậy? Tình trạng này rất đáng lo ngại!

Từ đầu năm đến nay, 9 quốc gia có dịch vùng Trung Đông có hơn 23.000 lượt người nhập cảnh Việt Nam (khoảng gần 5.000 người/tháng) qua hai cửa khẩu Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Trong khi người Hàn Quốc đến Việt Nam khoảng 2.000 người/ngày. Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP HCM cho biết, mỗi ngày ở Tân Sơn Nhất có 7 chuyến bay đến từ Hàn Quốc với lượng hành khách từ 1.000 đến 1.200 người.

Bộ Y tế yêu cầu áp dụng ngay tờ khai y tế tại tất cả cửa khẩu với hành khách đến từ Hàn Quốc và Bahrain, ngoài 9 nước vùng Trung Đông đã áp dụng từ trước. Đồng thời các đơn vị đánh giá, rà soát lại biện pháp triển khai phòng chống dịch MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân nếu không quá cấp thiết thì không nên đi du lịch, công tác đến các nước đang có dịch. Những người đi về từ Hàn Quốc, Trung Quốc về đều phải khai báo tại cửa khẩu, chủ động khai báo với cơ sở y tế; nếu có biểu hiện bất thường phải đi khám.

Để hạn chế tối đa lây nhiễm, người dân nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn, che mũi và miệng khi ho và hắt hơi, tránh tiếp xúc với mắt, mũi, miệng khi tay chưa được rửa sạch. Tránh tiếp xúc gần (ăn, uống chung cốc chén...) với người nhiễm bệnh; nên thường xuyên khử khuẩn những bề mặt tiếp xúc như đồ chơi, sàn nhà, tay nắm cửa... đồng thời không sờ vào mắt, mũi và miệng của mình khi chưa rửa tay sạch.

Trần Lưu - Vũ Cao (tổng hợp)
.
.