Dominica: Gia tăng nạn bài xích người nước ngoài

Thứ Sáu, 31/07/2015, 15:05
Địa danh Hispaniola tọa lạc giữa vùng biển Caribe, cũng là hòn đảo duy nhất có 2 quốc gia cùng tồn tại ở Tây bán cầu gồm Haiti và Dominica, trong thập niên gần đây bỗng trở thành "điểm nóng" về nạn phân biệt chủng tộc trên thế giới, khi chính quyền Dominica theo đuổi chính sách kỳ thị đối với người gốc Haiti láng giềng, vốn đang sinh sống và làm ăn bình thường lâu nay tại nước này.

Kể từ năm 2007 đến nay, nhà cầm quyền Dominica bắt đầu áp dụng "chiêu bài" bác bỏ việc công nhận chứng chỉ khai sinh của những người có họ tên theo âm Pháp ngữ, thứ tiếng chính thức ở Haiti để coi họ là ngoại kiều không có quyền mang quốc tịch Dominica.

Đầu năm 2013, Tòa án Hiến pháp Dominica ban hành một điều luật mới, xác nhận việc cấp quốc tịch cho người Haiti trong hơn 8 thập niên qua là "sai lầm cơ bản từ hệ thống hành chính quan liêu của quá khứ"; đồng thời buộc chính quyền các cấp phải tiến hành sửa đổi tức thì các đăng ký dân sự đã lỡ làm sai.

Điều này đồng nghĩa với việc có tới 210.000 người, chiếm gần 1/4 sắc dân gốc Haiti sinh trưởng tại đây trong giai đoạn từ năm 1929-2007 trở thành người "vô Tổ quốc", bởi có cha hoặc mẹ mang họ tên theo âm vựng Pháp ngữ trái với ngôn ngữ chính thống ở Dominica là tiếng Tây Ban Nha. Bất chấp một thực tế là đa phần những người trong số này, cũng như con cái họ được sinh hạ trên đất Dominica, trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thống nhất với một quy ước chung, rằng đứa trẻ mới chào đời ở đâu thì mặc nhiên trở thành công dân được quyền mang quốc tịch của nước đó.

Hàng trăm nhân công Haiti trong ngành công nghiệp mía đường tuần hành phản đối việc coi họ là người "vô Tổ quốc".

Trong gần một thế kỷ qua, người Haiti ở quốc gia láng giềng đã trở thành nguồn nhân công rẻ mạt cho ngành công nghiệp mía đường, thế mạnh kinh tế của Dominica. Theo thời gian, các hậu duệ nhiều đời từ lớp người Haiti di cư đầu tiên đã thâm nhập vào đủ mọi ngành nghề khác nhau, từ thợ cả trên công trường xây dựng đến giúp việc nhà...

Để được cấp giấy phép lao động chính thức, lẽ đương nhiên họ phải có giấy khai sinh và giấy tờ tùy thân để chứng minh nhân thân của mình. Nhưng điều luật mới của Tòa án Hiến pháp Dominica, vô hình trung đã biến hàng trăm nghìn người gốc Haiti có nguy cơ bị trục xuất vì cư trú bất hợp pháp.

Quang Long (tổng hợp)
.
.