Eurozone dậy sóng

Thứ Năm, 15/01/2015, 10:57
Việc Đức bắn tiếng cho Hy Lạp cần phải ra khỏi khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang làm náo động chính trường châu Âu, Hy Lạp và cả Đức. Thông báo này hàm chứa một thực tế là khi gia nhập sân chơi EU các thành viên khó lòng có quyền tự quyết.

“Con bệnh Hy Lạp” bị kê nhầm toa thuốc

Sự việc bắt đầu từ khi Hy Lạp ba lần thất bại trong việc bầu chọn tổng thống mới. Điều này đã khiến Quốc hội Hy Lạp phải giải tán để chuẩn bị cho cuộc bầu cử trước thời hạn, dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 25/1 tới. Điều đáng nói là theo các kết quả khảo sát, đảng cánh tả Syriza, với chủ trương phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng, hiện đang có cơ hội lớn để giành thắng lợi. Alexis Tspiras, Chủ tịch đảng đối lập Syriza, nói: “Thời gian cầm quyền của chính phủ đương nhiệm cần phải kết thúc. Chính các chính sách kinh tế sai lầm đang gây ra tỉ lệ thất nghiệp và tình trạng nghèo đói tràn lan”.

Bức tranh tường mô tả đám tang của nạn nhân - nền kinh tế Hy Lạp - chết vì gánh nặng nợ công.

Đảng Syriza tuyên bố không muốn Hy Lạp rời Eurozone, nhưng sẽ yêu cầu các chủ nợ thuộc Liên minh châu Âu (EU) tiến hành đàm phán lại các điều khoản cứu trợ. Và nếu thỏa thuận này không đạt được, Hy Lạp sẽ bị vỡ nợ và phải rời khỏi Eurozone. Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras khẳng định: "Cuộc bỏ phiếu này sẽ quyết định liệu Hy Lạp có còn ở lại Eurozone hay không".

Nói tới tình hình kinh tế Hy Lạp, các nhà phân tích nhận định, quê hương của Aristote hãy còn là một ngọn núi lửa chưa ngủ yên. Sau 5 năm suy thoái, 25% GDP không cánh mà bay. Mãi đến quý 3 năm nay, Athens lần đầu tiên mới thông báo kinh tế đã tăng trưởng trở lại. GDP của Hy Lạp tăng được 0,5%. Các nhà lãnh đạo ở Athens khẳng định là các liều thuốc đắng mà bộ ba nhà tài trợ quốc tế đã kê đơn cho Hy Lạp bắt đầu có “ép-phê” và Hy Lạp bớt lệ thuộc vào các thị trường tài chính, ít trở thành mục tiêu tấn công của các nhà đầu cơ.

Thực tế không hẳn là như vậy. Nhất cử nhất động của Athens cũng đủ để làm lãi suất nhà nước phải đi vay được nhân lên gấp 3, gấp 5 lần trong một sớm một chiều. Nhìn tới thực trạng xã hội, tệ hơn cả so với Tây Ban Nha, gần 28% dân số Hy Lạp trong tuổi lao động không có việc làm.

Giáo sư kinh tế Kostas Vergopoulos, cố vấn của Liên Hiệp Quốc, đánh giá: Châu Âu quá kém cỏi trong việc giải quyết khủng hoảng và đã làm Hy Lạp kiệt sức: “Chính sách thắt lưng buộc bụng do quốc tế áp đặt là một thảm họa đối với nền kinh tế Hy Lạp. Athens càng cải tổ theo những đường hướng đã được EU và Đức vạch ra thì càng lụn bại. Trong 5 năm qua,  GDP của Hy Lạp giảm 25% để rồi trong năm 2014 tăng lên được 0,5%. Trong bối cảnh khối euro giảm phát, tình thế của Hy Lạp lại càng phức tạp hơn. Lương của nhân viên công chức nhà nước cũng như mức lương tối thiểu giảm 40% trong 5 năm vừa qua. Tỷ lệ thất nghiệp lên tới 28%, một kỷ lục của châu Âu. Tệ hơn nữa, 65% thanh niên dưới 25 tuổi không có việc làm. Trong những điều kiện đó, các nhà tài trợ vẫn đòi chính quyền Athens giảm chi và trả bớt nợ. Tôi chỉ nêu lên câu hỏi là vậy liệu Hy Lạp có thể trông cậy vào đâu để tạo đà cho cỗ xe kinh tế đi lên?”

Thủ tưởng Đức Angela Mekel bắng tiếng về việc cho Hy Lạp rời khỏi Eurozone.

Có nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ Hy Lạp lâm vào cảnh khốn khó như ngày nay do bản thân quốc gia này đã có những bất cập về chính sách kinh tế về vấn đề quản trị … Nhưng vì sao không chỉ có Hy Lạp mà cả AiLen, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha rồi Ý, và cả Pháp cùng phải đối mặt với những vấn đề rất giống nhau, có nghĩa là không có tăng trưởng, thất nghiệp cao, nợ công chồng chất? Những khó khăn đó nảy sinh từ khủng hoảng tài chính và kinh tế.

Thảm kịch của châu Âu nói chung, của Hy Lạp nói riêng không chỉ là cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu mà EU đang trải qua. Mấu chốt của vấn đề còn nằm ở chỗ châu Âu quá kém cỏi trong việc khắc phục hậu quả của khủng hoảng. Bruxelles đã đi nhầm đường, để rồi như những ông thầy thuốc, thay vì kê toa để chữa lành bệnh thì lại làm cho bệnh nhân kiệt sức.

Trong bối cảnh ấy, tình hình chính trị lộn xộn của Hy Lạp một lần nữa lại khiến các thành viên “đại gia” như Đức, Pháp lo lắng. Theo báo chí Đức, Thủ tướng Merkel tìm cách tăng áp lực lên cử tri Hy Lạp, không nên bỏ phiếu cho đảng cực tả. Ủy viên châu Âu đặc trách kinh tế Pierre Moscovici cũng thông cáo kêu gọi cử tri Hy Lạp ủng hộ “các cải tổ nhằm thúc đẩy tăng trưởng, rất cần thiết cho Hy Lạp”. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble thì khẳng định “không có con đường nào khác” ngoài những cải tổ hiện nay ở Hy Lạp. Theo tờ Der Spiegel, Thủ tướng Đức chủ trương Hy Lạp nên rời khỏi khu vực đồng tiền chung Euro nếu đảng Syriza, cánh tả cực đoan, giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới.

Theo giới quan sát, khủng hoảng Hy Lạp sẽ lại làm xáo trộn châu Âu. Cho tới nay, những ý định của đảng Syriza vẫn chưa rõ ràng, khiến các “chủ nợ” càng thêm lo ngại. Đảng cực tả này không muốn Hy Lạp ra khỏi vùng đồng euro, nhưng đòi các chủ nợ trước hết phải giảm bớt nợ công của Hy Lạp, mà hiện đã chiếm tới 175% GDP. Nếu không đạt được thỏa thuận này thì Hy Lạp sẽ bị vỡ nợ và sẽ ra khỏi Eurozone. Theo các nhà phân tích, khả năng xảy ra kịch bản này là 30%.

Nhưng thật ra thì khủng hoảng Hy Lạp lần này khó mà lan sang toàn bộ Eurozone, vì cho dù có thắng cử, đảng Syriza cũng sẽ buộc phải thay đổi lập trường cứng rắn đối với các chủ nợ. Hơn nữa, kể từ khủng hoảng nợ công Hy Lạp lần trước, Eurozone đã thiết lập nhiều “tuyến phòng thủ”, như Cơ chế ổn định châu Âu. Ngân hàng trung ương châu Âu cũng đã cam kết sẽ bằng mọi giá bảo vệ đồng tiền chung.

Ngày 5/1, Chính phủ Đức cho rằng, nếu Hy Lạp rời khỏi Eurozone thì cũng không sao, mọi việc vẫn sẽ nằm trong tầm kiểm soát. Chưa kể đến việc từ trước đến nay Đức là quốc gia vẫn luôn tìm cách giúp đỡ Hy Lạp trụ được trong khu vực đồng tiền chung Euro.

Vấn đề là về mặt chính trị, thắng lợi của đảng Syriza ở Hy Lạp sẽ củng cố thế lực cho các đảng chống khắc khổ tại những nước khác ở châu Âu, như tại Tây Ban Nha, nơi mà đảng Podemos chủ trương chống cải tổ theo hướng tự do, đang dẫn đầu các cuộc thăm dò cho cuộc bầu cử tháng 11 năm tới.

Lập trường của Thủ tướng Đức cũng gây nhiều tranh cãi ngay tại Berlin trước việc bà Merkel gián tiếp can thiệp vào hoạt động chính trị của Hy Lạp. Ngay trong nội bộ đảng CDU của bà Merkel, một lãnh đạo đảng này cho rằng, không một ai muốn Hy Lạp chia tay với khu vực đồng Euro. Về phần mình, đảng Xã hội Dân chủ SPD công khai phản đối thái độ của Thủ tướng Merkel. Chỉ riêng có đảng AFD có khuynh hướng bài châu Âu tán đồng lập trường của Thủ tướng Đức.

Về phần Tổng thống Pháp, phát biểu trên đài France Inter ngày 5-1, ông Francois Hollande nhấn mạnh: Cử tri Hy Lạp hoàn toàn tự do chọn lựa những người lãnh đạo đất nước và quyết định ở lại hay bước ra khỏi khu vực đồng Euro thuộc về quyền định đoạt của Hy Lạp. Khác với Berlin, Paris tránh can thiệp vào nội bộ chính trị của Athens.

Căng thẳng tại Hy Lạp trước bầu cử

Gần đến ngày bầu cử Quốc hội Hy Lạp (25/1), những cuộc thăm dò cho thấy khoảng cách đã rút ngắn giữa 2 đảng Syriza và Tân Dân chủ bảo thủ của Thủ tướng Antonis Samaras. Thời gian tới đây không khí sẽ rất căng thẳng tại Hy Lạp. Cuộc bầu cử này đang được đa số người dân Hy Lạp mong chờ. Dư luận cho rằng, sắp trải qua một cuộc bầu cử có tính quyết định nhất từ khi nước này quay lại với nền dân chủ vào năm 1974. Mọi người đều nhận thấy sự vượt trội của ứng viên Alexis Tsipras nhưng lại nghĩ rằng những tuyên bố của ông ta không đáp ứng với nhu cầu hiện nay. Các quan sát viên không tin vào khả năng của đảng Syriza và e ngại một sự rối loạn mới.

Thủ lĩnh Alexis Tsipras của Đảng Syriza.

Phải nói thêm rằng người dân Hy Lạp không thật sự muốn có cuộc bầu cử. Dù nhiều người cho rằng họ không còn gì để mất, nhưng số khác lại lo ngại sẽ mất tất cả. Chiến lược của Syriza đã bị Thủ tướng Antonis Samaras cản trở vì nhất quyết cắt đứt những cuộc đàm phán. Trách nhiệm giờ đây đè nặng lên đôi vai của Tsipras. Ông cũng phải đối phó với sự lưỡng nan mà Hy Lạp đang đối mặt. Chủ tịch Syriza nói đến nhu cầu của người nghèo nhưng không đáp lại câu hỏi của tầng lớp trung lưu vốn đang ngờ vực về sách lược đối đầu với các nhà tín dụng của ông.

Tình hình trong 4 tuần tới sẽ rất gay go. Sẽ không có chỗ cho những lực lượng nhỏ. Mỗi người đều tin rằng khoảng cách giữa Syriza và Tân Dân chủ sẽ thu lại bằng 0. Đảng Pasok (Xã hội) của Georges Papandréou, đảng Potami và các phong trào trung tả sẽ là những nạn nhân đầu tiên của sự phân cực. Đa số sẽ có nhiều khả năng đứng ngoài Quốc hội, nhất là trong hàng ngũ phe trung tả giống như cuộc bầu cử vào tháng 6/2012. Lúc ấy phe trung tả đã mạnh mẽ ủng hộ  cho Antonis Samaras. Và lần này có lẽ cũng thế.

Khủng hoảng kinh tế và thất nghiệp cao khiến nhiều tài năng trẻ tuổi người Hy Lạp rời bỏ đất nước để tìm những cơ hội việc làm tốt hơn.

Một số đảng phái có nguy cơ biến mất như đảng Cộng sản, đảng Hy Lạp độc lập, đảng quốc xã Bình minh Vàng, đó là chưa nói đến các đảng vốn đã mất tất cả trong kỳ bầu cử châu Âu. Trong mọi trường hợp, cuộc chiến sẽ bị phân cực và bấp bênh. Chẳng ai có thể chắc chắn rằng sự thắng thế của Syriza trong các cuộc thăm dò sẽ được duy trì. Trừ phi những thế lực chính trị lớn hậu thuẫn cho Tsipras và có thể thuyết phục các tầng lớp rộng lớn hơn trong xã hội.

Tsipras, thủ lĩnh đảng Syriza cho rằng, “một chiến thắng của Syriza trong cuộc bầu cử Quốc hội sẽ là khởi đầu một sự thay đổi cần thiết tại châu Âu, kéo theo Tây Ban Nha và Ailen theo đường hướng đó”. Tsipras muốn biến Hy Lạp thành “một điển hình tích cực về sự tiến bộ tại châu Âu, và cuộc bầu cử là sự kết thúc “thế giới chính trị cũ” của những kẻ bảo thủ trong đảng Tân Dân chủ và đảng xã hội Pasok hiện đang nắm quyền trong một liên minh. “Nhờ những cuộc đàm phán quyết liệt, chúng tôi đảm bảo một sự tham gia thực sự công bằng của Hy Lạp vào khu vực Euro, không có sự thắt lưng buộc bụng mà những quy tắc của châu Âu không hề áp đặt. Phải chấm dứt sự khắc khổ”.

Đảng Syriza cũng muốn có một thời kỳ gia hạn trong việc trả nợ để có thể phục vụ trước tiên cho chi tiêu nhằm vực dậy nền kinh tế. Bốn điểm trọng yếu trong chương trình là đấu tranh chống khủng hoảng nhân đạo, vực dậy nền kinh tế, tái chinh phục thị trường lao động và cải cách chính phủ. Trong số những biện pháp được đề ra là  tăng lương tối thiểu từ 580 lên 751 euro, điện miễn phí và phiếu lương thực cho 300.000 gia đình, cải cách thuế khóa, ban hành một đạo luật về trốn thuế và không trả nợ, cải cách chương trình tư nhân hóa, chính phủ cắt giảm biên chế 10 bộ trưởng, cải cách và tăng cường nhân lực tài chính, cải cách thủ tục hành chính để chống tham nhũng.

Thủ tướng Angela Merkel của Đức đã sẵn sàng để cho Hy Lạp rút ra khỏi khu vực euro trong trường hợp phe cánh tả cực đoan xét lại chính sách thắt lưng buộc bụng trong nước. Thủ tướng Angela Merkel và Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schauble giờ đây nghĩ rằng “có thể chấp nhận được nếu một đất nước rút ra khỏi khu vực Euro vì các thành tựu đạt được bởi khu vực Euro từ sau cuộc khủng hoảng 2012. Nguy cơ lây lan sang những nước khác rất hạn chế vì Bồ Đào Nha và Ailen được xem như đã “khỏe mạnh”. Mặt khác cơ chế ổn định châu Âu cung cấp một cơ chế cứu trợ mạnh mẽ và Liên hiệp các Ngân hàng đảm bảo sự an toàn cho các cơ quan tín dụng”.

Mộc Thạch – Mê Linh (tổng hợp)
.
.