IS định gây chia rẽ các chính phủ

Thứ Sáu, 06/02/2015, 09:35
Chính phủ Nhật đã yêu cầu sự trợ giúp từ phía Jordan vì phe Hồi giáo cực đoan đã đưa ảnh Kenji Goto đang cầm bức chân dung của Maaz Al-Kassasbeh, viên phi công Jordan bị IS bắt giữ tại Syria vào cuối tháng 12/2014.

Tuần trước, do không được Chính phủ Nhật thỏa mãn yêu sách nên IS tuyên bố đã hành quyết Yukawa. Chính phủ Nhật yêu cầu Jordan giúp đỡ vì IS đòi trao đổi con tin Goto với Sajida Al-Rishawi, một nữ chiến binh Iraq đang bị Jordan giam giữ.

Sajida Al-Rishawi, 40 tuổi, bị giam từ khi nhận án tử hình vào tháng 9/2006 về các hoạt động khủng bố vào ngày 9/11/2005 làm chết gần 60 người.

Các vụ khủng bố đẫm máu đó được nhánh Al-Qaeda tại Iraq nhận trách nhiệm. Nhánh này do Abou Moussab Al-Zarqawi cầm đầu. Nhánh này cảnh báo rằng sẽ còn nhiều vụ khủng bố khác được thực hiện tại Jordan, quốc gia được xem như là "bức tường bảo vệ" cho Israel và các lực lượng do Mỹ chỉ huy tại Iraq.

Bảy tháng sau vụ khủng bố, nhà chức trách Mỹ và Iraq thông báo cái chết của Zarqawi trong một vụ không kích tại Baqouba phía bắc Baghdad.

Con tin Nhật cầm chân dung của viên phi công Jord.

Phó thủ tướng Jordan cho báo chí biết, Sajida Al-Rishawi cũng là em gái của một tên khủng bố quan trọng, Samer Moubarak Al-Rishawi, cánh tay mặt của Zarqawi trong những cuộc chiến tại Iraq.

Abou Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh của IS hiện nay, cũng từng là phó tướng của Zarqawi. Các mối liên đới họ hàng và tổ chức đó có thể giải thích phần nào cho yêu sách trao đổi con tin.

Theo giáo sư luật quốc tế Karima Bennoune ở Đại học Davis (California), rất có thể IS muốn phô trương hình ảnh là những người bảo vệ phụ nữ Hồi giáo.

Khi đưa mạng sống của con tin Nhật để đổi lấy Sajida Al-Rishawi, IS đã đưa Chính phủ Jordan vào một cuộc đàm phán và đặt ngành ngoại giao Nhật Bản trong một vị thế nhạy cảm.

"Một trong những mục tiêu của IS là chia rẽ các quốc gia đang liên kết chống lại chúng" - chuyên gia về khủng bố Shiro Kawamoto trong Hội đồng Chính trị Nhật Bản giải thích.

Còn theo giáo sư Hiroyuki Aoyama ở Đại học Tokyo: "IS đã chịu nhiều thất bại trên chiến trường và tầm ảnh hưởng của chúng đã suy giảm. Trong bối cảnh đó, các yêu sách mới cho thấy chúng có ý đồ cải thiện tình thế".

Theo các chuyên gia, Chính phủ Jordan đang nằm giữa cái búa của IS và cái đe của công luận (muốn cứu viên phi công nhưng không trả tự do cho nữ khủng bố), dưới áp lực của Nhật (mong cứu được con tin) và Mỹ (không nhượng bộ bọn khủng bố).

Ngày 28/1 vừa qua, Chính phủ Jordan cho biết đã sẵn sàng trả tự do cho Sajida theo yêu sách của IS để đổi lấy viên phi công Maaz Al-Kassasbeh, nhưng lại không nhắc gì đến con tin Kenji Goto.

Nhiều nguồn tin quân sự Jordan cho biết rằng trong đoạn băng, IS đòi trả tự do cho Al-Rishawi để đổi con tin Nhật nhưng không nói đến việc trả tự do cho viên phi công. "Thế nhưng chúng lại đe dọa sẽ giết cả hai".

Mê Linh (tổng hợp)
.
.