Tiến trình hòa đàm Israel – Palestine thêm chông chênh

Thứ Hai, 23/03/2015, 16:30
Chiến thắng bất ngờ trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 17/3 giúp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tiếp tục cầm quyền thêm 4 năm nữa. Tuy nhiên, các nước Trung Đông đã tỏ ra lo lắng và chính các đồng minh phương Tây của Israel cũng chẳng lấy gì làm vui.

Một cuộc chiến mới tại dải Gaza đang đến gần?

Tại sao lại có chuyện như vậy? Israel dưới sự điều hành của ông Netanyahu trong mấy năm qua đã "xích mích" với hầu hết các quốc gia láng giềng ở Trung Đông như Palestine, Syria, Iran... Đành rằng xưa nay, Israel chưa từng là bạn của các nước kể trên kể từ khi Israel lập quốc, nhưng dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Netanyahu, các mối quan hệ đó thêm bất ổn. Đáng kể nhất là chiến dịch tấn công cả bằng đường không và đường bộ của quân đội Israel vào Dải Gaza vào tháng 7/2014.

Thủ tướng Netanyahu ăn mừng chiến thắng sau khi thể hiện thái độ rất cứng rắn đối với Palestine.

Trong suốt 2 tháng từ tháng 7 đến tháng 9/2014, tin tức chiến sự tại Dải Gaza được dư luận thế giới theo sát. Những vụ bắn phá của quân đội Israel vào nhà dân (nghi là nơi ẩn náu của lực lượng Hamas) đã khiến nhiều người chết, nhiều công trình xây dựng của người Palestine bị phá hủy.

Các nước châu Âu và Mỹ luôn khẳng định ủng hộ hai nhà nước Israel và Palestine cùng chung sống trong hòa bình. Đã nhiều đời tổng thống Mỹ thực hiện điều này nhưng chưa đạt được kết quả. Bản thân Tổng thống Obama cũng đã đẩy nhanh tiến trình hòa bình cho Israel và Palestine trong nhiệm kỳ đầu nhưng đến nay vẫn chưa có đột phá nào, thậm chí đôi lúc quan hệ Mỹ-Israel còn rơi vào căng thẳng.

Đó là lúc Israel tấn công Dải Gaza hồi năm ngoái và gần đây là việc Thủ tướng Netanyahu đến phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ mà không thông báo cho Nhà Trắng biết trước kế hoạch. Điều đáng nói là bài phát biểu của ông Netanyahu tại Quốc hội Mỹ lại lên án quyết liệt các cuộc đàm phán của Mỹ với Iran về vấn đề hạt nhân.

Ngay sau chiến thắng của ông Benjamin Netanyahu, Nhà Trắng đã có động thái chào mừng mang tính ngoại giao chứ không hề tương xứng với mối quan hệ đồng minh. Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố: "Tổng thống tiếp tục cho rằng một giải pháp hai nhà nước (Israel và Palestine) là cách tốt nhất để trả lời cho các căng thẳng hiện nay".

Thế giới vẫn còn bị ám ảnh bởi những hình ảnh chiến sự tại Gaza từ tháng 7 đến tháng 9/2014.

Người phát ngôn hành pháp Mỹ cũng cho biết Tổng thống Barack Obama không gọi điện tới Benjamin Netanyahu, nhưng Ngoại trưởng John Kerry đã làm việc này. Theo lời ông Earnest, Mỹ sẽ "đánh giá lại cách tiếp cận" sau khi ông Netanyahu đưa ra những bình luận bác bỏ khả năng thành lập một Nhà nước Palestine vào phút cuối trong chiến dịch tranh cử.

Bên cạnh lập trường cực đoan của Thủ tướng Israel về Nhà nước Palestine, Văn phòng Tổng thống Mỹ còn hết sức quan ngại trước những lời lẽ kỳ thị nhắm vào các cử tri Israel người Arập, những phát biểu "gây chia rẽ" và "nhằm gạt ra bên lề các công dân Israel người Arập".

Cụ thể là, vào đúng ngày bầu cử, Thủ tướng Israel đã đưa lên mạng Facebook một đoạn video với lời báo động: "Chính quyền cánh hữu đang gặp nguy hiểm. Các cử tri Arập sẽ đổ dồn tới các phòng phiếu". Người phát ngôn của Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, các phát biểu như vậy "làm suy yếu các giá trị và các lý tưởng dân chủ, một phần quan trọng của những gì gắn bó Mỹ với Israel".

Theo kết quả gần như chính thức được công bố hôm 19/3 vừa qua, đảng bảo thủ Likud của ông Netanyahu giành được 30 ghế, Liên minh Do Thái của đối lập đảng Lao động được 24 ghế, trong khi đó các đảng của người Arập về thứ ba với 13 ghế. Việc tung ra các quan điểm cực đoan gây không khí kích động trong ngày chót cuộc tranh cử của Benjamin Netanyahu rõ ràng đã mang lại cho đảng Likud một chiến thắng hết sức bất ngờ, vượt quá mọi dự đoán.

Cũng như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) chúc mừng Thủ tướng Israel tái đắc cử, nhưng không quên nhấn mạnh đến việc cần phải tái khởi động tiến trình hòa bình với Palestine. Ngoại trưởng Pháp kêu gọi tân Chính phủ Israel hành động có trách nhiệm và tái khẳng định sự ủng hộ của Paris đối với giải pháp một Nhà nước Palestine. Người phát ngôn của Thủ tướng Anh David Cameron cũng nhấn mạnh. Hy vọng hòa bình tại Trung Đông với giải pháp hai nhà nước.

Đại diện ngoại giao EU, Federica Mogherini, đi kèm lời chúc mừng chiến thắng của ông Netanyahu là lời kêu gọi tái khởi động tiến trình hòa bình Israel-Palestine. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas nói, ông sẽ làm việc với bất kỳ chính phủ Israel nào chấp nhận giải pháp hai nhà nước mà theo ông nếu không chấp nhận điều này thì các cuộc đàm phán hòa bình sẽ "không có cơ hội nào". Liên Hiệp Quốc (LHQ) cũng ra thông báo với nội dung luôn tin tưởng tiến trình hòa đàm Israel-Palestine là biện pháp "tốt nhất và duy nhất" đối với Tel Aviv để có thể duy trì một quốc gia dân chủ.

Nếu ông Netanyahu thực sự duy trì ý định chống giải pháp có hai quốc gia cho cuộc tranh chấp từ lâu nay ở Trung Đông, điều này có thể buộc tổng thống sắp tới của Mỹ, cho dù ở đảng nào, cũng phải có chọn lựa giữa vị thủ tướng Israel và chính sách của Mỹ về Trung Đông đã có từ nhiều năm nay và được sự ủng hộ của cả hai đảng tại Quốc hội. Điều này cũng sẽ tạo khó khăn hơn cho Washington khi vẫn ngăn cản các nhà lãnh đạo Palestine đưa vấn đề ra trước LHQ cũng như các tổ chức quốc tế khác. Mỹ, EU và LHQ đều đồng ý cho người Palestine thành lập một quốc gia độc lập thay vì chế độ bán tự trị dưới sự kiểm soát của Israel.

Tuy nhiên, Mỹ chủ trương theo một đường lối hòa hoãn, muốn có sự thỏa hiệp từng bước giữa Palestine và Israel, không tán thành để Palestine tự ý định đoạt... Các giới chức Mỹ cao cấp nói rằng mặc dù chính quyền Obama hãy còn cân nhắc các giải pháp, nhưng theo họ Mỹ có thể giảm bớt sự kiên quyết chống đối  việc người Palestine tự tìm con đường lập quốc qua Hội đồng Bảo an LHQ.

Các chuyên gia dự đoán, phương Tây sẽ không có lựa chọn nào khác là buộc phải làm việc với chính phủ mới của Thủ tướng Netanyahu, với lập trường hết sức cứng rắn "nếu các vị không làm việc với tôi, theo các điều kiện của tôi, thì tương lai sẽ là bạo lực, và điều này sẽ tồi tệ cho tất cả". Giáo sư chính trị học Pháp Jean-Pierre Filiu, Viện Khoa học Chính trị Paris - tác giả cuốn "Lịch sử Gaza" - cảnh báo: "Hoặc Mỹ và phương Tây can dự với một kế hoạch, một quyết tâm, hoặc chúng ta đang tiến đến gần một cuộc chiến mới tại Zải Gaza, có thể trong những tháng tới".

Bờ Tây sẽ bất ổn nếu không có Palestine

Để tâm quá nhiều vào chương trình hạt nhân của Iran, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang bỏ qua mối đe dọa sát nách và nguy hiểm hơn nhiều đối với an ninh quốc gia: Sự tan rã của chính quyền Palestine cùng với nguy cơ khu vực Bờ Tây rơi vào tình trạng hỗn loạn, có thể sẽ đẩy khu vực này trở thành thiên đường cho chủ nghĩa khủng bố hoạt động.

Lực lượng Palestine tham gia khóa huấn luyện quân sự ở thành phố Bethlehem.

Từ cuối tháng 2, cả hai bên đều có những động thái được cho là mở ra "một kỷ nguyên mới" cho cuộc xung đột Israel - Palestine. Ngày 5/3, hai ngày sau khi ông Netanyahu đọc bài diễn văn trước Quốc hội Mỹ đề cập đến các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran, Hội đồng Trung ương của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã tiến hành một cuộc họp chính thức thông qua đề xuất với Tổng thống Mahmoud Abbas: Lực lượng An ninh Quốc gia Palestine (PNSF) sẽ ngừng hợp tác an ninh với quân đội Israel. Đây được coi là bước đi đầu tiên nhằm giải tán chính quyền Palestine, vốn nắm quyền điều hành nhiều khu vực rộng lớn ở Bờ Tây trong suốt 20 năm qua, và giao trách nhiệm lại cho quân đội Israel.

Nguyên nhân nào khiến các bên dẫn tới cuộc xung đột mới này? Tháng 1/2015, sau nhiều năm nỗ lực gia nhập Quy chế Rome và Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), nguyện vọng của người Palestine cuối cùng được chấp nhận, giúp nước này có một chỗ đứng mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế.

Theo đó, sau khi hoàn tất tiến trình gia nhập để Palestine có thể chính thức trở thành thành viên vào ngày 1/4 sắp tới, ICC sẽ có thể xem xét các vụ kiện liên quan đến hành vi chiếm đóng bất hợp pháp của Israel tại Dải Gaza và khu vực Bờ Tây. Tuy nhiên, khi các thủ tục ở ICC kéo dài và nhiêu khê, Palestine hy vọng sẽ dùng cách này đe dọa khởi tố để tăng áp lực đối với Israel và buộc Tel Aviv có những nhượng bộ tích cực hơn đối với Palestine. Bước đi này có thể không hiệu quả, mặt khác lại làm gia tăng căng thẳng với Israel và gây ra các cuộc xung đột trả đũa.

Quả đúng như thế, Chính phủ Israel trả đũa bằng cách khấu trừ thu nhập từ thuế mà Israel thu giúp người Palestine. Kết quả là, chính quyền Palestine không đủ tiền để trả lương cho nhân viên cũng như thanh toán các hóa đơn dịch vụ cơ bản. Nếu Israel tiếp tục chính sách này, chính quyền Palestine có thể đứng trên bờ vực phá sản, yếu tố dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội - khiến chính quyền Palestine không thể điều hành đất nước hiệu quả.

Phía Palestine lập luận rằng, nếu Israel tiếp tục "bóp cổ" họ về tài chính, họ sẽ đẩy trách nhiệm đảm bảo an ninh tại khu vực Bờ Tây về cho Israel. Nước cờ này có thể là "chưa tối ưu", song đơn giản nó sẽ buộc Israel bàn giao các khoản thu thuế và giới chức Palestine có cớ để đe dọa, coi đây như lá bài cho "mục đích đòn bẩy" của mình. Việc đe dọa giải tán chính quyền Palestine cũng chẳng khác gì so với sự đe dọa trước đây gia nhập ICC: Nó là một công cụ hữu ích mà Palestine sẵn sàng triển khai bất kỳ lúc nào.

Chưa biết Palestine sẽ thực hiện kế hoạch thế nào vì ông Abbas là người cương quyết với đường hướng phi bạo lực, tránh nguy cơ sụp đổ của chính quyền Palestine hay để Bờ Tây rơi vào tình trạng hỗn loạn. Nhưng ông cũng không muốn dấu ấn của ông với người dân Palestine sẽ chỉ là nhà lãnh đạo dưới sự chiếm đóng lâu dài của Israel.

Ai cũng thấy rằng, một quyết định của người Palestine giải tán chính quyền Palestine sẽ để lại một khoảng trống an ninh, có thể bị lấp đầy bởi những phần tử cực đoan ở Bờ Tây, thậm chí tạo cơ hội cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và đồng minh của tổ chức này dễ dàng xâm nhập vào khu vực.

Chính sách của Israel đối với Palestine không chỉ càng làm gia tăng sự bất mãn cho người dân Palestine mà còn làm suy yếu động lực và hiệu quả của PNSF, một lực  lượng chống  khủng bố hiệu quả, từng được chính giới chức Israel hoan nghênh. PNSF cũng là một nguồn lực đáng kể cho người Palestine, cung cấp hơn 70.000 việc làm ở Bờ Tây và Dải Gaza, khiến nó trở thành một chủ thể quan trọng trong cơ cấu xã hội của Nhà nước Palestine mới ra đời.

Việc giải thể PNSF sẽ đồng nghĩa với thiệt hại kinh tế thực sự cho cả Israel và Palestine. Hàng nghìn binh sĩ thuộc Lực lượng Quốc phòng Israel buộc sẽ phải triển khai một khi Palestine chấm dứt nhiệm vụ đảm bảo an ninh và sự hiện diện lâu dài của họ tại các khu vực do chính quyền Palestine kiểm soát, có thể sẽ thiệt hại hàng tỉ USD cho những người nộp thuế Israel.

Ngân sách của chính quyền Palestine trong năm 2014 là 4,2 tỉ USD, bằng khoảng một nửa số tiền tài trợ của cộng đồng quốc tế, đương nhiên chẳng dại gì thanh toán cho một hóa đơn nếu thiệt hại ấy do Israel gây ra. Một yếu tố không kém phần quan trọng là chi phí tuyển dụng thanh niên Israel tiếp tục đảm trách nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho toàn bộ lãnh thổ Palestine. Đây sẽ là thảm kịch cho cả người Israel và người Palestine.

Theo các nhà phân  tích, cả hai bên đang hành động một cách phi lý và thực hiện các bước đi "lợi bất cập hại". Mặc dù cho rằng Israel không bao giờ có thể rút khỏi Bờ Tây vì làm như vậy sẽ để lại một quốc gia thất bại ngay từ khi sơ khai - nhưng hiện ông Netanyahu đang có những bước đi rất có thể mang lại kết quả đó.

Trong khi đó, ông Abbas lập luận rằng ông không thể tiếp tục điều hành Nhà nước Palestine khi Israel nắm giữ tất cả các công cụ của quyền lực - nhưng thật khó có thể tưởng tượng việc ngừng hợp tác an ninh hay chính quyền Palestine sụp đổ có thể đem lại bất kỳ lợi ích nào cho người dân Palestine.

Mộc Thạch - Bảo Trân (tổng hợp)
.
.