Italia ‘nóng’ trên mặt trận chống tham nhũng, mafia và khủng bố

Thứ Hai, 23/03/2015, 15:35
Ngày 16/3, Cảnh sát Italia phối hợp với Viện Công tố thành phố Florence đã bắt giữ 4 quan chức và công bố danh sách điều tra hơn 50 người khác do những cáo buộc tham nhũng liên quan đến các công trình công cộng lớn mà họ quản lý hoặc đấu thầu. Cùng với vấn nạn tham nhũng đang hoành hành là mafia. Từ tháng 1/2013 đến tháng 4/2014, có tới 1.265 vụ đe dọa các chính quyền địa phương được ghi nhận từ 106 tỉnh, tương đương với 80 vụ/tháng, 3 vụ/ngày. Và không chỉ có tham nhũng và mafia, Italia hiện còn đang phải đối mặt với nguy cơ khủng bố.

Nhân vật gây chú ý nhất trong số những người bị bắt  hôm 16/3 là chuyên viên tư vấn cấp cao của Bộ Cơ sở Hạ tầng và Giao thông Italia Ettore Incalz. Được cho là người đứng đầu một hệ thống tham nhũng có tổ chức, ông Ettore Incalz đã tham gia bòn rút và cho đấu thầu bất hợp pháp hàng loạt công trình liên quan đến hạ tầng cơ sở cũng như giao thông lớn ở nhiều khu vực của Italia liên tục trong nhiều năm.

Ông Incalza và nhiều người khác trong bộ máy công quyền đã thao túng hầu hết những công trình lớn tầm cỡ quốc gia, như các công trình xây dựng phục vụ Triển lãm thương mại thế giới EXPO 2015 ở thành phố Milan, các trung tâm hội chợ lớn ở Milan và thủ đô Rome, hệ thống đường sắt cao tốc Bắc - Nam cũng như các tuyến đường bộ cao tốc chạy dọc đất nước và một số vùng ở miền Nam Italia.

Căn bệnh tham nhũng và hối lộ ở Italia trầm kha đến mức Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI) từng đánh giá Italia là một trong những quốc gia tham nhũng bậc nhất ở châu Âu. Theo một báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) năm 2014, tham nhũng gây thất thoát 60 tỉ euro mỗi năm trong ngân sách Italia.

Mặc dù cuộc chiến âm thầm chống mafia trong bóng tối ở các địa phương Italia không hề gián đoạn, nhưng thực tế là mafia chưa hề bị đánh bại, và dường như chúng có vẻ đang thắng thế.

Tính từ năm 1991 tới nay, có 254 sắc lệnh giải thể các chính quyền cấp xã, huyện và thành phố đã được ký vì các địa phương ấy đã bị mafia thâm nhập và mua chuộc. 132 quan chức, trong đó có 3 phụ nữ, là những người làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương hoặc ứng viên vào các vị trí trong bộ máy cầm quyền bị mafia sát hại trong vòng 40 năm qua. Ngoài ra, có tới 70 vụ các quan chức địa phương hoặc toàn bộ cơ quan hành chính địa phương từ chức do sự đe dọa của mafia, trong khi 341 quan chức cấp địa phương được đặt dưới sự bảo vệ của cảnh sát sau khi họ bị mafia đặt trong tầm ngắm.

Vấn nạn tham nhũng đang ngày ngày hoành hành đất nước Italia.

Đảo Sicily, với tổ chức mafia Cosa Nostra, và vùng Puglia, nơi tổ chức mafia Santa Corona Unita hoạt động mạnh, là những vùng xảy ra nhiều vụ đe dọa nhất. Trong khi đó, Campania, lãnh địa của tổ chức mafia Camorra, và vùng Calabria, quê hương của 'Ndrangheta, đứng đầu trong cả nước về số chính quyền địa phương bị giải thể do sự thâm nhập của mafia.

Thật là thiếu sót nếu không đưa khủng bố vào bức tranh ảm đạm về những gì đang xảy ra ở Italia. Theo số liệu của đơn vị chống khủng bố thuộc Cảnh sát Italia, trong khoảng 3.000 tay súng xuất xứ từ châu Âu trong biên chế của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, có 65 người mang quốc tịch Italia hoặc người gốc Italia.

Phát biểu trước Ủy ban về Công ước Schengen hôm 12/3 vừa qua, người đứng đầu đơn vị chống khủng bố của Cảnh sát Italia, sĩ quan Mario Papa cho biết, Italia có thể sẽ phải đương đầu với nguy cơ khủng bố khi những tay súng trở về nước. Theo ông, những mâu thuẫn trong nội bộ IS và việc lực lượng này đang bị tổn thất sau những cuộc tấn công của liên quân do Mỹ đứng đầu có thể khiến những chiến binh nước ngoài sớm về nước.

Ông Papa nhận định, dù số người Italia tham gia IS chỉ chiếm một phần nhỏ, nhưng nguy cơ đe dọa an ninh đối với nước này cao hơn do Italia là một điểm trung chuyển của các tay súng nước ngoài. Lợi dụng Công ước Schengen tự do đi lại trong Liên minh châu Âu (EU), những chiến binh này có thể đi qua Italia để đến Syria và Iraq.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.