Ukraina đỏ lửa chiến tranh

Thứ Tư, 28/01/2015, 15:25
Các cuộc đọ súng giữa Chính phủ và phe ly khai ở Ukraina đặc biệt gia tăng mấy ngày qua bất chấp việc các bên vẫn đang tìm giải pháp chính trị. Trong khi ấy, đấu khẩu giữa Ukraina và Nga ngày càng dữ dội. Triển vọng hòa bình cho miền Đông Ukraina trở nên mù mịt.

Từ ngày 18/1 đến nay, xung đột quân sự giữa quân đội chính phủ với các thành phần ly khai ở miền Đông Ukraina đã diễn ra cả ngày cũng như đêm, đặc biệt tại chiến trường Donetsk.

Ngày 22/1, Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko tuyên bố rằng, lực lượng ly khai sẽ phải trả “giá đắt” cho việc gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng chính phủ trên khắp các khu vực đòi ly khai ở miền Đông nước này.

Hiện khu vực xung quanh sân bay Donetsk vẫn đang trong thế giằng co, một phần do quân chính phủ Ukraina kiểm soát, phần còn lại do phía ly khai chiếm giữ.

Cũng từ ngày 19/1, Ukraina bắt đầu đợt động viên thứ nhất, dự kiến gọi 50.000 người nhập ngũ. Hai đợt động viên nữa dự kiến sẽ tiến hành vào tháng 4 và tháng 6 tới.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina Stepan Poltorak tuyên bố trong năm 2015 có thể động viên khoảng 104.000 người.

Binh sĩ Ukraina bắn đạn pháo nhằm vào lực lượng ly khai tại sân bay Donetsk.

Theo sắc lệnh của Tổng thống Ukraina Poroshenko ký ngày 19/1, hơn 100.000 thanh niên nam nữ được động viên để thay thế lực lượng đang chiến đấu tại Donbass và củng cố chiến tuyến ở miền Đông.

Hãng tin Ria-Novosti ngày 21/1 dẫn lời bộ chỉ huy dân quân Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) cho biết, sau ba ngày nối lại các hoạt động quân sự ở miền Đông, quân đội Ukraina đã tổn thất 500 lính và khoảng 1.500 lính bị thương.

Về phần mình, Chính phủ Kiev cho biết lực lượng ly khai trong một tuần qua mất không ít hơn 300 người.

Theo trợ lý Bộ trưởng Nội vụ Ukraina Anton Gerashenko, tổn thất nhân lực lớn nhất của DPR và LPR (Cộng hòa Nhân dân Lugansk) là do các cuộc phản pháo mạnh mẽ tại sân bay Donetsk, cũng như ở ngoại ô Gorlovka, Komsomolsk và Volnovakha".

Và con số thương vong cho cả hai bên vẫn tiếp tục gia tăng trong những ngày tới vì hiện nay tiếng súng vẫn chưa ngớt xung quanh khu vực sân bay quốc tế Donetsk.

Cùng với đó là số lượng lớn thiết bị quân sự bị phá hủy và tù binh bị bắt. Không chỉ có binh sĩ của hai bên thương vong, số người dân tại vùng chiến sự cũng đang bị vạ lây.

Ngày 22/1, một trạm ôtô điện ở thành phố Donesk bị trúng đạn pháo làm 13 dân thường thiệt mạng và hơn 10 người bị thương. Hiện chưa biết được đạn pháo này bay từ phe nào tới.

Phát biểu trước 2.500 đại biểu quốc tế ở Diễn đàn Davos diễn ra tại Thụy Sĩ ngày 21/1, Tổng thống Ukraina Poroshenko cho biết, Nga đã điều hơn 500 xe tăng, pháo hạng nặng và xe bọc thép vào miền Đông Ukraina, nơi lực lượng chính phủ đang chiến đấu với quân ly khai.

Vị Tổng thống Ukraina còn cáo buộc Nga "gây hấn" và yêu cầu nước này đóng biên giới với Ukraina cũng như rút hết "binh lính nước ngoài".

Trong một phát biểu riêng rẽ khác, ông Poroshenko nói với kênh truyền hình Bloomberg rằng 9.000 quân Nga gần đây đã vượt biên vào Ukraina cùng với 200 xe tăng và xe bọc thép.

Ngoài ra, trong ngày 21/1, phát ngôn viên quân đội Ukraina Andriy Lysenko thông báo "một số lượng đáng kể binh lính Nga không đeo phù hiệu" đã bị phát hiện trong khu vực Lugansk ở miền Đông Ukraina, cùng với hàng chục xe tăng, xe bọc thép và xe chiến đấu của bộ binh.

Giao tranh dữ dội giữa quân đội Ukraina với lực lượng ly khai ở thành phố Donetsk.

Nga bác bỏ tất cả các cáo buộc trên của Ukraina. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov Nga nói rằng, cuộc xung đột ở Ukraina không thể được giải quyết bằng giải pháp quân sự và cho rằng sẽ là thảm họa nếu điều đó xảy ra và hy vọng rằng các nước phương Tây tác động đến Kiev để ngăn chặn nỗ lực giải quyết vấn đề Donbass bằng biện pháp quân sự.

Đại diện của Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov ngày 20/1 tuyên bố: “Những ảo giác về cuộc xâm lược của Nga” trong tâm trí của những người ủng hộ giải pháp quân sự cho cuộc xung đột nội bộ ở đông nam Ukraina không phải là tình cờ mà là minh chứng cho sự điên cuồng của nỗ lực “bán mèo trong bị” đắt hơn nữa cho các nhà tài trợ phương Tây tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos.

Theo phía Nga, bằng chiến dịch chiếm lại miền Đông, Kiev đang phá vỡ lệnh ngừng bắn Minsk ký hồi tháng 9/2014.

Tuần trước, người đứng đầu Điện Kremlin gửi cho Tổng thống Poroshenko đề xuất với kế hoạch rõ ràng theo từng giai đoạn rút các loại vũ khí hạng nặng ra khỏi tuyến đối đầu ở miền Đông Ukraina, mà những điểm tranh cãi đã được giải quyết thiên về phía có lợi cho Kiev.

Moskva nhận lấy trách nhiệm thu xếp vấn đề này với Donbass. Bởi điều chính yếu ở đây là nhằm cứu vãn sinh mạng của dân thường.

Thoạt đầu Kiev không hề có phản ứng gì với đề xuất của ông Putin, nhưng sau khi tiếp tục tập trung lực lượng quân sự và tiến hành tư vấn với các nước phương Tây, Kiev đã dứt khoát bác bỏ kế hoạch của ông Putin. Ukraina tiếp tục làm ra vẻ rằng, chính Nga là một bên trong cuộc xung đột.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin cho rằng, “chứng cuồng quân sự của đảng Mặt trận dân tộc do Thủ tướng Yatsenyuk đứng đầu, hiện là mối nguy hiểm chính cho chủ quyền quốc gia Ukraina. Nó đẩy cuộc khủng hoảng vào sâu hơn nữa và cản trở mọi nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình thực sự (…)”.

Trên trường quốc tế, sau 3 giờ đàm phán căng thẳng tại Trại Borsig ở thủ đô Berlin của Đức đêm 21/1 giữa ngoại trưởng 4 nước gồm Đức, Pháp, Ukraina và Nga về tình hình miền Đông Ukraina, Ukraina và Nga đã nhất trí rút các thiết bị quân sự hạng nặng khỏi khu vực đường ranh giới được phân định theo thỏa thuận Minsk.

Kết thúc cuộc gặp trên, ngoại trưởng cả 4 nước đã đưa ra lời kêu gọi chung về chấm dứt các hành động thù địch tại Ukraina nhưng không đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá nào.

Ngoại trưởng Đức cho rằng nếu các bên ở Moskva và Kiev thực sự nghiêm túc với một giải pháp hòa bình, cả hai cần nỗ lực hết sức để ngăn chặn vòng xoáy bạo lực đang bùng phát.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.