Ukraine: Đâu là khủng hoảng thật sự?

Thứ Năm, 23/07/2015, 20:45
Là một quốc gia Đông Âu nghèo khó nhưng tài sản của các nhà tài phiệt Ukraine lại vô cùng đồ sộ. Năm 2013, GDP của nước này là 177,43 tỉ USD, GDP bình quân đầu người chỉ có 3.726 USD. Khác với nền kinh tế đất nước èo uột, các nhà tài phiệt Ukraine lại chẳng thiếu thứ gì. Họ không những nắm giữ nguồn của cải chủ yếu của xã hội mà còn là lực lượng chính ảnh hưởng tới chính trường.

Tham nhũng - thách thức chính trị lớn nhất

Tham nhũng luôn là một vấn đề nhức nhối gây ảnh hưởng tới nền chính trị Ukraine, các nghị quyết được ưu tiên thông qua sau khi các tổng thống lên cầm quyền đều là dự luật chống tham nhũng. Tuy nhiên, chưa một vị tổng thống nào có thể thoát khỏi tiếng xấu tham nhũng, đều có mối liên hệ chặt chẽ với các tập đoàn tài phiệt.

Là một quốc gia Đông Âu nghèo khó nhưng tài sản của các nhà tài phiệt Ukraine lại vô cùng đồ sộ. Năm 2013, GDP của nước này là 177,43 tỉ USD, GDP bình quân đầu người chỉ có 3.726 USD. Khác với nền kinh tế đất nước èo uột, các nhà tài phiệt Ukraine lại chẳng thiếu thứ gì. Họ không những nắm giữ nguồn của cải chủ yếu của xã hội mà còn là lực lượng chính ảnh hưởng tới chính trường. Hiện trạng này chỉ có lợi cho những nhà đầu cơ chính trị chứ không phải là vì để bảo vệ các giá trị dân chủ.

Theo danh sách tỉ phú năm 2013 của Forbes, tài sản của người giàu nhất Ukraine - tỉ phú Rinat Akhmetov đã vượt trên 15 tỉ USD, tổng tài sản của 100 người giàu trong danh sách của Forbes khoảng 130 tỉ USD, chiếm 80% tổng sản phẩm quốc dân.

Viện trợ quốc tế - sự lựa chọn duy nhất

Ukraine đang vấp phải sự tụt dốc kinh tế theo phương thức rơi tự do. Cục diện chính trị trong nước rối ren, giá năng lượng đột ngột tăng vọt, xung đột ở miền Đông kéo dài, chính sách thắt chặt tài chính mang tính áp đặt cũng như kinh tế châu Âu sút kém làm cho kinh tế Ukraine năm 2014 sụt giảm nghiêm trọng, GDP cả năm giảm tới 10%, lạm phát lên tới 20%, đồng Hryvnia đã mất giá 137%. Khu vực Donbass và Crimea đã tách rời sự kiểm soát của chính quyền Kiev thực sự, vô hình trung lại khấu trừ thêm gần 16% GDP của Ukraine.

Tình hình xuất khẩu của Ukraine vẫn không lạc quan. Do nền kinh tế lệ thuộc nghiêm trọng vào thị trường bên ngoài, giá các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu - luyện kim và hóa học sụt giảm, nhu cầu thị trường kém. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Ukraine - nền kinh tế EU và Nga rất khó khởi sắc trong năm 2015, cộng với môi trường địa chính trị căng thẳng làm cho triển vọng xuất khẩu của Ukraine tiếp tục ảm đạm, thậm chí có khả năng tiếp tục giảm sút.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ủy ban châu Âu, kinh tế châu Âu chỉ tăng trưởng 0,8% trong năm 2014, năm 2015 là khoảng 1,1%. Tương tự, nền kinh tế Nga năm 2014 cũng không vận hành tốt, dự đoán năm 2015 vẫn có khả năng tăng trưởng âm. Ba quý đầu năm 2014, xuất khẩu của Ukraine sang Nga giảm 27,3%, nhập khẩu giảm 36%.

Tình trạng căng thẳng của môi trường kinh tế bên ngoài không chỉ làm cho triển vọng kinh tế Ukraine càng thêm ảm đạm, sức ép nợ công càng đẩy chính phủ mới vào tình thế nan giải. Do tiền mất giá mạnh, tỉ trọng nợ nước ngoài trong GDP đã tăng từ 40,5% cuối năm 2013 lên 60% cuối năm 2014.

Quy mô dự trữ ngoại tệ giảm từ 16 tỉ USD đầu năm xuống chưa tới 13 tỉ USD. Từ năm 2014 tới nay, tỉ giá đồng hryvnia so với USD đã mất giá từ 8 đồng hryvnia lên 19 đồng hryvnia đổi 1 USD, mất giá tới trên 137%; dự trữ ngoại tệ của Ukraine chỉ có thể đáp ứng nhu cầu nhập khẩu trong 6 tuần; sản xuất kinh tế của nước này trong năm 2014 thu hẹp ít nhất 7%. Điều này khiến các nước bên ngoài lo ngại về nợ công của Ukraine.

Tháng 5/2014, 17 tỉ USD đến từ  IMF và 10 tỉ USD đến từ các sự trợ giúp khác đã giúp Ukraine tạm thời thoát được một cuộc khủng hoảng.

Từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng phát vào tháng 9-2013 đến nay, Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody đã nhiều lần hạ bậc đánh giá nợ công của Ukraine, từ B3 xuống CAA1, rồi tới CAA2, CAA3, triển vọng hết sức tiêu cực. Ngày 20/12/2014, Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor thông báo hạ bậc tín nhiệm của Ukraine xuống CCC -, lý do là nguy cơ vỡ nợ tăng lên.

Ngoài ra, Standard & Poor đánh giá triển vọng CCC - là tiêu cực, điều đó có nghĩa rằng trong tương lai rất có khả năng Standard & Poor một lần nữa hạ bậc tín nhiệm. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch trong khi đánh giá triển vọng kinh tế của Ukraine cũng tương tự đưa ra bậc xếp hạng bi quan CCC, với triển vọng tiêu cực, điều đó có nghĩa là rủi ro vỡ nợ của Ukraine vẫn ở mức tương đối cao. Trong số 104 quốc gia được cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch theo dõi, chỉ có Argentina có bậc xếp hạng tín dụng thấp như Ukraine.

Kể từ khi lên nhậm chức hồi tháng 2/2014, Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk luôn kiên trì thực hiện chính sách thắt chặt tài chính và áp dụng đối sách liệu pháp sốc do IMF cung cấp - tăng thuế, phá giá đồng nội tệ và cắt giảm chi tiêu. Căn cứ vào thỏa thuận cho vay khẩn cấp giữa chính phủ mới và IMF, chính quyền Arseniy Yatsenyuk phải thực hiện một chính sách tài chính thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt, tăng giá chi tiêu công.

Từ tháng 5/2014, giá khí đốt ở Ukraine tăng lên 50%, giá điện, nước tăng 40%. Mức thu phí sự nghiệp công của Ukraine trước đó dựa vào sự bù lỗ từ ngân sách nhà nước, tăng mức thu phí sự nghiệp công bao gồm cả việc tăng giá khí đốt trong nước là một trong những điều kiện quan trọng để Ukraine nhận được viện trợ nước ngoài từ IMF. IMF dự báo lạm phát ở Ukraine trong năm 2015 sẽ vẫn ở mức cao khoảng 19%.

Như vậy, nền kinh tế Ukraine phải tiếp tục dựa vào sự tiếp sức của EU và Mỹ, khoản vay quốc tế đã trở thành lựa chọn duy nhất để tránh đi đến phá sản.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.