Ukraine: Đối kháng ngày càng tăng

Thứ Hai, 17/08/2015, 18:30
Xét về khía cạnh chính trị lẫn quân sự, tình hình xung đột tại Ukraine sắp có biến cố lớn khi mà cả hai phe chính phủ và quân ly khai ở miền Đông đều đang có những bước chuẩn bị cho sự thay đổi này. Những động thái gần đây của cả chính quyền Kiev lẫn phe ly khai đã cho thấy sự đối kháng ngày càng tăng.

Kẻ tám lạng người nửa cân

Ngày 6/8, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký ban hành luật bầu cử địa phương. Theo đó, các khối chính trị bị loại khỏi danh sách các chủ thể tham gia tranh cử. Chỉ có các đảng được đăng ký không quá 365 ngày và các đảng đổi tên không quá 180 ngày trước bầu cử mới có quyền lựa chọn ứng viên tham gia tranh cử. Danh sách các đơn vị hành chính và lãnh thổ không được phép tổ chức bầu cử sẽ được Quốc hội quy định trong một nghị quyết riêng rẽ.

Luật bầu cử địa phương mà Quốc hội Ukraine thông qua hôm 14/7 không cho phép các quận thuộc khu vực Donetsk và Lugansk, hiện nằm ngoài quyền kiểm soát của chính quyền Kiev, được tổ chức bầu cử vào ngày 25/10 tới.

Quân chính phủ Kiev và phe ly khai đều dùng vũ khí hạng nặng để đấu nhau trong những ngày qua.

Chỉ một ngày sau khi chính quyền trung ương ban hành Luật bầu cử địa phương, ngày 7/8, Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) đã thông qua sửa đổi Luật bầu cử địa phương với 9 điểm điều chỉnh, đáng chú ý là việc cấm truyền thông Ukraine tham gia vào tiến trình bầu cử tại DPR. Bên cạnh đó, văn kiện cũng thừa nhận sự hiện diện của các quan sát viên thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) vào tiến trình giám sát bầu cử.

Người đứng đầu DPR Alexander Zakharchenko trước đó điềm nhiên thông báo: sẽ tiến hành bầu cử địa phương vào ngày 18-10. DPR cho rằng việc sửa đổi luật bầu cử nhằm thực hiện đồng bộ những biện pháp thực thi Thỏa thuận Minsk ký ngày 12/2/2015 và Biên bản Minsk ký ngày 5/9/2014, trong đó quy định việc tiến hành các cuộc bầu cử địa phương, tính tới quy chế đặc biệt của Donbass.

Ngay lập tức, Tổng thống Poroshenko tuyên bố việc DPR tổ chức cuộc bầu cử này là trái phép, không phù hợp với luật pháp Ukraine. Theo luật pháp của Ukraine, một cuộc bầu cử như vậy chỉ có thể do Ủy ban bầu cử trung ương ở Kiev tổ chức, chứ không phải do lực lượng đòi độc lập ở miền Đông tự tiến hành.

Hồi tháng 3/2015, Tổng thống Poroshenko đã ký ban hành đạo luật sửa đổi về quy chế tự quản đặc biệt của một số khu vực thuộc tỉnh Donesk và Lugansk. Tuy nhiên, chính quyền Kiev vẫn coi Lugansk và Donesk là "các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm".

Trong khi đó trên thực địa, các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và phe ly khai vẫn tiếp tục diễn biến căng thẳng. Quân đội Ukraine ngày 8/8 cho biết một binh sĩ nước này đã thiệt mạng và 9 người khác bị thương trong cuộc đụng độ với phe ly khai ở miền Đông, bất chấp lệnh ngừng bắn đã được ký kết.

Nga tiêu hủy thực phẩm nhập khẩu vi phạm lệnh cấm.

Bên cạnh đó, còn có 3 dân thường bị thương trong vụ đấu pháo đêm 7/8 ở Dzerzhynsk, thành phố do quân chính phủ nắm giữ cách Donetsk khoảng 50km. Phía quân ly khai thì cho biết có 2 dân thường bị thương do trúng đạn pháo của quân đội Kiev.

Ngày 10/8, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết Lữ đoàn Cơ giới số 72 thuộc Cơ quan An ninh Ukraine với sự yểm trợ của 10 xe tăng, 10 xe bọc thép chở quân và pháo binh đã giành quyền kiểm soát từ tay lực lượng ly khai các điểm cao then chốt nằm gần làng Starognatovka, huyện Volnovakha, tỉnh Donetsk.

Đáng lo ngại hơn cả là những tuyên bố cứng rắn của hai bên. Ngày 11/8, Người phát ngôn quân đội Ukraine, Vladislav Seleznyov tuyên bố các lực lượng ủng hộ Kiev tham gia tác chiến tại vùng Donbass có quyền khai hỏa đáp trả nếu các cứ điểm của họ bị lực lượng tự vệ Donbass tấn công. Cùng ngày, chính quyền Ukraine tuyên bố sẽ sử dụng toàn bộ kho vũ khí của nước này để chặn đứng mọi bước tiến của lực lượng nổi dậy.

Người phát ngôn Quân đội Ukraine Vladyslav Seleznyov nói: "Chúng ta sẽ huy động toàn bộ kho vũ khí và tất cả mọi phương tiện sẵn có để đẩy lùi đà tấn công của kẻ thù. Chúng ta không thể mạo hiểm với mạng sống của các binh sĩ. Trước đây, hiếm khi phiến quân tiến hành các vụ tấn công bằng tên lửa Grad, nhưng giờ đây, việc này diễn ra hàng ngày”.

Ông Seleznyov cho biết, từ sáng đến 17 giờ chiều 12/8 đã xảy ra 63 vụ nã pháo 122mm, 152mm và tên lửa Grad, chủ yếu vào cuối ngày. Ông này cũng cáo buộc phe ly khai đang tập trung lực lượng tại các vị trí tiền tiêu trên đường giới tuyến với âm mưu tấn công lực lượng chính phủ.

Ngày 13/8, Tổ chức OSCE cho biết, tình trạng bạo lực ở miền Đông Ukraine đã gia tăng trong những ngày qua. Họ lưu ý số lượng các vụ đụng độ giữa binh sĩ chính phủ và lực lượng ly khai tăng mạnh trong những ngày gần đây, cả 2 phía đã sử dụng vũ khí hạng nặng trong các cuộc tấn công, vi phạm thỏa thuận ngừng bắn Minsk.

Trên phạm vi quốc tế, liên quan tới các đối tượng trong cuộc khủng hoảng Ukraine, ngày 13/8, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, trong đó ông Kerry bày tỏ "quan ngại sâu sắc" trước việc lực lượng nổi dậy ở Đông Ukraine đẩy mạnh các cuộc tấn công.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với báo giới ở Washington rằng trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga, ông Kerry hối thúc "ngừng bắn ngay lập tức" và kêu gọi "thực hiện đầy đủ" thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2.

Trước đó, ngày 11/8, Nga tố cáo chính quyền Kiev âm mưu tiến hành một cuộc đối đầu có tầm ảnh hưởng lớn với Nga, đồng thời viện dẫn chiến lược an ninh quốc gia của Ukraine như một bằng chứng.

6 chiếc xe của đoàn công tác OSCE bị đốt cháy ở Donetsk ngày 8/8.

Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia của Nga, ông Nikolai Patrushev nói: "Chiến lược an ninh quốc gia của Ukraine nhằm đối đầu lâu dài với Nga. Điều đó khiến chúng tôi quan ngại".

Theo ông Patrushev, chiến lược đó cho phép phương Tây sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, công nghiệp và quân sự của Kiev và điều đó tiềm ẩn nguy cơ làm leo thang căng thẳng ở miền Đông Nam đang bất ổn của Ukraine.

Ông Patrushev lưu ý rằng, chiến lược đó sẽ khuyến khích Kiev quân sự hóa hơn nữa. Điều này đi ngược lại nhu cầu và kỳ vọng của người dân Ukraine. Ông cũng lên án việc Kiev coi Moscow là kẻ gây hấn và hăm dọa Ukraine, trong khi xác định Mỹ là một đồng minh chiến lược quan trọng.

Khủng hoảng còn lâu mới hạ nhiệt

Trong khi đó cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây liên quan tới vấn đề Ukraine vẫn chưa cho có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngày 13/8, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã ký ban hành chỉ thị mở rộng danh sách các nước bị Nga cấm nhập khẩu vào thị trường nước mình để đáp trả biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Cụ thể, ngoài các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Australia, Canada, Na Uy và Mỹ, Nga sẽ đóng cửa biên giới của mình đối với một số hàng nông sản của Albania, Montenegro, Iceland và Liechtenstein. Trước đó, những nước này đã xác nhận với EU về việc quyết định kéo dài các biện pháp trừng phạt Nga thêm một năm.

Ngày 6/8/2015 là thời hạn đúng một năm Nga thực hiện các biện pháp trả đũa những lệnh trừng phạt của phương Tây. Kinh tế Nga hiện có khó khăn nhưng vẫn đứng vững trước mọi biện pháp leo thang cấm vận của Mỹ và châu Âu. Kể từ tháng 8/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cấm nhập khẩu vào Nga một số mặt hàng nông sản, nguyên liệu và lương thực thực phẩm có xuất xứ từ những quốc gia đã áp đặt trừng phạt kinh tế chống lại các cá nhân và tổ chức của Nga, hoặc những quốc gia đã ủng hộ quyết định trừng phạt này.

Theo đó, Nga đã ngừng nhập khẩu thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, cá, phômai, sữa và các sản phẩm từ sữa, rau quả từ các nước EU, Australia, Canada, Mỹ và Na Uy. Từ ngày 27/7 vừa qua, Nga cũng đã cấm nhập khẩu hoa từ Hà Lan.

Tổng thống Vladimir Putin còn ký ban hành sắc lệnh tiêu hủy hàng nghìn hàng hóa nhập khẩu trái phép từ các nước bị Nga áp dụng lệnh cấm nhập. Mới đây nhất, giới chức Nga đã tiến hành tiêu hủy hoa đến từ Hà Lan với lý do đưa ra là lo ngại các loại hoa này gây nguy hiểm do nhiễm sâu bệnh.

Chính quyền Moscow gần đây lên án các nước như Belarus hay Kazakhstan đã đưa vào lãnh thổ Nga các sản phẩm châu Âu bị cấm vận, hy vọng trong một số trường hợp, việc tiêu hủy sẽ làm nản lòng những ai toan ngăn trở lệnh cấm.

Các biện pháp trừng phạt và trả đũa giữa Nga và phương Tây nối tiếp nhau trong suốt thời gian qua. Phương Tây kỳ vọng gây khó khăn về chính trị, kinh tế, tài chính, thương mại và xã hội đến mức Nga phải khuất phục, cụ thể là “nhả” Crimea và ngừng can thiệp vào Ukraine.

Sau một năm, bên nào cũng vừa có cái được vừa không thành công và trong tình thế giống nhau là leo thang các biện pháp trừng phạt - trả đũa. Mỹ và EU gây khó khăn lớn cho Nga, đặc biệt về kinh tế và thương mại. Đồng rúp mất giá và giá dầu lửa giảm mạnh khiến Nga càng gặp thách thức nghiêm trọng. Tuy nhiên, kinh tế nước này không sụp đổ và cũng không bùng phát khủng hoảng xã hội hay bất ổn chính trị.

Moscow không bộc lộ bất cứ dấu hiệu gì cho thấy vì tác động của những biện pháp chính sách của phương Tây mà sẽ phải nhượng bộ liên quan đến Ukraine. Ở Ukraine, tương quan lực lượng và cục diện quyền lực cũng chẳng tốt đẹp gì đối với chính quyền Kiev được phương Tây hậu thuẫn.

Vì chủ trương “chung sống” với các chính sách bao vây trừng phạt nên Nga xem ra không có ý định thay đổi chiến lược và chính sách đối với Mỹ, EU, NATO lẫn Ukraine, sẵn sàng ăn miếng trả miếng và dùng leo thang căng thẳng để đối phó leo thang căng thẳng. Hai phía cứ tiếp tục như thế bởi Nga không nhượng bộ trong khi bên kia không có đối sách nào khác. Vì vậy, theo các chuyên gia, cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ còn lâu kết thúc.

 

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.