10 vấn đề tồn tại, hạn chế chủ yếu của báo chí

Thứ Ba, 26/12/2017, 10:41
Ngày 26-12 tại TP Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị Báo chí toàn quốc nhằm tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. 

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự hội nghị. Dự hội nghị còn có Đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh; lãnh đạo Bộ Thông tin bag Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và đại diện các cơ quan báo chí trên cả nước. 

Đồng chí Võ Văn Thưởng cùng đại biểu dự hội nghị.

Theo ban tổ chức hội nghị, cả nước hiện có 849 cơ quan báo chí, trong đó cơ quan báo chí Trung ương là 530,còn lại là báo chí địa phương. Về báo điện tử, cả nước hiện có 195 cơ quan báo chí điện tử đã được cấp phép, hiện đã có 18.000 nhà báo được cấp thể hành nghề. 

Đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy, năm 2017 các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước; thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, quốc tế và là diễn đàn tin cậy của nhân dân.

Tuy nhiên, hoạt động báo chí còn tồn tại nhiều khuyết điểm, hạn chế, tập trung vào 10 vấn đề chủ yếu như: Thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ; thông tin không đúng sự thật, thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, tiết lộ bí mật Nhà nước.

Đăng tải quá nhiều thông tin về mặt trái của xã hội; chưa thực hiện đề cao quy định tác nghiệp, quy trình biên tập khi còn có những sơ suất, thiếu sót, lỏng lẻo; thông tin trên báo chí trong một số trường hợp còn chậm hơn so với tình hình diễn biến thực tế nên chưa phát huy được vai trò định hướng dư luận xã hội. 

Vi phạm về quảng cáo vẫn xảy ra, vi phạm chủ yếu vẫn là thông tin quảng cáo quá tính năng, tác dụng của hàng hóa; quảng cáo thực phẩm chức năng có nội dung không rõ ràng gây hiểu lầm; vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, bản quyền trong lĩnh vực báo chí, xảy ra chủ yếu với báo điện tử và báo hình; tình trạng “đánh hội đồng”, kết án vụ việc, hiện tượng mà không cần xem xét đến các quy định pháp luật, các kết luận của cơ quan chức năng, rồi tình trạng “suy đoán có tội” tồn tại trong báo chí gây thiệt hại rất lớn đến cá nhân, tổ chức, DN, làm giảm lòng tin của công chúng và chính quyền các cấp vào báo chí. 

Một số văn phòng đại diện, PV thường trú của cơ quan chí tại địa phương và cả đội ngũ cộng tác viên hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. nhiều phóng viên chỉ soi mói, tìm những sơ hở, hạn chế của tổ chức, DN, địa phương để gây áp lực với động cơ không lành mạnh. Cuối cùng là xu hướng gia tăng tình trạng “báo hóa” các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp bằng những từ ngữ dễ gây hiểu nhầm cho độc giả…         

Trong phần làm việc buổi sáng, hội nghị đã được nghe nhiều ý kiến, tham luận xung quanh việc quản lý nhà báo hành nghề, quản lý văn phòng đại diện, văn phòng thường trú và hoạt động kinh tế của cơ quan báo chí. 

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đề nghị, cơ quan báo chí phải hết sức quan tâm đến văn phòng đại diện của mình, nhất là về cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động của phóng viên và giáo dục tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp của phóng viên. 

Để góp phần tăng cường quản lý Văn phòng thường trú và PV thường trú, đại diện Hội Nhà báo Việt Nam nêu giải pháp, Hội đã yêu cầu hội viên phải sinh hoạt chung với hội nhà báo địa phương để chụ sự giám sát của Hội nhà báo các địa phương.

Đức Thắng
.
.