Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Việt Nam rộng cửa chào đón doanh nghiệp Nhật Bản

Thứ Năm, 31/05/2018, 14:52
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản, chiều 31-5 Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến dự Hội nghị xúc tiến đầu tư do Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp cùng Tổ chức xúc tiến đầu tư Nhật Bản đồng phối hợp tổ chức.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại (JETRO)- ông Hiroyuki Is hige bày tỏ niềm vui được đồng tổ chức Hội nghị này và điểm qua những hợp tác thành công Nhật Bản và Việt Nam đã thực hiện, nhất là nỗ lực đi đến thành công trong việc ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình dương - CPTPP.

Thứ trưởng Bộ Kinh tế -Thương mại Nhật Bản phát biểu chào mừng, đã đánh giá cao sự phát triển ổn định của kinh tế Việt Nam; Việt Nam đang là đối tác kinh tế hấp dẫn đối với doanh nghiệp Nhật Bản. 

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ niềm vui khi đến dự Hội nghị nhân chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam - Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao.  

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Chủ tịch Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) Hiroyuki Ishige. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN.

Chủ tịch nước cho rằng, sự kiện này là cơ hội quý báu để cộng đồng doanh nghiệp 2 nước cùng nhìn lại những kết quả hợp tác đầu tư đã đạt được, chia sẻ tầm nhìn, triển vọng và những cơ hội hợp tác phát triển trong giai đoạn mới, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á trong thời gian tới.

Thay mặt nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước cảm ơn tình cảm hữu nghị chân thành và gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hai nước. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản có rất nhiều nét tương đồng về văn hóa lịch sử. Hơn 400 trước đây, quan hệ thương mại giữa hai nước đã có giai đoạn phát triển sôi động khi hàng nghìn thương nhân Nhật Bản đến Việt Nam, hình thành khu phố thương mại sầm uất mang đậm nét văn hóa Nhật Bản tại Hội An mà ngày nay đã trở thành di sản văn hóa thế giới và cũng là điểm đến du lịch hấp dẫn. Ngày nay, nhiều thế hệ Việt Nam học tập làm việc tại Nhật Bản đang có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Đây cũng là cầu nối liên kết, hợp tác đầu tư, giao lưu kinh tế giữa 2 nước. 

Ngày 21-9-1973, Việt Nam và Nhật Bản đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra trang sử mới trong quan hệ giữa 2 nước ngày càng phát triển mạnh mẽ và sâu rộng trên các lĩnh vực, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân 2 nước, 2 bên đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ở khu vực châu Á. 

Nhà nước và nhân dân Việt Nam hết sức vui mừng trước những thành tựu trên các lĩnh vưc mà nhà nước và nhân dân Nhật Bản giành được được trong thời gian qua, và bày tỏ sự biết ơn sâu sắc về sự hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực có hiệu quả mà Nhật Bản đã giành cho Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong suốt gần nửa thế kỷ vừa qua. Cho tới nay Nhật Bản là đối tác hỗ trợ phát triển chính thứ lớn nhất của Việt Nam với 30 tỉ USD cam kết, đã góp phần quan trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, xóa đói giảm nghèo... 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam.

Các công trình và dự án được xây dựng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản được triển khai thực hiện và đi vào hoạt động có hiệu quả trên khắp các vùng miền của Việt Nam, điển hình là nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài, Cảng biển quốc tế Lạch Huyện và đường cao tốc Hồ Chí Minh - Trung Lương...

Về đầu tư, Nhật Bản luôn là đối tác hàng đầu với hơn 3.700 dự án với tổng vốn đăng ký 50 tỉ USD Mỹ. Trong đó riêng năm 2018, tổng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đạt mức kỷ lục với gần 10 tỉ USD, đưa Nhật Bản trở lại vị thế là đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam. 

Cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản trong đó có các tập đoàn hàng đầu không chỉ giữ vai trò tiên phong trong hợp tác đầu tư mà còn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa 2 nước đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Chúng tôi đánh giá cao ý thức trách nhiệm, công nghệ hiện đại, quản trị tiên tiến, văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản trong quá trình đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Về hợp tác thương mại, quan hệ thương mại  song phương luôn tăng trưởng ổn định, lành mạnh, cân bằng với quy mô thương mại hai chiều năm 2017 đạt trên 33 tỉ USD. Việt Nam và Nhật Bản là những đối tác thương mại quan trọng của nhau với các mặt hàng mang tính bổ trợ, bổ sung cao. Giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa liên tục có những bước hát triển mạnh mẽ. Năm 2017 đã có trên 30 vạn lượng người Việt Nam thăm Nhật Bản, có gần 800.000 lượt người Nhật Bản tới Việt Nam và 300.000 lượt người Việt Nam đến Nhật Bản. 

Trong 30 năm qua Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế, tiếp nhận đầu tư nước ngoài, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, ổn định kinh tế vĩ mô và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử về phát triển kinh tế xã hội. Việt Nam đã trở thành nền kinh tế năng động với GDP đạt khoảng 230 tỉ USD, quy mô thương mại đạt trên 420 tỉ. Với dân số tiệm cận 100 triệu người, Việt Nam là thị trường có sức mua tăng trưởng nhanh cùng với sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, là nền kinh tế mở, đang tiếp tục chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với các hiệp định thương mại tự do thế hệ. 

Đến nay, Việt Nam đã thu hút 322 tỉ USD từ 126 quốc gia và vùng lãnh thổ vào các lĩnh vực kinh tế trọng yếu như công nghiệp chế tạo, phát triển hạ tầng, xây dựng, bất động sản, năng lượng, du lịch, phân phối. Nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu đang đầu tư, kinh doanh doanh có hiệu quả và đã trở thành bộ phận cấu thành quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Chủ tịch JETRO Hiroyuki Ishige. 

Chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân từ 6,5-7% năm; đến 2020, quy mô GDP đạt 320-350 tỉ, GDP đầu người đạt khoảng 3.200 - 3.500 USD, quy mô thương mại 600 tỉ USD. Để đạt được mục tiêu trên Việt Nam đang triển khai đồng bộ chính sách phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa trên tăng năng suất và đổi mới sáng tạo; chủ động tiếp cận nhằm tận dụng mọi cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển kinh tế trí thức; kết hợp hài hòa khu vực kinh tế trong nước với khu vực đầu tư nước ngoài; nâng cao năng lực cạnh tranh; hướng tới phát triển bền vững. 

Việt Nam và Nhật Bản là 2 nền kinh tế có độ mở cao, hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, cơ cấu kinh tế có tính bổ trợ lẫn nhau. Hai nước đều là thành viên chủ chốt, đã tích cực thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên thái bình dương (CPTPP) với kỳ vọng mở ra cơ hội và không gian hợp tác mới khi có hiệu lực.

Hướng tới mục tiêu xây dựng quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại Việt Nam có nhu cầu lớn về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, năng lượng hiện đại, đồng bộ; hệ thồng giáo dục tiên tiến... Đây là lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh, là thời cơ quý báu để doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản mở rộng đầu tư nhất là các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, nông nghiệp hiện đại, công nghệ thông tin, đô thị thông minh, dịch vụ, hạ tầng, tài chính, ngân hàng, khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo cũng tham gia đối tác chiến lược cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Nhật Bản, dựa trên sự chia sẻ những lợi ích địa chính trị kinh tế chiến lược, quan hệ hữu nghị, tin cậy đã được vun đắp trong 45 năm qua. Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước; luôn coi cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản là đối tác chiến lược hàng đầu trong tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới, sáng tạo, phát triển nền kinh tế tri thức, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Mối quan hệ gắn bó giữa 2 nước Việt Nam - Nhật Bản là nền tảng quan trọng đem đến sự phát triển phồn vinh, thịnh vượng cho cả hai quốc gia, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới. Nhà nước Việt Nam cam kết tạo dựng môi trường kinh doanh đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư Nhật Bản, đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng như thông lệ quốctế trong giai đoạn phát triển mới. Cánh cửa luôn mở rộng chào đón doanh nghiệp , doanh nhân Nhật Bản tại Việt Nam.

Kim Thẩm
.
.