Đại biểu Quốc hội hiến kế để không lặp lại thảm cảnh mùa mưa bão

Thứ Ba, 03/11/2020, 10:27
ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, nhìn lại cơn đại hồng thủy vừa qua khi miền Trung phải liên tiếp oằn mình hứng chịu thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên và hậu quả vô cùng to lớn cả trước mắt và lâu dài, cần định vị cách tiếp cận mới trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. 


Sáng 3-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020; Kế hoạch phát triển KTXH, dự toán NSNN, phương án phân bổ Ngân sách Trung ương năm 2021; Kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: phát triển KTXH, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn...

Thay mặt Đảng bộ và chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Nam, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phan Thái Bình (Quảng Nam) gửi lời cảm ơn chân thành nhất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, đồng bào và nhân dân và CBCS cả nước, các cơ quan thông tấn báo chí thời gian qua đã quan tâm, động viên, chia sẻ kịp thời với các tỉnh miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng, tham gia khắc phục và tìm kiếm, cứu nạn.

Từ thực tiễn của Quảng Nam sau khi gặp sự cố thiên tai rất lớn, ĐBQH Phan Thái Bình đề xuất, sắp tới khi triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nên có cơ chế hỗ trợ, trợ cấp gạo cho người dân, để nhân dân nơi đây khỏi trồng lúa rẫy, khuyến khích nhân dân giữ rẫy để làm rừng. "Nguồn lực của chúng ta làm được, sau đó có thể tạo sinh kế tại chỗ, giải quyết việc làm để nhân dân yên tâm", đại biểu nói.

ĐBQH Phan Thái Bình (Quảng Nam).

Bên cạnh đó, có cơ chế chính sách để khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa. Đặc biệt quan tâm các dự án hồ thủy điện, thủy lợi...; coi lại việc trồng rừng thay thế, đảm bảo nguyên tắc về vị trí trồng, trồng rừng phòng hộ, loại cây trồng. Nếu không khi thu hồi diện tích rừng khu vực này đảm bảo chức năng phòng hộ nhưng trồng lại ở vị trí khác lại không đảm bảo.

"Về sạt lở đất, nên khuyến khích và khuyến cáo người dân làm nhà sàn ở vùng sạt lở, bởi thực tiễn vừa qua ở những nơi người dân làm nhà sàn thì bị sạt, bị đẩy đi chứ không bị lấp. Thứ hai, cần làm nhà chống lũ vùng trũng, và thứ ba làm hầm trú bão ở vùng cao điểm", ĐBQH Phan Thái Bình đề nghị.

Đại biểu cũng đề xuất rà soát lại toàn bộ các cơ sở giáo dục trên cả nước, đặc biệt vùng thường xuyên xảy ra thiên tia, bão lũ. Vừa qua thực tiễn cho thấy, nơi nào đông dân cư, nhiều học sinh thì dứt khoát có điểm trường, và khi di dời nhân dân tránh, trú bão thì chủ yếu vào các trụ sở cơ quan nhà nước, trong đó chủ yếu các trường học, vì trường học phân bố đều ở các khu dân cư.

Do đó, theo ông, cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng kiên cố những nơi này, vì vừa qua ở Quảng Nam có trên 50% trường học bị tốc mái do mưa bão. Cần đổ bê tông kiên cố để tránh tốc mái, vừa đảm bảo sử dụng lâu dài, an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa hữu dụng để tránh, trú bão cho nhân dân khi xảy ra mưa bão.

Cùng với đó là rà soát tất cả hệ thống hồ đập, đặc biệt là các dự án thủy điện vừa và nhỏ trong phạm vi cả nước để xem tác động đối với môi trường, thiên tai như thế nào. Từ đó có giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập, có thông tin rộng rãi cho nhân dân yên tâm...

ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, nhìn lại cơn đại hồng thủy vừa qua khi miền Trung phải liên tiếp oằn mình hứng chịu thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên và hậu quả vô cùng to lớn cả trước mắt và lâu dài, cần định vị cách tiếp cận mới trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. 

ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị).

Lý giải về bất thường về bão lũ vừa qua có các nguyên nhân thiên tai rằng: do biến đổi khí hậu, hậu quả của hình thái thời tiết phức tạp, nắng hạn lâu ngày, đất bị khô gặp mưa lớn kéo dài, lượng mưa kỷ lục, độ ẩm, đất dốc... nhưng có thể nhìn ra là chúng ta đã mất quá nhiều rừng tự nhiên, tấm lá chắn chắc chắn, an toàn của mẹ thiên nhiên trước thiên tai ngày càng dữ dội.

"Câu chuyện hủy hoại rừng không còn là chuyện mới song nhìn lại lũ lụt, sạt lở miền Trung càng thấm thía cái giá phải trả của sự tàn phá này. Trong hơn 20 năm qua, các dự án thủy điện vừa và nhỏ ồ ạt được xây dựng, cùng với sinh kế của người dân và nhu cầu phát triển hạ tầng, hàng chục ha rừng đầu nguồn mất đi, diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, ngày càng giảm đi. Phần lớn vùng bị lũ dữ, sạt lở đất ngoài yếu tố về địa chất thì phần lớn xảy ra ở nơi đồi núi trọc, rừng nghèo, tỷ lệ rừng tự nhiên rất thấp", ĐBQH tỉnh Quảng Trị nêu quan điểm.

Ông cho rằng, mất rừng, mất đất tất yếu mất khả năng điều tiết nước ở thượng nguồn là nguyên nhân khiến lũ quét, sạt lở đất, cường nước dâng lên cao hơn, lũ đi nhanh hơn và tai họa khủng khiếp hơn. Thủy điện không làm ra lũ nhưng thủy điện làm mất rừng và là tác nhân làm lũ dữ hơn, tàn phá nặng nề hơn.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh, sẽ quá muộn nếu Chính phủ không kiên quyết chỉ đạo rà soát, đánh giá đầy đủ thực trạng về chất lượng rừng, độ che phủ, tình hình phát triển các dự án thủy điện nhỏ, nhất là khu vực miền Trung - Tây Nguyên để có các giải pháp căn cơ, lâu dài về khả năng chống chịu mưa lũ. Ông đề nghị Quốc tăng cường giám sát tối cao, có các quyết sách mạnh mẽ về mục tiêu, giải pháp; kiên quyết dừng, loại bỏ các dự án, công trình không hiệu quả, không bảo đảm an toàn, làm ảnh hưởng đến rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên...

Đồng thời cần nhìn lại chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho vùng chịu nhiều tác động thiên tai. Phải có sự ứng xử chủ động, sáng tạo, tăng cường khả năng thích nghi, chống chịu thiên tai; giải quyết cho được vấn đề phát triển nhanh nhưng phải bền vững. Nâng cao năng lực dự báo các loại hình thiên tai; xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc phòng chống thiên tai nội bộ; xây dựng mô hình gian nhà tránh lũ... để không lặp lại thảm cảnh mỗi mùa mưa bão đến...

Quỳnh Vinh
.
.