“Đồng tiền bát gạo” của dân, không thể buông lỏng

Thứ Năm, 20/09/2018, 14:17

“Nguyên tắc ngân sách là phải được quản lý, giám sát chặt chẽ, đây là “đồng tiền bát gạo” của dân nên không thể buông lỏng. Thủ tục tránh rườm rà, không cần thiết nhưng không buông lỏng” – Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.



Sáng nay, 20-9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục Phiên họp thứ 27 thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Từng tỉnh “chạy” cho được tên công trình nhưng vốn không thấy đâu

Theo dự thảo Luật do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày, ở Điều 6 về phân loại đầu tư công bổ sung khoản 2:“Căn cứ mức độ quan trọng và quy mô, dự án đầu tư công được phân chia thành các dự án thành phần, bao gồm thành phần chuẩn bị đầu tư, đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thảo luận tại phiên họp

Thẩm tra dự án Luật, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách (UBTCNS) cho rằng, quy định này chưa rõ ràng, chưa xác định thế nào là quan trọng và mức độ quy mô để được tách thành các dự án thành phần.

“Đề nghị quy định rõ điều kiện để phân chia thành dự án thành phần để tránh trường hợp giải tỏa, đền bù xong không đủ nguồn lực để thực hiện dự án, hoặc thay đổi thành dự án khác, dẫn đến tình trạng “dự án treo”, lãng phí nguồn lực và gây bức xúc trong nhân dân”, Chủ nhiệm UBTCNS Nguyễn Đức Hải nêu.

Để giải quyết khó khăn trong triển khai các thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, khắc phục tình trạng “con gà, quả trứng” như hiện nay, UBTCNS đề nghị quy định điều kiện bố trí kế hoạch vốn hằng năm cho công tác chuẩn bị đầu tư không cần quyết định phê duyệt dự án, chỉ cần có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn và được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư.

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thống nhất quan điểm cái gì vướng mắc, khó khăn trong thực hiện đầu tư công thì sửa. Như khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; một số quy định trong Luật Đầu tư công quá cứng nhắc, hoặc chưa đầy đủ; tồn tại một số điểm chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư công với các luật khác...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

“Luật Đầu tư công có khó khăn, nhưng bất cập ở luật chỉ một phần thôi, mà khâu tổ chức chưa nghiêm là nhiều hơn. Vì Luật đã luật hoá nhiều điểm hợp lý, khắc phục tình trạng ghi tên công trình rất nhiều nhưng không có vốn, từng tỉnh cứ “chạy” cho được cái tên công trình nhưng vốn không thấy đâu. Cái này phù hợp quan điểm của thế giới và của Trung ương” – Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Theo Chủ tịch Quốc hội, cái nào cứng nhắc thì rà lại, chưa đồng bộ với các luật khác thì phải sửa đổi cho phù hợp. Nhưng có những cái do công tác điều hành. “Có những công trình, dự án phê duyệt rồi nhưng Chính phủ chưa giao vốn. Vốn ít, không có tiền cân đối thì đâu phải do luật?” – bà nêu.

Tăng tổng mức đầu tư lên 35.000 tỷ phải xin ý kiến Quốc hội

Dự thảo Luật cũng đề xuất điều chỉnh tiêu chí tổng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng lên 35.000 tỷ đồng, phù hợp với quy định trước đây tại Nghị quyết số 49/2010/QH12 của Quốc hội về quy mô dự án.

Chủ nhiệm UBTCNS cho rằng, dự thảo Luật quy định như vậy nhưng Tờ trình của Chính phủ mới chỉ nêu mức này tương đương 0,6% GDP mà chưa đưa ra cơ sở điều chỉnh, đánh giá tác động. Theo ông, việc sửa đổi này là chưa đủ căn cứ vì việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư chỉ áp dụng trong trường hợp có biến động lớn về chỉ số giá tiêu dùng. Trong khi đó 3 năm qua chỉ số giá tiêu dùng không biến động lớn.

Chủ nhiệm UBTCNS Nguyễn Đức Hải

Bên cạnh đó, quy định hiện hành về xác định mức vốn của Dự án quan trọng quốc gia là từ 10.000 tỷ đồng trở lên đã được tính toán, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, với khả năng cân đối nguồn vốn của Ngân sách nhà nước. Số dự án có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư công thời gian qua là rất ít, việc triển khai quy định này không phát sinh vướng mắc về mức trần vốn của dự án.

“Việc quy định mức 35.000 tỷ đồng khá lớn so với số vốn đầu tư hàng năm của Ngân sách nhà nước, khoảng 10%” – Chủ nhiệm UBTCNS nhấn mạnh.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, tiêu chí tổng mức đầu tư phải theo chỉ số giá tiêu dùng, chiếu trên thực tế 3 năm qua thì không có cơ sở thực tiễn để tăng. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bổ sung: “Theo Hiến pháp, tất cả các khoản chi phải có dự toán, và tất cả dự toán đều phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, và cấp có thẩm quyền ở đây là Quốc hội”.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đồng quan điểm, cho rằng về nguyên tắc chi tiền của dân thì phải xin phép cơ quan dân cử. Việc căn cứ vào GDP để nâng tiêu chí dự án phải trình Quốc hội, UBTVQH là chưa hợp lý.

Báo cáo thẩm tra cũng cho biết, tính cụ thể của dự thảo chưa cao, trong số 106 điều luật thì có đến gần 30 điều luật quy định giao Chính phủ hướng dẫn, trong đó nhiều nội dung quan trọng không thuộc thẩm quyền hướng dẫn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Về các quy định liên quan đến thẩm quyền Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, HĐND, UBND đã được Chính phủ chỉnh sửa theo hướng tăng cường phân cấp; thu hẹp các nội dung cần trình Quốc hội quyết định so với Luật hiện hành; không quy định thẩm quyền của UBTVQH, điều này là chưa phù hợp với Luật NSNN, Nghị quyết 26 của Quốc hội và một số văn bản liên quan.

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói: “Chắc có sự hiểu nhầm, vì trong luật không có điều khoản nào giảm thẩm quyền của UBTVQH cả. Tinh thần là không có”.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm UBTCNS lập luận, dự thảo không có chữ nào ghi bỏ thầm quyền nhưng có những quy trình, thủ tục được nêu trong luật cũ mà dự thảo luật mới không đề cập thì rõ ràng không còn thẩm quyền.

Ngân sách là “đồng tiền, bát gạo” của dân, không thể buông lỏng

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lo ngại các đề xuất sửa vẫn chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi, thậm chí nhiều quy định thiếu tính cụ thể, sợ rằng sửa rồi sẽ lại gây khó khăn hơn trong triển khai thực hiện.

“Một số quy định chưa phù hợp với quy định hiện hành, ví dụ chuyển thẩm quyền của UBTVQH sang Chính phủ, chuyển thẩm quyền của Chính phủ sang Thủ tướng Chính phủ”, bà nêu.

Toàn cảnh phiên họp

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu chấp hành đúng kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện đầu tư công và các hệ thống pháp luật khác, đảm bảo những vấn đề cốt lõi, trách nhiệm của các bộ ngành địa phương, tránh thất thoát, đầu tư dàn trải, lãng phí.

“Một số nội dung cụ thể theo tôi cần nghiên cứu, sửa đổi là: Bổ sung chế tài trong việc lập, tổng hợp, giao kế hoạch đầu tư không đúng thời gian theo quy định pháp luật. Nghiêm cấm việc giao kế hoạch chậm, giao kế hoạch nhiều đợt ảnh hưởng việc triển khai, dẫn đến tăng chi phí vay, tăng chi phí trả nợ hàng năm”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý.

Kết lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ rà soát thật kỹ để sửa những những gì thực sự vướng mắc, đã được đánh giá tác động chứ không sửa toàn diện dự án Luật. Bởi Luật mới được 3 năm, giờ sửa có khi phá vỡ toàn bộ kế hoạch đầu tư công trung hạn đã đề ra.

“Nguyên tắc ngân sách là phải được quản lý, giám sát chặt chẽ, đây là “đồng tiền bát gạo” của dân nên không thể buông lỏng. Thủ tục tránh rườm rà, không cần thiết nhưng không buông lỏng” – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.


Quỳnh Vinh
.
.