Hà Nội trong dòng chảy “liêm chính, kiến tạo và phục vụ”

Thứ Ba, 21/02/2017, 07:42
Sau khi nhậm chức (tháng 4-2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết xây dựng tân Chính phủ thực sự là chính phủ liêm chính, kiến tạo và phục vụ.

Gần 1 năm qua, nhiều bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực thực hiện quyết tâm đó, trọng tâm là chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; cải cách hành chính, phục vụ tốt công dân; đồng thời tiết kiệm chi tiêu công, cắt giảm đầu tư vào những lĩnh vực không cần thiết… Trong “dòng chảy” đó, Hà Nội là một điển hình với những việc làm cụ thể, hợp lòng dân và hiệu quả.

Thủ đô là bộ mặt của đất nước nên ai cũng muốn Hà Nội khang trang, sạch đẹp. Vì thế, đương nhiên phải đầu tư nhiều kinh phí cho việc trang trí, trồng, chăm sóc cây xanh, cây và hoa cảnh… Biết vậy nhưng người dân cả nước không khỏi giật mình khi Chủ tịch  UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thẳng thắn nêu con số: “Chi phí duy tu, duy trì cây xanh trên địa bàn thành phố năm 2011 là 215 tỷ đồng, đến năm 2016 dự toán lên đến 886 tỷ đồng”! Số tiền này xấp xỉ 44 triệu USD – một con số rất lớn trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, bội chi ngân sách và nợ công đều là vấn đề nan giải.

Đi trên đường phố Hà Nội (thời điểm trước tháng 9-2016), chúng ta ghi nhận nhiều tuyến phố đẹp đẽ cờ hoa cây cảnh, song cũng nhiều người tự vấn, những tuyến đường lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Lê Văn Lương, Nguyễn Chí Thanh… và cả Đại lộ Thăng Long, đầu tư cho cây, hoa cảnh sao mà nhiều thế, lãng phí thế.

Đơn cử, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn chậu cảnh (chậu nhựa trồng hoa giấy) đặt ở nhiều điểm tại nút giao thông Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển phơi mình trong ánh nắng chói chang và mặt đường nóng bỏng; thậm chí hầu hết vài trăm mét dọc đường hầm chui qua ngã tư này cũng đặt vô vàn chậu hoa (chỉ mới được dỡ bỏ cuối tháng 1-2017). Nào là xe tưới nước, nhân công cắt tỉa, thay mới hoa… sẽ ngốn một khoản tiền không nhỏ. Dọc tuyến đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng và nhiều tuyến phố khác, chỉ một đoạn ngắn đã thấy hằng ngày nhiều nhân công phải cắt tỉa, chau chuốt cho nhưng luống hoa, cây cảnh.

Đại lộ Thăng Long cũng vậy, con số thống kê cho thấy mỗi năm Hà Nội chi tới 53 tỷ đồng (khoảng 2,4 triệu USD) cho việc cắt tỉa cỏ, cây trên tuyến đường dài 24km này… Rõ ràng, Hà Nội “đẹp thì có đẹp nhưng mà sao đau” - đau vì số tiền quá lớn cho việc làm đẹp bằng cây, hoa cảnh. Đó là sự lãng phí và không cần thiết.

Cương quyết và dũng cảm, lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định chi phí như trên là không hợp lý và yêu cầu tính lại đơn giá định mức. Kết quả là, riêng năm 2016, tiền cắt cỏ, chăm cây giảm từ 886 tỷ còn 178 tỷ đồng, tiết kiệm 708 tỷ đồng. Như vậy, 708 tỷ đồng (khoảng 34 triệu USD) tiết kiệm được là một con số rất lớn, có thể xây được vài ngôi trường khang trang hoặc một bệnh viện cỡ trung bình! Hơn nữa, một khoản kinh phí lớn của ngân sách sẽ được đầu tư vào các lĩnh vực hiệu quả, thiết thực hơn. Bởi vậy mà người dân Thủ đô và cả nước chắc chắn đều đồng tình với quyết định dũng cảm của của lãnh đạo Hà Nội.

Cũng trong thời gian qua, các ban, ngành, cơ quan của Hà Nội đều có nhiều chuyển biến trong xu thế quyết tâm của Đảng và Chính phủ nhằm đấu tranh hiệu quả với tham nhũng, tiêu cực, cải cách hành chính… Hiệu ứng từ những chỉ đạo trực tiếp và nóng hổi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với những vụ việc cụ thể, nhức nhối như các công trình ngàn tỷ đắp chiếu, vụ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, vụ tài sản “khủng” của một Thứ trưởng Bộ Công Thương… đã tác động không nhỏ tới sự chuyển động của Hà Nội.

Các cấp lãnh đạo Hà Nội đã sâu sát, cụ thể trong chỉ đạo những vấn đề người dân, dư luận đang quan tâm, bức xúc. Một “ông tây dọn rác”, lãnh đạo phường thì có ý coi thường khi cho đây là việc làm tự phát và không xin ý kiến chính quyền địa phương, trong khi dư luận hoan nghênh. Lãnh đạo thành phố lập tức xem xét và biểu dương “ông tây” này và xử lí vị lãnh đạo phường.

Rồi chuyện một hiệu trưởng lấp liếm việc để xảy ra tai nạn trong trường làm gãy chân học sinh, nếu cứ để cấp dưới xem xét, đề xuất xử lí theo “quy trình” thì vụ việc rất dễ bị chìm xuồng. Dư luận “chưa kịp” bức xúc thì lãnh đạo TP Hà Nội đã chỉ đạo Công an và ngành Giáo dục khẩn trương làm rõ, quyết tâm xử lí các cá nhân, tập thể liên quan.

Đặc biệt, lãnh đạo TP Hà Nội tiếp tục khẳng định quyết tâm và có nhiều chỉ đạo quyết liệt nhằm khắc phục những bất cập trong quản lí đô thị, nhất là giao thông, xây dựng và đầu tư công. Như vấn đề “trường chất lượng cao”,  trao đổi với báo chí  ngày 18-2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng những trường “chất lượng cao” ở Hà Nội đào tạo không theo tiêu chuẩn Việt Nam hay quốc tế và thành phố đã mạnh dạn xóa việc đầu tư cho những trường được gọi là “chất lượng cao” này.

Nhìn lại thời gian qua, cùng với sự chuyển động tích cực bộ máy công quyền trong cả nước, Hà Nội đã làm được nhiều việc hợp lòng dân, hợp quy luật phát triển của cuộc sống và mang lại hiệu quả rõ rệt. Sẽ còn nhiều việc, nhiều lĩnh vực cần được đổi mới, cải cách nhưng kết quả nêu trên rõ ràng nằm trong dòng chảy “Xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ và liêm chính”.

Đó cũng là phương châm, là tâm nguyện của Bác Hồ: “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh”.

Trần Duy Hiển
.
.