Hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng

Thứ Hai, 19/01/2015, 09:18
Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được quy định rõ tại các Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013. Tại Điều 4, Hiến pháp 1980 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam, được vũ trang bằng học thuyết Mác - Lênin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội; là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Đảng tồn tại và phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Các tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp”. Điều 4, Hiến pháp 1992 tái khẳng định nội dung này. Điều 4 của Hiến pháp năm 2013 tiếp tục kế thừa Hiến pháp năm 1992, khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời đã bổ sung quy định về bản chất của Đảng.

Điều 4 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”. Đồng thời, bổ sung vào Điều 4 quy định về trách nhiệm của Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Việc tiếp tục hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng là cần thiết bởi vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp đấu tranh giành chính quyền, xây dựng và phát triển của đất nước đều đã được khẳng định cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng chính trị duy nhất của nước CHXHCN Việt Nam, lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội. Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập với 85 năm xây dựng và trưởng thành đã có công lao to lớn trong việc lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đem lại hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất cho đất nước và tiếp tục lãnh đạo công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Việc nhân dân ta tin tưởng vào Đảng Cộng sản khẳng định sự lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp là một việc làm đúng đắn và hoàn toàn phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam, thể hiện ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân Việt Nam yêu nước, yêu hòa bình. Quy định về Đảng trong Hiến pháp nhằm khẳng định tính chính đáng của Đảng trong việc lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội, đồng thời cũng là cơ sở ràng buộc trách nhiệm pháp lý đối với Đảng.

Quy định này của Hiến pháp không chỉ xác định vai trò lãnh đạo của Đảng mà còn thể hiện trách nhiệm của Đảng đối với đất nước, với nhân dân, nhắc nhở Đảng phải luôn trung thành với lợi ích của giai cấp, của dân tộc, phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phụng sự nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân.

Quá trình lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp mới, có một số ý kiến đề nghị sửa lại một số từ, ngữ trong Điều 4 như bổ sung từ “duy nhất” trước cụm từ “lãnh đạo Nhà nước”, bỏ liên từ “đồng thời”, bỏ cụm từ “là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam”, thay cụm từ “Nhà nước và xã hội” bằng cụm từ “cách mạng”, bỏ đoạn “lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”, khẳng định Đảng ta là đảng cầm quyền...

Về các ý kiến này, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nhận thấy, Hiến pháp năm 1980 quy định Đảng là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội do bối cảnh lúc đó nước ta ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam còn có Đảng dân chủ và Đảng xã hội. Đến năm 1992, do không còn Đảng dân chủ và Đảng xã hội, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) chỉ quy định tại Điều 4 “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Trong điều kiện một đảng lãnh đạo ở Việt Nam thì quy định Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội đã thể hiện ý Đảng ta là đảng cầm quyền. Vì vậy, không cần thiết phải quy định những nội dung này trong Hiến pháp. Mặt khác, nội dung quy định về bản chất giai cấp, nền tảng tư tưởng cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng đã được nghiên cứu, thảo luận một cách kỹ lưỡng và được thể hiện trong Cương lĩnh cũng như trong Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, việc không thay đổi về từ ngữ sử dụng trong khoản này của Điều 4, Hiến pháp 2013 là để bảo đảm kế thừa quy định của Hiến pháp trước đây và cách thể hiện các nội dung này trong Văn kiện của Đảng.

Trần Cẩm Tú
.
.