Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4

Thứ Sáu, 14/04/2017, 09:33
Ngày 13-4, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 5 cho ý kiến về dự kiến điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2017 và dự kiến chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2018.

Tại phiên họp này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Thị Dung cho biết: Dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, dự kiến diễn ra vào tháng 11, và thông qua vào kỳ họp thứ 5.

Dự án này đã được Quốc hội đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, nhưng được đưa ra khỏi chương trình theo đề xuất của Chính phủ để chờ chủ trương, kết luận của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X và có thêm thời gian nghiên cứu, chỉnh lý, bảo đảm chất lượng dự án. Đến nay, Chính phủ cho biết: Dự án Luật này đã được điều chỉnh hoàn thiện đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội xem xét.

Rút kinh nghiệm về công tác làm luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, có thời điểm chúng ta quá ôm đồm, rút vào đưa ra nhiều dự án luật, trong đó có phần nguyên nhân chủ quan là chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, từ khâu lập chương trình, đến soạn thảo, xin ý kiến, thẩm tra. Do đó, cần khắc phục tồn tại yếu kém trước đây của công tác lập pháp.

“Chưa nói đến nguồn lực chung của đất nước, khi đã cho ra đời 1 dự án luật, phải xem xét việc có đảm bảo về con người, về ngân sách để đưa chính sách vào cuộc sống hay không? Rất nhiều chính sách chúng ta chậm đưa vào thực tế, ví như hỗ trợ gia đình người có công cải tạo nhà cũ, nát đến bây giờ chúng ta chưa làm được, dù đã 3, 4 năm rồi. Thà ít mà chất lượng còn hơn nhiều mà chưa làm được” – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Quảng Nam) cũng cho rằng: Chính phủ đang có áp lực, nợ văn bản quá nhiều nên khi trình các dự án Luật phân bố thời gian không đều, lúc thì thong thả, lúc dồn ép, nên khâu chuẩn bị đầu tư nghiên cứu chưa kỹ càng, nhiều nội dung thay đổi lớn. Quốc hội cũng nhắc nhở về những dự án luật còn “nợ”, đang được dư luận hết sức quan tâm, đề nghị Chính phủ sớm trình trong thời gian tới.

V.H.
.
.