Nhất thể hóa - để “dồn gánh” không “nặng vai”!

Thứ Bảy, 28/10/2017, 07:09
Ngày 25-10-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. 


Nhiều vấn đề về tình hình, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết, trong đó có giải pháp nhất thể hóa một số chức danh chính quyền và chức danh đảng như: Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch HĐND các cấp; thực hiện bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã ở những nơi có đủ điều kiện. Thực hiện thí điểm trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ ở cấp tỉnh, cấp huyện những nơi đủ điều kiện...

Trong mô hình trên, việc kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất một số cơ quan của Đảng và Nhà nước như thanh tra với kiểm toán, ban tổ chức với sở, phòng nội vụ địa phương; thí điểm trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch mặt trận đang được nghiên cứu và mới thí điểm.

Tuy nhiên, riêng việc nhất thể hóa mô hình bí thư kiêm chủ tịch HĐND, bí thư kiêm chủ tịch UBND đã áp dụng ở nhiều địa phương trong thời gian qua. Vấn đề đặt ra: Làm sao khi nhất thể hóa, công việc được “dồn gánh” nhưng không “nặng vai”, vẫn vận hành thông suốt?

Mô hình thí điểm “bí thư kiêm chủ tịch” là chủ trương của Đảng theo Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 2-2-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Trung ương, qua thí điểm cho thấy, khi bí thư kiêm nhiệm chủ tịch, các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở được thực hiện đồng bộ, linh hoạt, kịp thời hơn, tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với chương trình hành động và việc triển khai tổ chức thực hiện của UBND.

Bên cạnh đó, vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và UBND tập trung vào một người đã tạo ra sự thống nhất, khắc phục được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm, mất đoàn kết giữa bí thư cấp ủy và chủ tịch UBND. Bộ máy gọn nhẹ, biên chế được tinh giản cũng tiết kiệm được một phần ngân sách, phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Tuy nhiên, khó khăn trong quá trình thực hiện thí điểm nhất thể hóa là do chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức đảng, HĐND và UBND cấp xã hiện nay được quy định khá rộng, chưa phù hợp với thực tế và khả năng tổ chức thực hiện, công tác cải cách hành chính còn nhiều hạn chế. Vì vậy dễ dẫn đến tình trạng độc đoán, chuyên quyền, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong trong lãnh đạo, điều hành công việc.

Ngay khi bắt đầu triển khai thí điểm năm 2009, nhiều ý kiến đã cho rằng, khi đã có đầy đủ quyền lực nhà nước và quyền lực của Đảng trong tay, người đứng đầu cấp xã dễ trở thành “vua con” vì được trao quyền lực quá lớn và rất khó kiểm soát. Cán bộ đảm nhận hai chức danh này ở nhiều nơi còn lúng túng, chưa phân định rõ khi nào ở “vai bí thư” với tư cách là người đứng đầu cấp ủy giải quyết công việc theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, khi nào ở “vai chủ tịch” ủy ban? Hơn nữa, việc lạm quyền, kéo bè cánh, đưa người thân, họ hàng vào bộ máy vốn đã phức tạp, nay được nhất thể hóa, họ càng có dịp lộng hành. Khi đó, bộ máy hiển nhiên suy yếu.

Nhưng không thể vì những vướng mắc mà chúng ta “né” việc nghiên cứu, thực hiện. Vấn đề là đang trong giai đoạn thí điểm thì hành lang pháp lý còn hổng, còn khi thực hiện thống nhất, những lỗ hổng này phải được khắc phục.

Thực tế, nhiều địa phương đã chứng tỏ tính ưu việt của cơ chế hợp nhất này. Mới đây, qua giám sát, Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, Quảng Ninh là địa phương đi tiên phong trong thực hiện nhất thể hóa một số chức danh cấp ủy và chính quyền nhưng cần thiết phải đánh giá về ưu điểm, hạn chế khi kiêm nhiệm thế nào.

Hiện, Quảng Ninh đã thực hiện nhất thể hóa một số chức danh cấp ủy với chính quyền, bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch HĐND cấp huyện tại 7/14 nơi, đạt 50%; bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND cấp huyện tại 2/14 nơi, chiếm 14,35. Cùng với đó, tỉnh thực hiện trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch MTTQ tại 11/14 huyện, chiếm 78,6%. Trưởng (phó) ban tuyên giáo kiêm giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị tại 13/14 nơi. Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra kiêm chánh thanh tra, trưởng ban tổ chức kiêm trưởng phòng nội vụ được thực hiện tại 8/14 nơi, đạt 57%...

Việc thực hiện nhất thể hóa chức danh đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện nghiêm quy chế, cơ chế kiểm soát quyền lực và kỷ luật kỷ cương.

Nghị quyết Trung ương 6 ghi rõ, việc nhất thể hóa thực hiện ở những nơi “có điều kiện”. Nguyên Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, điều kiện ở đây trước hết phải là về con người, bí thư kiêm chủ tịch UBND, tức là hợp nhất giữa Đảng với hành pháp thì công việc rất nhiều, đòi hỏi con người phải có đủ năng lực thực hiện, không thì rất khó. Chọn người có đủ năng lực đảm trách thì việc dồn việc không dẫn tới “nặng gánh”, đảm bảo thông suốt. Điều kiện thứ hai là nơi đó cần có sự đồng thuận và nhất trí cao trong cấp uỷ và chính quyền, trong đội ngũ cán bộ, thống nhất cao sẽ làm được. Nơi nào còn hiện tượng bè cánh, đấu đá, muốn tranh việc, chia việc thì sẽ khó thành công. Là vị trí “2 trong 1” nên quan trọng nhất vẫn là con người. Nếu bí thư kiêm chủ tịch HĐND còn có yếu tố thuận vì lâu nay HĐND lãnh đạo tập thể nhưng với UBND là cơ quan hành pháp, bí thư kiêm chủ tịch UBND sẽ có vai trò rất quan trọng.

“Đảng ta đã nói nhiều về các biện pháp kiểm soát quyền lực kể cả lúc chưa nhất thể hoá vì mỗi vị trí đều có quyền lực cụ thể. Nhưng nhất thể hoá thì quyền lực tập trung hơn, nếu chọn người không đúng, lại là người thiếu tu dưỡng, rèn luyện, năng lực không đáp ứng yêu cầu lại lạm dụng quyền lực thì sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy điều quan trọng khi có quyền lực trong tay, phải có sự giám sát, phải có chế tài kiểm soát, tăng cường dân chủ hoá, tăng cường kiểm tra giám sát ở cấp trên, trong nội bộ” – ông Nguyễn Tiến Dĩnh phân tích.

Đăng Minh
.
.