TP Hồ Chí Minh - khát vọng vươn lên

Thứ Sáu, 20/05/2016, 09:35
Đó là chủ đề của cuộc hội thảo được tổ chức vào ngày 19-5. Phó trưởng ban kinh tế Trung ương Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng TP Hồ Chí Minh cần có quy hoạch với tầm nhìn trong vòng 20-30 năm tới.

Để tạo môi trường và điều kiện cho doanh nghiệp tự do cạnh tranh thực sự, TP cần đặt mục tiêu nằm trong top 5 các TP dẫn đầu về chỉ số quản trị, phải đề xuất với trung ương cho phép có các chính sách vượt trội để thực sự trở thành đầu tàu và động lực tăng trưởng của khu vực phía Nam. Muốn vậy, TP phải có cơ chế vượt trội. Đó là cơ chế chính sách phân bổ và sử dụng nguồn lực cho phát triển như đất đai, tài nguyên, vốn, khoa học công nghệ... để tạo động lực cho sự phát triển.

Tuyến Metro số 1- tầm nhìn cho phát triển giao thông đô thị của thành phố nhiều năm sau.

PGS Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng TP đã tụt hậu xa hơn một số TP khác có cùng xuất phát điểm cách đây vài chục năm. Tiến sĩ Vũ Minh Khương, đại học quốc gia Singapore góp ý, TP Hồ Chí Minh có nhiều điểm sáng như sự thành công của khu đô thị Phú Mỹ Hưng, lôi kéo được tập đoàn Intel đến đầu tư… do đó TP phải dám nhìn vào sự thật mình đang vướng mắc và làm gì để vượt qua.

Về vấn đề phát triển đô thị bền vững, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản, TP Hồ Chí Minh là TP sông nước - nhiệt đới với điểm nhấn đặc sắc là sông Sài Gòn và các kênh rạch. 

Hơn 20 năm qua, thành phố đã làm nên kỳ tích chỉnh trang lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hủ - Ruột Ngựa, kênh Tân Hóa - Lò Gốm, và hiện nay đang tiếp tục chỉnh trang kênh Tham Lương - Bến Cát đã mang lại bộ mặt mới cho nhiều vùng dân cư lụp xụp trên và ven kênh rạch. 

TP cũng đã thể hiện dũng khí để sửa sai khi lấp kênh Hàng Bàng 20 năm trước đây và nay quyết định khai thông lại tuyến kênh này. 

Do đó, ông Châu hy vọng việc làm này sẽ được tiếp tục để khôi phục lại đoạn thượng nguồn kênh Nhiêu Lộc đã biến thành cống hộp để góp phần tiêu thoát nước. 

Ông Châu cho biết, từ cách đây hơn 10 năm, TP cũng đã có chủ trương buộc doanh nghiệp phải đào lại hồ để trả lại diện tích mặt nước bị san lấp trong khu vực dự án, đồng thời công bố quy định không được xây dựng công trình kiến trúc ven bờ các sông rạch. Song việc thực hiện quy định này chưa nghiêm. Theo ông Châu, chỉ khi nào thị trường bất động sản phát triển theo hướng bền vững thì mới thực sự góp phần xây dựng TP có chất lượng sống tốt.

Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho rằng TP vẫn chưa có tầm nhìn dài, sự liên kết trong quan hệ chính quyền - người dân vẫn chưa thật sự ấn tượng. Do vậy, TP cần có chiến lược, kể cả trong việc tập hợp ý kiến và phát biểu phản biện từ các chuyên gia. 

Để trở thành TP đáng sống, thu hút du khách nước ngoài và các nhà đầu tư, nhiều ý kiến đưa ra tại hội thảo là phải làm cho TP an ninh, an toàn, vệ sinh phải đảm bảo nhu cầu tối thiểu, vệ sinh, điện nước. Nhưng quan trọng hơn hết phải là TP an toàn, tử tế, trật tự, sạch xanh, đối xử với nhau văn minh... 

“Cái yếu của TP là công tác tổ chức thực hiện hay bị rơi vào tình trạng đánh trống bỏ dùi, trống đánh xuôi kèn thổi ngược và đầu voi đuôi chuột theo kiểu: nghe lãnh đạo chia sẻ người dân cảm thấy tin tưởng và hy vọng, nhưng khi tiếp xúc với cấp dưới thì họ lại gặp những vấn đề khó khăn, cản trở…” – Luật sư Trương Trọng Nghĩa chia sẻ.

Đ.Thắng
.
.