Tầm vóc quốc tế song hành cùng niềm tự hào dân tộc

Thứ Tư, 02/09/2020, 08:34
Từ tháng Tám mùa Thu lịch sử năm 1945, trải qua những mốc son chói lọi của công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, Việt Nam giờ đây đã đạt được những thành tựu quan trọng ở nhiều mặt, ngày càng khẳng định tầm vóc vị thế của mình trên bản đồ thế giới. Một đất nước dù khiêm tốn về diện tích, nhưng Việt Nam độc lập và tự cường, được bạn bè quốc tế ngợi ca, các đối tác toàn cầu tin cậy lựa chọn.


Ngôi sao sáng ở châu Á

Trong bài bình luận đăng ngày 30/8, tờ Jerusalem Post cho rằng Việt Nam đang theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, mở cửa, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và tích cực hội nhập quốc tế. Ngoại giao đã trở thành một mặt trận trọng yếu của Việt Nam, góp phần vào việc duy trì, giữ vững hoà bình, tạo môi trường quốc tế, có lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế. 

Điều này có thể thấy rõ ở việc, từ ngày kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước, Việt Nam đã thiết lập mạng lưới 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, tham gia hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và là quốc gia đầu tiên thiết lập khu vực thương mại tự do (FTA) với Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU). 
Việt Nam được bạn bè quốc tế tin tưởng bầu giữ ghế Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ với 192/193 phiếu. Nguồn: Zing.

Theo nhận định của tờ Jerusalem Post, 2020 là một năm rất quan trọng khi Việt Nam đảm nhận trọng trách kép: Trở thành Chủ tịch ASEAN và là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ).

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres mới đây đã đưa ra tuyên bố, rằng Việt Nam luôn là đối tác mạnh mẽ của LHQ kể từ khi gia nhập tổ chức vào năm 1977 và luôn đi đầu trong thực hiện các Mục tiêu phát triển của LHQ. Với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ nền hòa bình bền vững. 

Cũng bình luận về vấn đề này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, Choi Sing Kwok cho hay: “Việc đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là thành quả của sự tin tưởng mà Việt Nam có được từ bạn bè quốc tế. Nó cũng đem lại cho Việt Nam cơ hội thể hiện vai trò lãnh đạo trên toàn cầu, khả năng dẫn dắt và đương nhiên đem lại lợi ích cho ASEAN. Lập trường, quan điểm và vai trò trung tâm của ASEAN sẽ được Việt Nam thúc đẩy trên trường quốc tế”. 

Còn tờ Washington Times viết về vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế như sau: "Tầm quan trọng của Việt Nam đối với an ninh quốc tế đã tăng lên đáng kể sau Hội nghị cấp cao Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Đà Nẵng năm 2017. Gần đây nhất với việc trúng cử ghế Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam sẵn sàng sử dụng các kỹ năng ngoại giao mềm để thể hiện tốt nhất vai trò, trách nhiệm của mình, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, phát triển bền vững, giải quyết biến đổi khí hậu cũng như nhân quyền".

“Nam châm” hút đầu tư

Vị thế trong các tổ chức quốc tế và các mối quan hệ đối ngoại cũng đồng thời giúp Việt Nam đạt được những thành quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết và đi vào triển khai hàng trăm thỏa thuận hợp tác quốc tế ở các cấp, thu hút nguồn lực to lớn cho phát triển đất nước. Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không ngừng tăng cao. 

Riêng giai đoạn 2016-2020, dòng vốn FDI có hơn 31.000 dự án có hiệu lực của 126 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng số vốn đăng ký là 370 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng liên tục và cải thiện đang kể cán cân thương mại. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng các chuyên gia đánh giá rằng kinh tế Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng tốt. 

Theo xếp hạng sức khỏe tài chính của tạp chí The Economist tháng 5/2020, Việt Nam đứng thứ 12/66 nền kinh tế mới nổi, thuộc nhóm an toàn trong bối cảnh đại dịch. Cuối tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán, kinh tế Việt Nam dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19 nhưng sẽ vẫn phục hồi. 

Ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của WB cho hay: "Việt Nam là quốc gia hấp thụ tương đối tốt cú sốc kinh tế từ COVID-19. Ảnh hưởng kinh tế của đại dịch đến nền kinh tế Việt Nam cũng được đánh giá là ít trầm trọng hơn so với nhiều quốc gia khác. Điều này được thể hiện qua việc GDP tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2020, đạt mức 1,8% - mặc dù là mức thấp nhất trong ba thập kỷ qua". 
Việt Nam tham gia tích cực vào lực lượng giữ gìn hoà bình của LHQ.

Cũng theo ông Jacques Morisset, Việt Nam là một trong những trường hợp có quá trình tăng trưởng dài hạn tốt nhất ở châu Á và có nhiều động lực nội địa. Do đó, Việt Nam dự kiến sẽ là quốc gia có mức độ tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020.

Báo Straits Times thì cho hay, các chuyên gia tư vấn kinh doanh và các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm đến Việt Nam với nhu cầu dịch chuyển sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành. 

“Giờ đây chúng tôi bắt đầu nhận được ngày càng nhiều email từ các doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam”, Trent Davies, Giám đốc tư vấn kinh doanh quốc tế của Công ty tư vấn Dezan Shira & Associates, cho biết.

Hãng Reuters thì dẫn đánh giá của Kizuna Joint Development, công ty có khách hàng chủ yếu là nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản nhận định: "Chúng tôi cho rằng vốn đầu tư nước ngoài sẽ sớm được rót vào Việt Nam sau đại dịch nhờ ứng phó nhanh chóng". 

Thậm chí, hãng thông tấn này còn minh chứng cho lập luận của mình bằng báo cáo mới công bố hồi cuối tháng 8 của Giám đốc Phòng vốn thị trường và dịch vụ đầu tư Colliers International, ông Terence Alford, trong đó nhận mạnh thị trường bất động sản Việt Nam có khả năng sẽ đón nhận nhiều nhu cầu hơn từ các công ty Nhật Bản trong vòng 6 đến 12 tháng tới, do các chương trình cam kết tài trợ của Chính phủ Nhật Bản. 

Ông Terence Alford khẳng định, so với các nước khác trong ASEAN, Việt Nam được coi là một môi trường kinh doanh tiềm năng nhờ vào một nền chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế đầy hứa hẹn, và là môi trường sống lý tưởng cho người nước ngoài. Trong những năm qua, môi trường đầu tư cũng được cải thiện hơn, do đó, các nhà đầu tư Nhật Bản coi Việt Nam là một điểm đến minh bạch để hoạt động, nhất là khi họ chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc.

Quốc gia đáng sống cùng nền văn hoá đa dạng

Quay trở lại với câu chuyện về COVID-19, có lẽ thách thức về đại dịch này trong suốt thời gian qua đã khiến hầu hết các quốc gia trên thế giới phải chao đảo. Tuy nhiên, bằng việc chọn lọc mô hình chống dịch hợp lý "chống dịch như chống giặc" cùng quyết tâm cao từ chính phủ và sự đồng lòng từ nhân dân, Việt Nam đã trở thành "hình mẫu đi đầu" trong việc kiểm soát đại dịch. Theo bảng xếp hạng tác động toàn cầu của đại dịch COVID-19 đối với 30 quốc gia đi đầu về hiệu quả kinh tế và sức khỏe cộng đồng của tạp chí ThePolitico, Việt Nam có kết quả tốt nhất thế giới.

"Cả bộ máy chính quyền đã quyết tâm, chung tay hiệu quả để phòng chống dịch. Việt Nam có hơn 1.000km đường biên giới với Trung Quốc và là một trong những quốc gia đầu tiên bị tấn công bởi dịch bệnh nhưng đã chủ động, minh bạch thông tin, chống dịch hiệu quả. Chúng tôi rất tự hào là đối tác của Việt Nam trong việc đối phó dịch bệnh. Tôi rất mừng khi thế giới đang biết đến Việt Nam là nơi rất tuyệt vời với những con người chăm chỉ duyên dáng", Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink ca ngợi.

Kinh tế Việt Nam được dự báo là đạt mức tăng trưởng thứ 5 thế giới trong năm 2020.

Còn đối với Osama, một công dân Palestine đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, thì anh cảm thấy may mắn khi mình có mặt tại đất nước hình chữ S vào thời điểm đại dịch bùng nổ khắp thế giới. 

"Tôi đã sinh sống và làm việc ở Việt Nam được 2 năm. Công việc của tôi tại đây cũng sắp kết thúc. Nhưng bạn thấy đấy, giờ tôi đang cố gắng hết sức để có cơ hội ở lại đất nước của các bạn lâu hơn nữa. Việt Nam đem lại cho tôi cảm giác an toàn, người Việt Nam thì thân thiện và vô cùng hiếu khách. Tôi rất ấn tượng và cảm kích với cách mà các bạn điều trị COVID-19 cho anh phi công người Anh. Câu chuyện này tràn ngập các mặt báo uy tín. Chính mẹ tôi cũng đã gọi điện từ Palestine để kể về câu chuyện đó", Osama cho hay. 

Có lẽ, không chỉ Osama mà còn rất nhiều người bạn ngoại quốc khác cũng có chung quan điểm với anh. Tạp chí International Living mới đây đã công bố về bảng xếp hạng những quốc gia đáng sống nhất năm 2020. Theo đó, Việt Nam lọt top 10 quốc gia hàng đầu bởi được đánh giá là nơi dễ thiết lập cuộc sống mới, nền kinh tế ổn định, cơ hội thăng tiến sự nghiệp tốt, đặc biệt là yếu tố cân bằng cuộc sống khá cao.

Ngoài những thành tựu trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế và phòng, chống dịch, Việt Nam dưới lăng kính của bè bạn quốc tế còn là một nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc của từng vùng miền. 

Anh Ben Perfetto, một giáo viên người Canada sinh sống tại Việt Nam chia sẻ: "Tôi vốn chỉ thích những không gian giản dị. Ở Việt Nam trong suốt 5 năm, tôi đã bị mê hoặc bởi văn hóa đường phố của các bạn. Tôi thuê trọ trong một khu hẻm nhỏ, thích ăn phở vào buổi sáng, ăn cơm bụi buổi trưa và uống bia hơi mỗi khi tan tầm. Thời gian rảnh, tôi thường thuê xe chạy vòng vòng các tỉnh lân cận thành phố Hồ Chí Minh để có thêm trải nghiệm và tư liệu giảng dạy".  

Theo các chuyên gia thì một khi văn hóa Việt có chỗ đứng và chiếm lĩnh thị phần ngày càng cao trên thị trường văn hóa quốc tế, khi ấy văn hóa Việt sẽ không chỉ là một phần giá trị của văn hóa thế giới mà còn trở thành một trong những chuỗi giá trị toàn cầu và góp phần làm giàu sức mạnh nội sinh cho quốc gia, dân tộc Việt Nam.

Những thành tựu đạt được trong 75 năm qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 là công lao, cống hiến to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, cùng với sự giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế. Góc nhìn đa chiều và đánh giá khách quan từ bạn bè quốc tế đã thêm phần khẳng định tầm vóc mới của Việt Nam trên trường quốc tế như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay".

Linh Đan
.
.