Tăng cường đối tác toàn diện Việt Nam- Đan Mạch

Thứ Ba, 11/10/2016, 19:49
Chiều 11-10, tại Hà Nội, phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Hợp tác liên Chính phủ Việt Nam- Đan Mạch do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch, ông Kristian Jensen đồng chủ trì đã diễn ra. 

Phiên họp hôm nay nằm trong khuôn khổ Kế hoạch hành động Đối tác Toàn diện Việt Nam- Đan Mạch. 

Tại cuộc họp, hai bên đã ghi nhận những bước phát triển nhanh chóng trong quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại song phương giữa Việt Nam- Đan Mạch trong thời gian gần đây, đặc biệt kể từ khi hai nước trở thành Đối tác toàn diện vào năm 2013 và ký kết các kế hoạch hành động cụ thể sau đó cho năm 2014-2015 và năm 2016.

Tại phiên họp hai Bộ trưởng cũng đã ghi nhận tầm quan trọng của chương trình Hợp tác Chiến lược giữa các bộ, ngành Việt Nam với Đan Mạch trong lĩnh vực môi trường, thực phẩm và nông nghiệp, y tế, giáo dục. Trên tinh thần hợp tác thông qua các cơ chế họp Ủy ban Hợp tác liên Chính phủ, hai bên tin tưởng rằng quan hệ hợp tác về kinh tế và thương mại Việt Nam- Đan Mạch sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa và góp phần thực hiện thành công Kế hoạch hành động của Hiệp định Đối tác toàn diện mà hai bên đã cam kết.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến nay, các doanh nghiệp Đan Mạch đã cung cấp vốn ODA vào một số dự án vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 1,32 tỷ USD. 

Bên cạnh đó, các dự án hỗ trợ phát triển chính thức cũng được quan tâm và đến nay khoảng 70% dự án ODA đạt mức giải ngân khá, không phát sinh vấn đề đáng quan ngại.

Các dự án có nguồn vốn của Đan Mạch nhìn chung đều phát huy tác dụng thiết thực, góp phần thúc đẩy kinh tế ở các khu vực triển khai dự án ở Việt Nam. 

“Việt Nam mong muốn Đan Mạch tiếp tục thắt chặt quan hệ hợp tác, hướng tới những mục tiêu cụ thể, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ cho quá trình tăng trưởng kinh tế theo hướng nhanh, bền vững của Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đan Mạch Kristian Jensen nhấn mạnh, Đan Mạch luôn coi trọng và chủ động đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư. Kết quả thời gian qua là đáng ghi nhận nhưng doanh nghiệp hai nước cần chủ động hơn nữa nhằm mở rộng quy mô hợp tác, thông qua hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và đầu tư trực tiếp trên cơ sở khai thác những thế mạnh của nhau…

L.Hiệp
.
.