Thiên tai hay nhân tai?

Thứ Tư, 24/12/2014, 11:45
Chưa hết mừng vui bởi cuộc giải cứu thành công 12 công nhân mắc kẹt do sập hầm thủy điện Đạ Dâng-Đạ Chomo (Lâm Đồng), thì luồng ý kiến có sức hút dư luận không kém nhưng rất thiết thực với người dân, đó là làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, góp phần chủ động phòng ngừa không để xảy ra sự cố tương tự, đặt hàng chục thậm chí hàng ngàn người dân vào tình thế nguy hiểm như thời gian qua.

Cách đặt vấn đề trên là rất trách nhiệm. Đó còn là yêu cầu  cấp thiết bởi sập hầm thủy điện Đạ Dâng-Đạ Chomo gây hậu quả nghiêm trọng không phải là sự cố hiếm gặp trên các công trình xây dựng gần đây. Những sự cố chỉ nghe đã thấy kinh hoàng bởi hậu quả nặng nề mà nó để lại, như vụ sập đường dẫn cầu Cần Thơ (gây chết 53 người, bị thương 80 người); vụ sạt lở mỏ đá tại thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) cướp đi sinh mạng 18 công nhân; vụ tai nạn tại thủy điện Suối Sập 1 (Sơn La) làm 8 người thiệt mạng; hai lần vỡ đập thủy điện Ia Krel 2 cuốn theo hàng trăm ha hoa màu... 

Câu hỏi đặt ra là sau mỗi sự cố gây hậu quả nghiêm trọng như thế, đều được các cơ quan chức năng điều tra hoặc truy nguyên trách nhiệm, nhưng tình trạng tai nạn lao động đặc biệt là trên các công trình thủy điện gần đây vì sao không giảm? Xét về quy định, thủ tục quản lý hành chính trong đầu tư xây dựng của ta hiện nay khá đầy đủ. Với đầu tư công cấp Trung ương phải trải qua 17 thủ tục; 19 thủ tục đối với đầu tư của tư nhân. Đó là chưa kể các thủ tục đặc thù của mỗi địa phương, khiến cho có dự án phải làm tới gần 40 thủ tục mới được triển khai. Ấy vậy mà sự cố công trình như vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng-Đạ Chomo vẫn diễn ra! Điều khiến dư luận lo lắng không chỉ ở số lượng các vụ tai nạn công trình, mà người dân còn bức xúc bởi cách lý giải của một số cán bộ hữu trách mỗi khi có sự cố công trình xảy ra, cho rằng “do nền địa chất yếu”, do mưa lớn, lũ lên nhanh trong khi công trình đang thi công... như một cách giảm nhẹ trách nhiệm trước cộng đồng.

Không phải ngẫu nhiên, ông Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai Huỳnh Ngọc Tục lên tiếng: “Để xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krel 2 (tới hai lần), chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, giám sát, thi công công trình phải chịu trách nhiệm”. Cũng không phải không có lý, ngay sau khi cứu được 12 công nhân an toàn, cơ quan giám  định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cùng các đơn vị hữu quan đã phong tỏa hiện trường, thu thập chứng cứ làm rõ nguyên nhân sự cố sập hầm Đạ Dâng-Đạ Chomo. Bằng trải nghiệm qua giám định xác định nguyên nhân các vụ tai nạn tại các công trình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Chủng cho rằng, nếu có thiếu, chỉ thiếu cơ chế giám sát chất lượng công trình và trách nhiệm của người thực hiện các quy chuẩn xây dựng vào thực tế mà thôi. Đừng vội đổ lỗi tai nạn cho các yếu tố khách quan.

Nếu nêu cao trách nhiệm, thực hiện cơ chế giám sát chất lượng công trình chặt chẽ, kết quả cho chúng ta các công trình an toàn bền vững với thời gian. Các công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, hồ Kẻ Gỗ, thủy điện Hòa Bình, cầu Thăng Long... là những bằng chứng thuyết phục của tinh thần làm việc đó, mặc dù trình độ công nghệ xây dựng của nước ta khi đó chưa được như bây giờ. Để các công trình xây dựng ngày càng nhiều trên đà đất nước phát triển như hiện nay an toàn, bền vững, thiết nghĩ, một mặt cần thực hiện nghiêm túc cơ chế quản lý, giám sát công trình. Mặt khác, công khai nguyên nhân các sự cố, đặc biệt là trách nhiệm của các chủ thể để xảy ra tai nạn, buộc đền bù thỏa đáng cho các nạn nhân. Làm sáng tỏ yếu tố “nhân tai” trong các vụ tai nạn công trình như thế sẽ không chỉ nhận được sự ủng hộ của người dân, góp phần giám sát nâng cao chất lượng các công trình, mà còn tránh được tình trạng đổ thừa cho thiên tai mỗi khi hậu quả tai nạn xảy ra.

Khánh Chi
.
.