Thứ trưởng Lê Quý Vương: Căn cứ vào tình huống cụ thể để nổ súng

Thứ Ba, 10/01/2017, 17:21

Chiều nay, 10-1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục phiên họp, thảo luận về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.


Đây là dự án đã được Quốc hội thảo luận lần đầu tại kỳ họp thứ 2, trong đó bổ sung thêm 2 điều mới là Điều 48A - Sử dụng tiền chất thuốc nổ và Điều 59A - Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Căn cứ tính chất, mức độ của đối tượng để nổ súng

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình đã trình bày bày báo cáo, nêu lên 6 vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật, đó là: Phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí; quy định nổ súng; quản lý, sử dụng vật liệu nổ và sử dụng tiền chất thuốc nổ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thảo luận tại phiên họp

Cho ý kiến vào Điều 21 của dự thảo luật về quy định nổ súng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định lo ngại trường hợp được nổ súng sau khi cảnh báo có vẻ mở ra hơn so với dự luật lần trước trình (gồm 5 khoản - PV). “Đây là điều liên quan trực tiếp đến tính mạng con người nên cần quy định chặt chẽ”, ông nói.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga lại đề nghị giải thích rõ về căn cứ tình huống, tính chất, mức độ hành vi của đối tượng để quyết định nổ súng. 

Bà cũng quan tâm đến nguyên tắc loại trừ, ở Điểm c, Khoản 2, Điều 21: “Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp những người này đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa trực tiếp tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác”.

“Nếu rơi vào những trường hợp nguy hiểm thì phụ nữ hay người cao tuổi cũng phải nổ súng chứ, quy định như vậy liệu có ổn không, có đảm bảo yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự không?” – bà Nga băn khoăn.

Thay mặt Ban soạn thảo giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng, Điểm a, Khoản 2 Điều 21 đã quy định rõ, phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng. Đây gần như là một nguyên tắc chung của người cầm súng hoặc người chỉ huy người cầm súng.

Thứ trưởng Lê Quý Vương phát biểu tại phiên họp

“Chẳng hạn vừa qua khi bắt giữ đối tượng Trần Trung Hùng (tức Gióng) ở Kon Tum, chỉ huy chúng tôi cho phép khi tiếp xúc đối tượng thì được phép nổ súng tiêu diệt luôn. Vì đối tượng có trong tay 1 khẩu AK, 31 viên đạn, 2 quả lựu đạn, 1 khẩu K59, 9 viên đạn… Trong trường hợp đấy chúng tôi có quyền quyết định luôn, căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ cụ thể của đối tượng để nổ súng”, Thứ trưởng nói.

Còn tại sao nói không bắn khi biết rõ người đó là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi? “Đây là nhóm người yếu thế, cần cân nhắc kỹ. Có câu “trừ trường hợp những người này có sử dụng vũ khí”. Như vậy là chặt chẽ rồi khi quy định trường hợp nổ súng” – Thứ trưởng Lê Quý Vương nhấn mạnh.

Khi áp giải mà tội phạm bỏ trốn, anh em được quyền bắn cảnh cáo

Tiếp tục thắc mắc về Điểm c, Khoản 3, Điều 21 quy định “Người bị giam giữ, áp giải do phạm tội đang chạy trốn hoặc chống lại; đối tượng đang đánh tháo người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử do phạm tội hoặc chấp hành hình phạt tù” thì được nổ súng sau khi đã cảnh báo, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu: “Người bị áp giải mà chống lại ở mức độ không chấp hành thì có gọi là chống lại không? Lâu nay trong một số trường hợp ở tội chống người thi hành công vụ đôi khi biểu hiện chỉ là không chấp hành, hoặc giằng co, bảo dừng mà không dừng, vẫn tiếp tục. Vậy mức độ chống lại như thế nào thì bắn chỉ thiên, nổ súng? Cần phải cân nhắc” – đại biểu đề nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đồng tình với việc phải quy định rõ việc nổ súng. Ông cho rằng, hiện nay nhiều lực lượng được giao quyền sử dụng súng. “Nếu trường hợp giằng co thì thôi, chứ trong tình trạng khẩn cấp thì phải quy định cụ thể việc nổ súng. Cứ quy định mập mờ thì khó, anh em cầm súng nhưng không biết sử dụng như thế nào, không cẩn thận lại vi phạm pháp luật…”

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga

Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Quý Vương khẳng định, quy định tại dự thảo luật rất rõ. “Thực tế diễn ra muôn hình muôn trạng. Đối tượng phá trại giam có thể vớ thanh sắt để chống trả lại cán bộ Công an. Cách đây mấy năm có trường hợp phạm nhân ở Hải Phòng trên đường dẫn giải đã trốn, chạy vào nhà người dân vớ được con giao để chém, chống trả. Chính vì lúc đó các cán bộ cũng băn khoăn nên cuối cùng mấy đồng chí bị thương” – Thứ trưởng lấy ví dụ. 

Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, các quy định về nổ súng và trường hợp được nổ súng Ban soạn thảo đã nghiên cứu rất kỹ, căn cứ những vụ việc xảy ra trong thực tế để quy định trong luật cho phù hợp. "Trong trường hợp áp giải mà tội phạm bỏ trốn, anh em được quyền bắn cảnh cáo".

Về trường hợp được nổ súng không cần cảnh báo, Thứ trưởng Lê Quý Vương nêu thực tế trong hai năm trở lại đây đã diễn ra 6 lần đấu súng tại Vân Hồ, Sơn La, các đối tượng có vũ khí buộc chúng ta phải nổ súng. “Thực chất ta nổ súng trước bằng hình thức cảnh báo, nếu chống cự thì mới nổ súng gây sát thương, do đó không gây nguy hại mấy. Có những trường hợp cả toán vũ trang mấy chục đối tượng có trang bị vũ khí, rất nguy hiểm” – đồng chí Thứ trưởng lưu ý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên thảo luận

Kết lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, qua 18 ý kiến thảo luận tại phiên họp, cơ bản thành viên UBTVQH và các đại biểu dự phiên họp đã tán thành với báo cáo tiếp thu chỉnh lý dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Đối với quy định nổ súng, đề nghị tiếp tục rà soát để đảm bảo chặt chẽ hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Uỷ ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến của UBTVQH, hoàn chỉnh dự thảo luật, gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3.

Chiều cùng ngày, UBTVQH cũng đã thảo luận, về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật cảnh vệ. UBTVQH đã nhất trí với báo cáo tiếp thu của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh. Sau khi tiếp thu, hoàn chỉnh, gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội, dự án Luật Cảnh vệ cũng sẽ được trình ra Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới.

Quỳnh Vinh
.
.