Tiếp tục đóng cửa rừng, không khai thác gỗ rừng tự nhiên

Thứ Bảy, 14/10/2017, 17:13
Đó là một trong 3 chủ trương lớn trong nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới”, ngày 14-10, tại Hà Nội.


Nhiều địa phương làm giàu từ rừng

Nhắc lại câu nói của Bác Hồ: “Rừng là vàng” khi kết luận hội nghị, Thủ tướng khẳng định vị trí của rừng trong đảm bảo kinh tế, quốc phòng – an ninh, phòng hộ, tạo môi trường sinh thái. Do đó, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ quan trọng của các cấp uỷ, chính quyền và nhận thức này cần được quán triệt mạnh mẽ hơn.

“Trong khó khăn chung của đất nước, của từng địa phương thì công tác quản lý, bảo vệ rừng đã có nhiều chuyển biến rõ nét, có sự tham gia của toàn xã hội, nhất là chủ trương xã hội hoá, bảo vệ rừng, nâng cao sinh kế, thu nhập của người làm rừng. Đặc biệt hiện nay rừng đã trở thành thế mạnh của nhiều địa phương, nhiều địa phương làm giàu từ rừng” – Thủ tướng đánh giá.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Thủ tướng biểu dương Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường; các Bộ, ngành, địa phương trong bảo vệ, phát triển rừng, mở rộng diện tích rừng, độ che phủ rừng tăng lên. Giá trị lâm nghiệp bình quân tăng 6,75%; sản lượng gỗ rừng trồng tăng hơn 3,3 lần, xuất khẩu 7,3 tỷ USD…

Công tác ngăn ngừa, đấu tranh với hành vi vi phạm, phá rừng trái pháp luật được các cấp, ngành quan tâm hơn; công tác quản lý, bảo vệ rừng được chấn chỉnh trong phạm vi cả nước. Các lực lượng Công an, Quân đội, Kiểm lâm đã vào cuộc mạnh mẽ, cùng nhân dân chung tay bảo vệ rừng.

Chủ trương dừng khai thác rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ được các địa phương nghiêm túc thực hiện, góp phần tích cực trong việc tăng giá gỗ rừng trồng, phát triển kinh tế. Nhiều địa phương xử lý nghiêm vi phạm, sống với rừng, quan tâm đồng bào dân tộc thiểu số…

“Gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không phát hiện được”

Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, Thủ tướng nhấn mạnh việc diện tích rừng khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm, tức là tình trạng phá rừng vẫn còn diễn ra. Tình trạng phá rừng trái pháp luật chậm được ngăn chặn. Một số địa phương chuyển mục đích sử dụng rừng với hình thức lớn nhưng không theo quy định pháp luật, phá rừng ào ào không có nguyên tắc.

Nguyên nhân là do nhận thức, chủ rừng buông lỏng, năng lực quản lý nhà nước yếu kém, điều tra, xử lý thiếu kiên quyết… “Gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không phát hiện được. Những địa phương mà để phá rừng lớn như vậy phải xử lý trực tiếp những người có trách nhiệm, nhất là Bí thư, Chủ tịch xã, Kiểm lâm”, Thủ tướng nêu rõ.

“Gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không phát hiện được” - Thủ tướng nói

Về phương hướng thời gian tới, Thủ tướng nhắc lại tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII về bảo vệ và phát triển rừng bền vững, coi bảo vệ, phát triển rừng là việc làm quan trọng, nâng cao thu nhập cho người dân với mục tiêu độ bao phủ, phát triển rừng đạt 42% năm 2020, đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành bám sát đường lối này này để tổ chức thực hiện.

Nhấn mạnh 3 chủ trương lớn trong nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng, không khai thác gỗ rừng tự nhiên. Kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng theo đúng tinh thần Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tạm dừng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, xây dựng thuỷ điện nhỏ.

Không cải tạo rừng nghèo, nghèo kiệt khi chưa có đánh giá khoa học; không chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ven biển, rừng phòng hộ sang sản xuất. “Rừng ven biển có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giữ đất, giữ người, giữ nước; rừng ngập mặn cần phải được quy hoạch cụ thể từng dự án…”, Thủ tướng nói.

Rừng phải có chủ, có người chịu trách nhiệm

Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các vụ phá rừng theo quy định của pháp luật và công khai kết quả để toàn xã hội giám sát. Kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, bảo vệ rừng không phát hiện, kịp thời ngăn ngừa hành vi phá rừng và kiên quyết loại khỏi cơ quan các phần tử thoái hóa biến chất trong công tác bảo vệ rừng. Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng không đúng quy định; phân công, phân cấp quản lý rõ ràng, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Thủ tướng cũng chỉ đạo giải quyết tốt tình trạng di dân tự do, nhất là ở khu vực Tây nguyên; tổ chức tốt chính sách chi trả môi trường rừng, tăng thu nhập cho người làm rừng; khẩn trương rà soát, giao, cho thuê diện tích rừng lâm nghiệp theo tinh thần “ở địa phương đấy rừng phải có chủ, có người chịu trách nhiệm”.

Thứ trưởng Bùi Văn Nam phát biểu tại hội nghị

Thủ tướng yêu cầu các lực lượng bảo vệ rừng như Kiểm lâm, Công an, Quân đội phối hợp trong phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm pháp luật; các cá nhân, cơ quan, tổ chức để tình trạng phá rừng xảy ra…

Trước đó, phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an đã nêu lên một số tồn tại, nguyên nhân trong công tác điều tra, xử lý các vụ vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng. Trước hết, công tác quản lý nhà nước về quản lý và bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế, tiêu cực, thiếu kiên quyết trong chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng thường xuyên; có nơi còn buông lỏng quản lý, chưa tích cực chỉ đạo, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, công tác thẩm định kỹ về năng lực quản lý, năng lực tài chính của một số dự án còn chưa toàn diện, nên khi thực hiện thiếu trách nhiệm trong bảo vệ rừng được giao, để rừng bị phá, lấn chiếm trái pháp luật. Công tác xử lý các vụ việc vi phạm liên quan đến phá rừng, quản lý đất đai còn chưa nghiêm, chưa kịp thời, thiếu kiên quyết…

Từ những tình hình cụ thể, Bộ Công an kiến nghị Chính phủ tăng cường quản lý nhà nước liên quan đến quản lý và bảo vệ rừng; đặc biệt việc cụ thể hoá và quán triệt các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ ở các địa phương. “Đối với các địa phương, đặc biệt ở Tây Nguyên, có nhiều rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần xử lý nghiêm khắc, kịp thời, có giải pháp chấn chỉnh ngay các vụ việc xảy ra…” – Thứ trưởng Bùi Văn Nam đề nghị.

Bộ Công an sẽ tập trung nắm tình hình liên quan, tham mưu kịp thời với Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương giải quyết các vụ việc phức tạp về tranh chấp đất đai; về công tác quản lý, bảo vệ rừng; điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật có dấu hiệu hội phạm… 

Quỳnh Vinh
.
.