Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra tại Hải Phòng

Thứ Ba, 19/09/2017, 19:30
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Mai Tiến Dũng làm tổ trưởng đã kiểm tra UBND TP Hải Phòng trong việc thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; kiểm tra Bộ Tài chính trong thực hiện các nhiệm vụ giao liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ.


Ngày 19-9, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng làm tổ trưởng đã kiểm tra UBND TP Hải Phòng trong việc thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; kiểm tra Bộ Tài chính trong thực hiện các nhiệm vụ giao liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ, các quy trình, thủ tục KTCN; quy trình, thủ tục, thời gian thông quan thực tế tại cửa khẩu Hải Phòng. 

Sau khi kiểm tra thực tế tại các điểm KTCN của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ tại Chi cục Hải quan khu vực 3 (Cục Hải quan Hải Phòng), Cơ quan Thú y vùng 2, Công ty CP đầu tư phát triển cảng Đình Vũ, Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với lãnh đạo TP Hải Phòng và các cơ quan liên quan.

Bộ Trưởng Mai Tiến Dũng làm việc với lãnh đạo TP Hải Phòng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng cho rằng, nước ta đang quyết tâm đạt mức tăng trưởng cao về kinh tế. Và một vấn đề quan trọng là phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), giảm chi phí chính thức và không chính thức trong hoạt động của các DN, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu. Và dư địa cho tăng trưởng của chúng ta đang còn rất lớn ở việc cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian, công sức và chi phí cho DN.

Về công tác KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Hải Phòng, Bộ trưởng nêu nhiều bất hợp lý trong thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Trong đó, Bộ trưởng đánh giá cao ngành Hải quan nói chung và Cục Hải quan Hải Phòng nói riêng trong thực hiện cải cách hành chính, thực hiện quản lý bằng đánh giá rủi ro, phân luồng trong thông quan hàng hóa để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. 

Tuy nhiên, ngành Hải quan cũng cần cải cách toàn diện, mạnh mẽ hơn nữa, áp dụng phương thức quản lý của các nước tiển tiến, ứng dụng công nghệ, thực hiện kết nối, khai thác và chia sẻ thông tin, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ, đạo đức và tinh thần thực thi công vụ của đội ngũ công chức, kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm…

Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng, việc KTCN là hết sức quan trọng. Nhưng thực tế việc KTCN hiện nay đang mang tính thủ tục và là những “giấy phép con”, là rào cản lớn với một “rừng” thủ tục khiến việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu bị chậm trễ. Đồng thời, DN đang phải gánh một khoản chi phí và thời gian chờ đợi lớn cho việc này. Thời gian kiểm tra thủ tục hải quan chỉ chiếm 22%, nhưng thời gian cho KTCN hiện chiếm tới 78% tổng thời gian thông quan hàng hóa. 

Công tác KTCN còn mang tính thủ tục, cảm tích, kéo dài, chi phí cao, chồng chéo, nhiều  bộ cùng KTCN một loại hàng hóa và  tỷ lệ phát hiện vi phạm lại rất thấp, chỉ 0,06% số hàng hóa được KTCN. Theo tính toán của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, mỗi năm, doanh nghiệp mất 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng chi phí cho các thủ tục này.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, tinh thần của Chính phủ là vẫn phải bảo đảm quản lý Nhà nước, không thể bỏ việc kiểm tra, nhưng phải thay đổi phương thức kiểm tra, áp dụng kiểm tra rủi ro, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm…

Đối với UBND TP. Hải Phòng, Bộ trưởng cũng truyền đạt ý kiến Thủ tướng nhắc nhở về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong việc rà soát, tính toán lại mức thực hiện thu phí hạng tầng khu vực của khẩu cảng biển theo hướng tạo điều kiện, giảm phí cho DN, báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp gần nhất; lưu ý thành phố quan tâm tới công tác quy hoạch trong việc đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa mang tính bền vững, có tầm nhìn, kết nối với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm, đầu tư trọng điểm cho hạ tầng; quan tâm tới công tác khắc phục tai nạn giao thông và bảo đảm trật tự đô thị; quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường để phát triển đô thị hiện đại, bền vững, nhất là trong lựa chọn các dự án đầu tư.

Bộ trưởng cũng biểu dương Hải Phòng trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Từ đầu năm 2017 tới nay, Hải Phòng được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao 245 nhiệm vụ. Trong đó, có nhiều nhiệm vụ khó, nhưng thành phố đã hoàn thành 193 nhiệm vụ đúng thời hạn, còn 52 nhiệm vụ đang tiếp tục triển khai trong thời hạn.

Cùng với đó, Hải Phòng đã đạt nhiều kết quả trong phát triển kinh tế-xã hội, đạt tốc độ tăng trưởng GDP ở mức hai con số trong nhiều năm, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư với nhiều công trình, dự án có quy mô lớn, đặc biệt là việc khởi công dự án sản xuất ô tô ngày 2-9 vừa qua có nghĩa lớn không chỉ với Hải Phòng mà còn cho cả nước.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, các ý kiến, kiến nghị của các bộ, ngành, cơ quan, hiệp hội và TP Hải Phòng, cùng với kết quả làm việc với các bộ liên quan sắp tới sẽ được Tổ công tác tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng xem xét, quyết định.

Văn Thịnh
.
.