Ứng dụng công nghệ cao thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp

Thứ Hai, 29/07/2019, 10:44

Sáng 29-7, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp với chủ đề “Nông nghiệp Thừa Thiên Huế phát triển bền vững, an toàn, ứng dụng công nghệ cao”.


Tham dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng đại diện các Sở, ngành, đơn vị chức năng, đại diện Văn phòng JICA Việt Nam; Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và một số Tập đoàn, doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, Thừa Thiên Huế nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có bờ biển dài 128km, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng 22.000ha, diện tích đất nuôi trồng thủy sản hơn 74.000ha. Đặc biệt, tỉnh có tổng diện tích đất nông nghiệp gần 412.000ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp gần 70.000 ha và 335.000 ha rừng. 

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ phát biểu khai mạc hội nghị. 

Những năm qua, cùng với việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Tam nông), Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ phát triển, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Giai đoạn 2009-2018, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh bình quân đạt 4,65%/năm, đầu tư cơ sở hạ tầng có trọng điểm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho ngươi dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị.

Tuy nhiên, hiện lĩnh vực nông nghiệp của Thừa Thiên Huế vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, chưa hiệu quả, bền vững; tái cơ cấu ngành và sản phẩm chủ lực còn chậm, chưa có đột phá tạo đà thúc đẩy phát triển nông nghiệp; sản xuất còn quy mô nhỏ, đầu tư hạn chế, công tác xúc tiến thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa được đẩy mạnh. 

“Để khắc phục những hạn chế trên, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Tông kết 10 năm thực hiện Nghị quyết về Tam nông, tỉnh đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, giá trị cao; xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ và chú trọng đào tạo nhân lực tay nghề cao. Khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp, trang trại, tăng cường ứng dụng KHCN, phát huy nội lực, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản, đặc sản để phát triển thị phần trong nước và xuất khẩu”, ông Phan Ngọc Thọ khẳng định.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, tỉnh Thừa Thiên Huế đang kêu gọi đầu tư vào các dự án nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, áp dụng sản xuất tiêu chuẩn VietGap; các dự án phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; dự án nuôi tôm trên cát ứng dụng công nghệ cao kết hợp biện pháp quản lý tiên tiến, thân thiện môi trường…

Tại hội nghị, GS.TS Đỗ Năng Vịnh, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đề xuất, Thừa Thiên Huế cần phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng sinh học, quay vòng sinh thái bền vững, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sinh thái tuần hoàn, bền vững để trở thành điểm du lịch hàng đầu trong khu vực. “Đối với Thừa Thiên Huế, nông nghiệp sinh thái công nghệ cao là cơ hội thoát khổ, thoát nghèo và làm giàu bền vững cho nông dân. Đặc biệt với vị trí địa lý, chính trị quan trọng, nông nghiệp Thừa Thiên Huế còn tạo ra sức mạnh phòng thủ và an ninh quốc phòng quốc gia. Chính vì thế, hợp tác phát triển nông nghiệp với Thừa Thiên Huế là trách nhiệm và vinh dự đối với các nhà khoa học”, GS.TS Đỗ Năng Vịnh chia sẻ.

Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển mô hình rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap cho thu nhập cao.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, hiện 63 tỉnh thành trên toàn quốc thì mỗi tỉnh thành đều có ưu thế khác nhau trong lĩnh vực sản xuất, phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, đối với Thừa Thiên Huế là địa phương có vị trí địa lý, lịch sử, các di sản văn hóa chính là lợi thế đặc biệt của tỉnh. Đặc biệt với giá trị tài nguyên thiên nhiên lớn, giàu tính đa dạng sinh học là lợi thế giúp địa phương phát triển ngành kinh tế nông nghiệp đa dạng, hướng đến văn hóa du lịch, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.


Anh Khoa
.
.