Việc thu thập, cung cấp thông tin về trẻ em mới sinh cho Bộ Công an còn sai sót

Thứ Sáu, 29/04/2016, 15:52
Ngày 26-11-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2083/QĐ- TTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Đây chính là tiền đề quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng một cơ sở dữ liệu dùng chung, từng bước hiện đại hóa công tác quản lý dân cư, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Sau ba tháng thực hiện thí điểm tại 4 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An), dù bước dầu đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định. Để hiểu thêm vấn đề này, phóng viên Báo CAND đã trao đổi với Trung tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an.

Số định danh cá nhân được dùng để cấp Thẻ Căn cước công dân.

Về mặt tích cực, Trung tướng Trần Văn Vệ cho biết, nhìn chung, việc cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, bước đầu đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành, đáp ứng được yêu cầu của nhân dân. Thành công của việc triển khai thí điểm cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh cũng thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Bộ Tư pháp, sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, có hiệu quả của các đơn vị nghiệp vụ hai Bộ. Tuy nhiên, trong quá trình thí điểm cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh tại 5 địa phương cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến hiệu quả của việc cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh. Cụ thể,

Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành mới được ban hành; đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là cấp cơ sở chưa được đào tạo, tập huấn kịp thời, trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế nên tổ chức thực hiện còn lúng túng; việc thu thập, cung cấp thông tin của trẻ em mới sinh cho Bộ Công an còn một số sai sót nhất định, dẫn đến việc phải chỉnh sửa thông tin công dân hoặc phải hủy số định danh cá nhân đã cấp cho trẻ em mới sinh.

Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị phục vụ việc đăng ký khai sinh, thu thập truyền dữ liệu của Bộ Tư pháp và ngành Tư pháp tại các địa phương còn nhiều hạn chế, chưa được đầu tư đồng bộ; hệ thống đường truyền còn gặp sự cố làm ảnh hưởng đến tốc độ truyền dữ liệu tại các địa phường về Bộ Tư pháp. Một yếu tố nữa là quy chế phối hợp tạm thời trong việc cấp số định danh cá nhân giữa Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) và các Cục nghiệp vụ của Bộ Tư pháp đang trong thời gian xây dựng, thí điểm và hoàn thiện dẫn đến còn một số bất cập cần điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện, nhằm khắc phục tình trạng quản lý dân cư thủ công, cũng như tình trạng một số công dân được cấp nhiều loại giấy tờ tùy thân với nhiều mã số như hiện nay.

Theo đồng chí Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, để việc cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh đạt hiệu quả cao hơn nữa, trong thời gian tới Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về căn cước công dân và hộ tịch để nhân dân nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và số định danh cá nhân. Từ đó tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành, sự ủng hộ và tự giác thực hiện các quy định về đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh.

Bên cạnh đó, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn thiện quy chế phối hợp, trao đổi, xác thực thông tin, đảm bảo việc phối hợp cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh được kịp thời, thuận tiện, chính xác và nhanh chóng. 

Nguyễn Hưng
.
.