Hành trình vượt khó của "người thầy tất cả các môn học"

Thứ Hai, 12/12/2016, 15:39
Từ khi lọt lòng mẹ, Lê Minh Tâm đã không nhìn thấy được ánh sáng giống như 4 anh em của mình (trong tổng số 11 người con trong gia đình). Lớn lên trong nỗi bất hạnh, nhưng cậu bé khiếm thị đã không chịu buông xuôi theo số phận mà vẫn quyết chí học tập, vươn lên.


Sau khi học xong phổ thông rồi hoàn thành 4 năm đại học, Tâm trở thành thầy giáo của Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh… Để có được thành quả đó, là ý chí khắc phục mọi khó khăn vươn lên, sự cố gắng tột bậc trong học tập, làm mọi việc để kiếm tiền trang trải cho việc học và sinh sống của Tâm…

Hôm ấy, hẹn gặp được Lê Minh Tâm (26 tuổi, ngụ ấp Trường Phước, xã Trường Tây, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh) tại phòng trọ của anh trai Tâm tại đường Tân Kỳ, Tân Quý, quận Bình Tân khi "người thầy của tất cả các môn học" ở Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh (thuộc Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Tây Ninh) tranh thủ xuống TP Hồ Chí Minh vào cuối tuần để dạy vi tính và đàn cho một học sinh cũng bị khiếm thị như Tâm.

Lê Minh Tâm trong những lần được tuyên dương, nêu điển hình.

Tâm bảo rằng một công đôi việc, ngoài dạy học cho em học sinh này, Tâm còn tranh thủ học thêm vi tính với một người bạn ở TP Hồ Chí Minh để có thêm kiến thức về phần mềm các môn học khác để có thể làm tốt công việc giảng dạy của mình ở trung tâm.

Tâm vui mừng thông báo, sau khi vừa tốt nghiệp khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cách đây vài tháng, Tâm đã được nhận về Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh với công việc là dạy hỗ trợ các trẻ bị khiếm thị đi học hòa nhập.

"Công việc của tôi ở trung tâm là dạy kèm tất cả các môn cho các khối lớp - từ lớp 7 đến lớp 11. Cụ thể, với các em học ở trường bên ngoài vào buổi sáng thì buổi chiều tôi dạy kèm, ngược lại với các em học buổi chiều thì tôi dạy kèm vào buổi sáng", Tâm vui vẻ cho biết.

Theo lời Tâm thì Trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh có tất cả 54 trẻ, đều còn trong độ tuổi đi học (còn ngoài độ tuổi này thì các em sẽ hồi gia về địa phương). Chính bản thân Tâm cũng từng học cấp 1 ở trung tâm này…

Do Tâm mới nhận việc tại trung tâm được hơn 1 tháng nên còn khá nhiều điều bỡ ngỡ và khó khăn. Chưa kể Tâm học Đại học Sư phạm ngành Ngữ văn nhưng hiện tại phải dạy đều tất cả các môn nên ngoài việc phải bổ sung thêm kiến thức thì vấn đề cài đặt hay sử dụng phần mềm vi tính cho các môn học cũng khiến Tâm phải xuống TP Hồ Chí Minh vào mỗi cuối tuần để học hỏi từ một người bạn cũng bị khiếm thị nhưng thông thạo về các phần mềm vi tính cho các môn học, để về dạy các em tốt hơn.

Lê Minh Tâm khi còn là sinh viên sư phạm.

Tâm chia sẻ dù gặp một số khó khăn như vậy nhưng việc được dạy tại trung tâm đã khiến Tâm rất hứng khởi và vui sướng, đúng như ước nguyện cả đời của em. "Em được nhận vào làm việc ở trung tâm cũng giống như em được quay về "mái nhà" của mình; như một người anh quay về truyền đạt những gì mình biết cho lứa em nhỏ. Vì thế, em thấy công việc của mình rất ý nghĩa. Những khó khăn chật vật mình phải trải qua thì bây giờ coi như mình được bù đắp lại", Tâm tỏ ra xúc động.

Tuy vậy, nhìn lại hành trình học tập của Tâm từ cấp 1 cho đến hoàn thành xong 4 năm đại học quả là gian nan, vất vả; nhưng với sự cố gắng vượt bậc, em đã lần lượt vượt qua một cách ngoạn mục.

Bố mẹ Tâm (bố mưu sinh bằng nghề chụp ảnh dạo. Mẹ mất sức lao động từ nhiều năm nay) có tất cả 11 người con, Tâm là con út, gia cảnh nghèo khó, cộng với việc trong 11 người con thì có đến 5 người bị khiếm thị.

Theo anh Lê Hữu Cưng (ngoài 40 tuổi, hiện đang tạm trú ở đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân, hành nghề bán vé số nhiều năm nay) là anh trai của Tâm cũng bị khiếm thị, cho biết các bác sĩ đã khám và kết luận 5 anh em anh bị khiếm thị vì không có sắc tố giác mạc và bệnh không di truyền.

"Dù các bác sĩ bảo rằng bệnh này không di truyền nhưng tôi vẫn thắc mắc là nếu không di truyền thì tại sao 11 anh em tôi lại có đến 5 người cùng bị khiếm thị như nhau.

Tuy ba mẹ tôi nghèo khó, đông con, và có tới 5 người con bị khiếm thị mà vẫn nuôi dạy chúng tôi lớn lên, thành người quả là một kỳ tích mà bây giờ nhiều khi nghĩ lại tôi cũng không hiểu tại sao ba mẹ tôi lại làm được như vậy", anh Cưng tâm sự.

Hiện nay ngoài Tâm đã được học hành đến nơi đến chốn, có công việc (hàng ngày Tâm đi làm ở Trung tâm cách nhà khoảng 4km, được ba anh (năm nay đã 70 tuổi) chở đi đón về bằng xe máy) thì các anh em còn lại đều đã thành gia thất, có công việc kiếm sống được, nhất là anh trai thứ 4 và thứ 6 bị khiếm thị của Tâm đều là người dạy nhạc…

Hồi ấy, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên những người anh mù lòa của Tâm phải bươn chải đi bán vé số để phụ giúp cha mẹ. Tâm cũng không được đến lớp mà phải sống đơn độc trong bóng tối.

Hàng ngày, nghe lũ trẻ hàng xóm rủ nhau cắp sách đến trường và kể chuyện học hành khiến lòng Tâm luôn khát khao được đi học để hiểu biết về thế giới.

May mắn sau đó tại địa phương mở trung tâm học tập dành cho người khiếm thị (chính là Trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh) nên Tâm có cơ hội được đến trường.

Gặp nhiều gian khó khi mò mẫm nhận biết từng con chữ để tiếp thu kiến thức nhưng cậu học trò khiếm thị này luôn đạt học lực giỏi khiến bố mẹ cậu rất vui lòng. Ngoài học văn hóa, Tâm còn được học đàn. Cậu học trò nghèo tỏ ra có năng khiếu âm nhạc và từng được sang tận Na Uy biểu diễn…

Lên cấp 2, Tâm lại phải bắt đầu một cuộc sống mới với bao khó khăn của cuộc sống xa nhà. Tâm chuyển xuống TP Hồ Chí Minh để theo học tại Trường THPT dành cho học sinh khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu (quận 10).

Những năm học cấp 2, cấp 3, cậu học trò khiếm thị Lê Minh Tâm đã đạt được nhiều giải thưởng cao quý như Huy chương bạc Hội thi Văn nghệ và Thể thao toàn quốc, Huy chương vàng Hội thi Cờ vua và cờ tướng cấp thành phố, giải nhì cuộc thi học sinh giỏi môn Văn thành phố…

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Tâm quyết tâm thực hiện ước mơ trở thành thầy giáo của mình. Và vào mùa thi năm 2012, Tâm đã thi đậu vào ngành Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.

Những lần Tâm cùng anh trai đi bán vé số dạo.

Đây thực sự là bước ngoặt để Tâm chuẩn bị hành trang mở ra một trang mới cho cuộc đời mình. Theo lời Tâm thì việc được học đại học sư phạm sẽ giúp em cơ hội có việc làm ổn định, được giảng dạy, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ như mình.

Kể lại quãng thời gian học đại học của mình, Tâm tỏ ra sôi nổi hẳn. "Kỳ tốt nghiệp đại học vừa rồi em đạt loại khá đấy", Tâm vui mừng "khoe". Với người bình thường học đại học đã gặp rất nhiều khó khăn thì với Tâm - một người khiếm thị, hoàn cảnh gia đình nghèo khó thì còn khó khăn muôn vàn.

Ngoài việc lên lớp nghe giảng như tất cả các bạn đồng môn bình thường thì Tâm phải nhờ người scan tất cả giáo trình các môn học ra file PDF, rồi lại chuyển về file Word để đọc trên máy tính có phần mềm đọc dành cho người khiếm thị.

Riêng các buổi giảng dạy mà thầy cô dùng file trình chiếu trên màn hình thì cái nào Tâm xin được sẽ mang về tham khảo, nhưng nếu đó là tài liệu giảng dạy riêng thì Tâm chỉ còn cách chú ý nghe và ghi nhớ kỹ vì thầy cô sẽ không cho sao chép hay lấy về.

"Nghe kể lại thì có vẻ đơn giản nhưng những công đoạn ấy cũng phức tạp và gặp nhiều khó khăn, nên em đã phải cố gắng rất nhiều. Mỗi lần thi môn gì thì em ngồi đánh trực tiếp trên máy tính có phần mềm dành cho người khiếm thị.

Có một giám thị ngồi gác ngay bên cạnh. Sau khi em hoàn thành bài thi thì vị giám thị này sẽ copy bài thi của em vào một USB đem về phòng khảo thí in ra như một bài của sinh viên bình thường.

Em thấy thời gian học đại học, việc khó khăn nhất với em là đi lại, thứ hai là việc tiếp cận với giáo trình các môn học, còn lại những việc khác em đều có thể tự khắc phục được ", Tâm thật lòng chia sẻ.

Đúng như lời Tâm thì khi mới nhập học, Tâm định xin vào ký túc xá ở nhưng lại không tiện cho việc đi làm thêm nên đành phải ra ngoài thuê phòng trọ. Nơi Tâm trọ cách trường khoảng 3km. Thời gian đầu, do chưa quen đường nên Tâm phải thuê xe ôm đến trường. Sau đó, Tâm tập đi học bằng xe buýt cho đỡ tốn kém…

Bên cạnh đó, để tự khẳng định mình và hòa nhập với cộng đồng, Tâm đã tham gia nhiều hoạt động phong trào hay giao lưu văn nghệ của trường lớp (Tâm chơi thông thạo khá nhiều loại đàn như guita, đàn tranh và organ) được thầy cô và bạn bè yêu mến, gặt hái được nhiều thành công như được Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh trao tặng Huy chương Thanh niên ưu tú làm theo lời Bác…

Có gặp gỡ, tiếp xúc, trò chuyện với Tâm mới thấy và cảm phục ý chí lạc quan, vượt qua bóng tối vươn lên làm người hữu ích của "người thầy giáo tất cả các môn học".

Từ một cậu bé khiếm thị, Tâm đã nỗ lực, phấn đấu vừa học, vừa làm để giờ đây trở thành người thầy dạy dỗ các em khiếm thị đồng cảnh ngộ như mình. Điều đáng nói theo lời Tâm thì ngoài dạy chuyên môn, em còn dạy học trò của mình cả cách sống, cách thích nghi với cuộc sống để tự vươn lên, làm người có ích. Đáng quý và cảm phục lắm thay!

Phú Lữ
.
.