Chỉ là đồng minh trên danh nghĩa

Thứ Hai, 21/08/2017, 09:36
Hồi cuối tuần qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã công khai kêu gọi cộng đồng người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ không bỏ phiếu cho 2 đảng trong liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử ở Đức vào tháng 9 tới. 


Lời kêu gọi của ông Erdogan rõ ràng cho thấy, quan hệ giữa Ankara và Berlin, hai đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là hai đối tác chiến lược ở châu Âu, giờ chỉ còn là đồng minh quân sự và đối tác chiến lược trên danh nghĩa.

Trong 2 ngày 18 và 19-6, Tổng thống Erdogan liên tục kêu gọi các cử tri gốc Thổ Nhĩ Kỳ, ước tính vào khoảng 1,2 triệu người, không bỏ phiếu cho Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng như đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel và đảng Xanh trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 24-9 tới, do cho rằng, các chính đảng này “đang mở chiến dịch chống Ankara”. 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Ông nhấn mạnh: “Hãy dạy cho 3 đảng này một bài học trong các kỳ bầu cử. Họ đang mở chiến dịch chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Hãy bỏ phiếu cho những người không coi Thổ Nhĩ Kỳ là kẻ thù”. Bên cạnh đó, Tổng thống Erdogan cũng nhấn mạnh, Ankara sẽ hợp tác với các quốc gia rộng cửa đón chào Thổ Nhĩ Kỳ và ngược lại sẽ mở cửa chào đón các nước này tới Thổ Nhĩ Kỳ. Lời kêu gọi này đã khiến chính quyền Berlin vô cùng sửng sốt. Người phát ngôn của Thủ tướng Merkel, ông Steffen Seibert, ngay lập tức lên tiếng bày tỏ “mong muốn các chính phủ nước ngoài không can thiệp vào các công việc nội bộ của chúng tôi”. 

Ngoại trưởng Gabriel thì kịch liệt chỉ trích Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có “hành động can thiệp chưa từng thấy” vào chủ quyền của Đức: “Sự can thiệp của (Tổng thống) Erdogan vào chiến dịch bầu cử của Đức cho thấy ông ta muốn kích động người dân ở Đức chống lại nhau”. 

Thẳng thừng đáp trả lời cáo buộc này, Tổng thống Erdogan cảnh báo người đứng đầu ngành ngoại giao Đức phải “biết những giới hạn của mình”. Ông nhấn mạnh: “Ông ta không biết giới hạn. Ông là ai mà nói chuyện với tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ? Hãy nên biết giới hạn của mình. Ông ta đang cố gắng dạy cho chúng ta một bài học… Ông đã bước vào chính trường bao lâu rồi? Ông bao nhiêu tuổi?”.

Quan hệ giữa Ankara và Berlin bắt đầu căng thẳng kể từ hồi tháng 4 năm nay khi Đức không cho phép các quan chức Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tới Đức để vận động cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi Hiến pháp trong cuộc trưng cầu ý dân nhằm tăng quyền lực cho ông Erdogan. 

Mâu thuẫn tiếp tục leo thang khi chính quyền Ankara từ chối các nghị sĩ Đức đến thăm binh lính đóng quân tại các căn cứ không quân Incirlik và Konya ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ một nhóm các nhà hoạt động xã hội, trong đó có một công dân Đức do tình nghi người này thuộc một tổ chức mà chính quyền Ankara cho là khủng bố. 

Hôm 7-8 vừa qua, Tổng thống Erdogan tiếp tục cáo buộc Đức “hỗ trợ khủng bố” khi không trả lời các hồ sơ chuyển tới Berlin hoặc giao nộp những “nghi phạm khủng bố” mà phía Ankara yêu cầu.

Những tuyên bố của Tổng thống Erdogan trong những ngày gần đây đang đẩy mối quan hệ vốn đã “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức tới bờ vực của sự đổ vỡ. Không những vậy, Thổ Nhĩ Kỳ còn muốn dùng chính mối quan hệ không được tốt đẹp này để răn đe và cảnh báo những thành viên khác của NATO và Liên minh châu Âu (EU). 

Điều này, theo giới chuyên gia, sẽ khiến con đường gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng hẹp lại trong khi đặt thoả thuận di cư giữa EU và Ankara vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Nhưng lại khiến EU gặp thêm khó khăn trong việc giải quyết vấn đề người tị nạn, và cũng khiến NATO gặp điều tương tự trong cuộc chiến chống khủng bố.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.