Mỹ và Trung Quốc nổi giận về việc CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6

Chủ Nhật, 03/09/2017, 19:49

Sau vụ thử bom nhiệt hạch (bom H) trưa 3-9 của CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nước này là "mối đe dọa lớn" đồng thời là "nỗi xấu hổ" của Trung Quốc, nước đã "cố gắng giải quyết tình hình nhưng bất thành".

Vụ thử hạt nhân “thành công mĩ mãn”  

Đài truyền hình quốc gia Triều Tiên đưa tin ngày 3-9, vụ thử bom nhiệt hạch (bom H) lần thứ 6 này của Bình Nhưỡng đã "thành công mĩ mãn" và không có dấu hiệu rò rỉ nhiên liệu hạt nhân ra bên ngoài.

Tin tức đặc biệt này đã được thông báo bởi người dẫn chương trình Ri Chun Hee - người đảm nhiệm việc công bố các thông tin quan trọng của Bình Nhưỡng trên sóng truyền hình quốc gia trong vòng 40 năm qua.

Đài truyền hình Triều Tiên cũng phát sóng hình ảnh cho thấy dường như Chủ tịch Kim Jong Un là người ký lệnh tiến hành vụ thử hạt nhân.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chỉ đạo việc chế tạo bom H. Ảnh: KCNA/Reuters

Thông báo cũng cho biết, sau một loạt vụ thử tên lửa tầm xa, đây là vụ thử bom nhiệt hạch được thiết kế trang bị cho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới phát triển.

Tất cả thành phần của bom H đều được chế tạo ở trong nước, việc này cho phép Triều Tiên có thể sản xuất bom H số lượng lớn mà không phụ thuộc vào nước ngoài.

Hơn nữa, với loại bom H công nghệ mới này, Bình Nhưỡng có thể thực hiện các cuộc tấn công răn đe với sức mạnh hủy diệt cũng như tạo ra cuộc tấn công xung điện từ (EMP), đánh sập hệ thống năng lượng, máy tính, thông tin liên lạc của đối phương.

Sức công phát mạnh nhất từ trước đến nay  

Ông Kim Young Woo, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Quốc hội Hàn Quốc  cho hay, sức công phá của vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên mạnh hơn rất nhiều so với 5 vụ thử hạt nhân trước đó hồi 2006, 2009, 2013 và 2016 (2 vụ).

Báo cáo sơ bộ cho thấy, nếu vụ thử hạt nhân lần 5 hồi tháng 9-2016 của Bình Nhưỡng có sức công phá khoảng 10 kiloton (~10.000 tấn thuốc nổ TNT), thì vụ thử hạt nhân mới nhất này có sức công phá tới 100 kiloton (~100.000 tấn thuốc nổ TNT).  

Ông Kim cũng thêm rằng, để dễ hình dung thì vụ thử nhiệt hạch trưa 3-9 của Bình Nhưỡng có sức công phá mạnh gấp 4-5 lần so với quả bom hạt nhân từng thả xuống thành phố Nagasaki (Nhật Bản) năm 1945, khiến 74.000 người thiệt mạng. Và đây sẽ là một bước ngoặt chiến lược và quan trọng về chính trị đối với Triều Tiên.

Mỹ sẽ “thêm dầu vào lửa” ?

Đây là vụ thử hạt nhân đầu tiên của nước này kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền. Dù đang bận rộn giải quyết hậu quả bão lũ tại Texas, trên trang mạng xã hội của mình, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra những bình luận đầu tiên.

“Triều Tiên là đất nước anh em, nhưng đã trở thành mối đe dọa lớn cũng như nỗi xấu hổ của Trung Quốc, nước đã cố gắng giải quyết tình hình nhưng chẳng mấy thành công", ông Trump viết. 

Tổng thống Donald Trump cũng cho rằng "sự nhân nhượng với Triều Tiên không có tác dụng".

Liệu Mỹ sẽ "thêm dầu" vào sự "hừng hực" hiện tại của Triều Tiên? Ảnh: Getty. 

Hiện tại, giới chuyên gia cho biết, Mỹ sẽ phải cân nhắc hai kịch bản “lửa thịnh nộ” hoặc “thúc đẩy đàm phán”.

Theo đó, thay vì nhất quyết “thêm dầu” vào sự “hừng hực” từ phía Triều Tiên, Mỹ nên trấn an các đồng minh châu Á cũng như thúc giục Nga và Trung Quốc trong việc trừng phạt, buộc Bình Nhưỡng phải thay đổi thái độ.

Với sức mạnh hạt nhân phát triển như hiện nay, Triều Tiên không chỉ có khả năng “nắn gân” Hàn Quốc, Nhật Bản, đảo Guam (lãnh thổ hải ngoại của Mỹ), mà thậm chí cả châu Á và châu Âu. Nếu Mỹ tiếp tục đối đầu với Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong-un có thể sẽ sớm “hạt nhân hóa” bán đảo này.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã giận giữ tuyên bố, nước này phản đối và lên án mạnh mẽ Triều Tiên thử hạt nhân lần 6. Vụ việc diễn ra trước khi hội nghị BRICS khai mạc cùng ngày tại Hạ Môn (Trung Quốc) được coi là một "đòn muối mặt" của Bình Nhưỡng đối với Bắc Kinh.

Như Uyên (tổng hợp)
.
.