Mỹ tăng cường liên minh chống IS sau khi thủ lĩnh bị tiêu diệt

Thứ Ba, 29/10/2019, 08:48

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington muốn củng cố một liên minh nhằm chiến đấu với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Đông Bắc Syria sau khi thủ lĩnh của tổ chức này bị tiêu diệt cuối tuần qua.

Thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi. Ảnh Reuters. 

Quan chức ngoại giao trên cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump dù tuyên bố rút các lực lượng Mỹ ra khỏi miền Bắc Syria ngày 6-10 nhưng không khẳng định rằng Washington đã từ bỏ cuộc chiến chống lại IS.

Theo quan chức này, các nhiều bộ trưởng ngoại giao các nước sẽ nhóm họp tại Washington vào ngày 14-11 tới để thảo luận về chiến lược chống IS thời gian tới.

Ông Trump đã bớt mạnh mẽ đối với kế hoạch rút quân khỏi Syria sau những phản ứng dữ dội từ phía Quốc hội, bao gồm cả những nghị sĩ đảng Cộng hòa, cho rằng ông đã “bật đèn xanh” cho cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào lực lượng người Kurd ở Syria, những người từng là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS từ năm 2014.

Các lực lượng đặc biệt của Mỹ đã thực hiện chiến dịch tại Syria, trong đó, thủ lĩnh IS Baghdadi đã tự sát cùng với ba người con của mình bằng các kích hoạt bom được gắn trên áo khi hắn bị dồn vào đường cùng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông có thể giải mật và công bố một phần video của cuộc đột kích ngày 26-10. Đoạn video được cho là có các cảnh quay từ trên không và có thể có cả từ những chiếc camera gắn trên những người lính xông vào nơi ẩn náu của Baghdadi.

“Chúng tôi sẽ xem xét điều đó. Chúng tôi có thể công bố một số phần của video này”, ông Trump cho biết.

Trước đó, Tổng thống Mỹ ngày 27-10 cho biết Baghdadi trước khi chết đã “khóc nức nở” trong chiến dịch đã hoàn thành mục tiêu an ninh quốc gia hàng đầu của ông.

Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã hoan nghênh chiến công này của các lực lượng Mỹ, tuy nhiên, họ cũng như nhiều chuyên gia an ninh khác cảnh báo rằng nhóm khủng bố, từng thực hiện các hành động tàn ác chống lại các nhóm thiểu số tôn giáo và gieo rắc nỗi kinh hoàng lên thế giới Hồi giáo, vẫn là một mối đe dọa về an ninh tại Syria nói riêng và nhiều nơi khác.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã tránh trả lời câu hỏi liệu Mỹ đã trao đổi với Nga về cuộc đột kích này trước khi tiến hành hay không.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết cái chết của Baghdadi là một đòn mạnh giáng vào IS, nhưng “cuộc chiến vẫn tiếp tục cho đến khi hoàn toàn đánh bại tổ chức khủng bố này”.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước này sẽ “hợp tác với các đối tác liên minh để chấm dứt các hoạt động giết người man rợ của Daesh (IS) mãi mãi”.

Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết IS là “một con quái vật nhiều đầu. Khi một đầu bị chặt đi, một đầu khác chắc chắn sẽ phát sinh”.

Ở Đông Nam Á, một trọng tâm quan trọng đối với IS, các quan chức cho biết các lực lượng an ninh đang chuẩn bị cho một trận chiến dài để ngăn chặn ý thức hệ của tổ chức này.

Philippines, Indonesia và Malaysia, nơi có một số phiến quân Hồi giáo có tổ chức nhất châu Á, cho biết họ đã chuẩn bị để ứng phó với những chiến binh trung thành với IS, bao gồm cả những cuộc tấn công của những con sói đơn độc.

Duy Tiến (Theo Reuters)
.
.