Phương Tây đồng loạt đứng về phía Tây Ban Nha, Catalonia rơi vào thế đơn độc

Thứ Bảy, 28/10/2017, 10:45
Một loạt quốc gia phương Tây bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức đã lên tiếng ủng hộ Tây Ban Nha, đồng thời cam kết không công nhận tuyên bố độc lập mà nghị viện vùng tự trị Catalonia vừa thông qua.

Reuters ngày 28-10 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert khẳng định, Catalonia là một phần không tách rời của Tây Ban Nha và Mỹ ủng hộ các biện pháp dựa trên hiến pháp của chính quyền trung ương Madrid nhằm duy trì một đất nước Tây Ban Nha vững mạnh, thống nhất.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert. Ảnh: ITN

Trong khi đó, từ phía Liên minh châu Âu (EU), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker khẳng định Madrid "vẫn là đối tác duy nhất" của họ.

"Chúng ta không nên can thiệp vào tranh cãi nội bộ của Tây Ban Nha. EU ủng hộ lập trường của Madrid. Tôi không muốn có một EU gồm 95 quốc gia thành viên trong tương lai", ông Juncker nói, ám chỉ khối này cũng sẽ nói không với các cuộc trưng cầu ý dân đòi ly khai khác trong tương lai.

Liên minh châu Âu khẳng định ủng hộ lập trường của Tây Ban Nha. Ảnh: ITN

Các thành viên chủ chốt của EU bao gồm Pháp, Anh, Italy và Đức đều thống nhất không công nhận tuyên bố độc lập mà nghị viện vùng tự trị Catalonia vừa thông qua.

"Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Tây Ban Nha đã và sẽ luôn không thể bị xâm phạm", Steffen Seibert, người phát ngôn chính phủ Đức, viết trên Twitter. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chính phủ Đức thì khẳng định ủng hộ hoàn toàn Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy trong quyết tâm bảo vệ hiến pháp nước này.

Về phần mình, người phát ngôn Chính phủ Anh nêu rõ tuyên bố của Catalonia được đưa ra dựa trên một cuộc bỏ phiếu mà Tòa án Tây Ban Nha đã tuyên bố là bất hợp pháp. "Sự thống nhất của Tây Ban Nha cần phải được tôn trọng", tuyên bố có đoạn.

Catalonia hiện chỉ nhận được sự ủng hộ duy nhất từ Scotland, một bộ trưởng vùng lãnh thổ thuộc Anh này cho hay Scotland ủng hộ hành động của Catalonia và "người dân nơi đây phải được tự quyết định tương lai". Scotland hiện cũng đang nuôi hi vọng tổ chức trưng cầu ý dân tách khỏi Anh, bất chấp phản đối kịch liệt từ phía London.

Được biết, Liên Hợp Quốc cung đã lên tiếng về cuộc khủng hoảng ly khai ở Tây Ban Nha, coi đây là vấn đề nội bộ. Song, Tổng thư ký Antonio Guiterres cũng cho rằng các bên cần hành xửe theo đúng Hiến pháp Tây Ban Nha, thông qua đối thoại.

Thiện Nhân
.
.