Tổng thống Mỹ quyết định không phong tỏa “ổ dịch” New York

Thứ Hai, 30/03/2020, 07:36
Hôm 28/3 (giờ địa phương – ngày 29/3 giờ Việt Nam), sau khi cân nhắc và tham vấn thống đốc các tiểu bang, Tổng thống Mỹ đã quyết định không áp đặt lệnh cách ly đối với khu vực New York, tiểu bang New Jersey và Connecticut để ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2). 


Bất chấp tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến nguy hiểm tại Mỹ với số ca nhiễm mới và tử vong đều tăng kỷ lục, Tổng thống Donald Trump vẫn tuyên bố sẽ không áp dụng biện pháp phong tỏa đối với các bang New York, New Jersey và Connecticut. Tuy nhiên riêng đối với bang New York, nơi hiện có số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất nước, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu ban bố cảnh báo đi lại.

Hôm 28/3 (giờ địa phương – ngày 29/3 giờ Việt Nam), sau khi cân nhắc và tham vấn thống đốc các tiểu bang, Tổng thống Mỹ đã quyết định không áp đặt lệnh cách ly đối với khu vực New York, tiểu bang New Jersey và Connecticut để ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).

Tổng thống Donald Trump khẳng định: “Một lệnh cách ly sẽ là không cần thiết. Thông tin chi tiết sẽ được CDC (Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh) công bố sau”. Thay vào đó, ông yêu cầu CDC ban bố một “khuyến cáo về đi lại” đối với New York, New Jersey và Connecticut.

CDC sau đó ra khuyến cáo đề nghị người dân tại ba khu vực nêu trên hạn chế thực hiện “những hoạt động đi lại không cần thiết” trong vòng 14 ngày để phòng nguy cơ lây lan của dịch COVID-19. Quyết định trên được đưa ra sau khi phương tiện truyền thông cho biết Tổng thống Donald Trump đang xem xét áp lệnh cách ly bắt buộc trong ngắn hạn, có thể là hai tuần, đối với thành phố New York và vùng phụ cận, cũng như nhiều khu vực thuộc các bang New Jersey và Connecticut.

New York chưa bị cách ly để phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: NBC News

Trong khi đó, Thống đốc các bang Texas, Florida, Maryland và Nam Carolina đã yêu cầu những người tới từ khu vực New York và phụ cận – tức là bao gồm cả một số khu vực thuộc bang New Jersey và Connecticut – và những “điểm nóng” dịch COVID-19 khác phải tiến hành cách ly 14 ngày kể từ ngày đến.

Trước đó cùng ngày, Sở Cảnh sát New York (NYPD) thông báo trên 500 thành viên lực lượng này đã dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có  442 cảnh sát và 70 nhân viên dân sự của lực lượng này. Hiện trên 4.111 nhân viên cảnh sát khác của thành phố đang nghỉ ốm, chiếm 11% tổng quân số cảnh sát của “thành phố không ngủ” này.

Đây là số ca mắc bệnh cao kỷ lục của NYPD, tăng đột biến so với hồi đầu tuần, thời điểm mới chỉ có 211 ca mắc bệnh. Thống đốc bang New York Andrew Coumo thông báo số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại bang này đã lên tới 52.318 trường hợp với 728 ca tử vong, đồng thời thông báo lùi thời điểm của cuộc bầu cử sơ bộ từ ngày 28/4 sang ngày 23/6.

Ngày 26/3, Mỹ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành tâm dịch COVID-19 mới của thế giới. Đến ngày 28-3, nước này ghi nhận thêm 247 ca tử vong mới, nâng tổng số người thiệt mạng lên 1.943. Số ca mắc bệnh tại Mỹ cũng nhiều nhất thế giới, 116.326 trường hợp. Thống kê mới nhất của Đại học Johns Hopkins cho thấy thành phố New York là nơi tập trung nhiều ca nhiễm nhất, chiếm hơn 50% số ca nhiễm trên cả nước Mỹ.

Cùng ngày, Chính phủ Hàn Quốc cho biết đang xem xét hỗ trợ tài chính cho 10 triệu hộ gia đình có thu nhập thấp như là một phần của các biện pháp khẩn cấp sau sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 ở nước này.

Theo kế hoạch, mỗi hộ gia đình 4 thành viên có thu nhập dưới mức thu nhập trung bình có thể nhận được một khoản tiền một lần lên tới 1 triệu won (820 USD), trong khi các hộ gia đình có ít hơn 4 thành viên có thể nhận được dưới 1 triệu won.

Một nước châu Á khác là Australia ngày 29/3 cũng công bố gói hỗ trợ trị giá 1,1 tỷ AUD cho những người làm việc trong lĩnh vực y tế và những đối tượng dễ bị tổn thương nhằm giúp các nhóm này đối mặt với những khó khăn trong bối cảnh hiện tại.

Cụ thể, Chính phủ Australia sẽ chi 669 triệu AUD để hỗ trợ việc khám bệnh từ xa cho công dân Australia ở trong nước cũng như đang ở nước ngoài nhằm làm hạn chế việc đi lại của những người không khỏe cũng như cung cấp hỗ trợ y tế cho những người không có điều kiện đi ra ngoài.

Thứ hai, Chính phủ Australia chi 150 triệu AUD để giúp đỡ nạn nhân của bạo lực gia đình đang có chiều hướng gia tăng trong những ngày qua. 74 triệu AUD khác cũng được Chính phủ Australia dành để hỗ trợ việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho những người đang gặp nhiều khó khăn do COVID-19. 200 triệu AUD sẽ được cấp cho các tổ chức từ thiện và các tổ chức cộng đồng để kịp thời cung cấp các hỗ trợ khẩn cấp và lương thực cho những đối tượng chịu nhiều tổn thương.

Ngoài những hỗ trợ này, Thủ tướng Scott Morrison cho biết, Chính phủ Australia và Ngân hàng Dự trữ đang nghiên cứu để tiếp tục bổ sung các hỗ trợ về thu nhập cho những người lao động đang gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh.

Theo Thủ tướng Scott Morrison, đây sẽ là gói hỗ trợ lớn nhất so với các gói hỗ trợ mà Chính phủ nước này đưa ra thời gian vừa qua. Cũng tại châu Á, truyền thông nhà nước CHDCND Triều Tiên ngày 29/3 cho biết Bình Nhưỡng đang huy động các trung tâm nghiên cứu danh tiếng trong nước để cùng phối hợp đưa ra các biện pháp khoa học nhằm ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch COVID-19 cũng như các bệnh truyền nhiễm khác.

Tại châu Âu, hôm 28/3, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte thông báo đã thông qua gói biện pháp mới có trị giá 4,7 tỷ euro (5,24 tỷ USD) nhằm hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19. Cụ thể, Chính phủ sẽ dành 4,3 tỷ euro cho chính quyền các thành phố đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và dành một quỹ đặc biệt 400 triệu euro cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn.

Thủ tướng Giuseppe Conte cũng hối thúc Liên minh châu Âu (EU) triển khai một loại “trái phiếu phục hồi” nhằm hỗ trợ đối phó với dịch bệnh COVID-19, đồng thời cho rằng EU cần có một công cụ nợ chung để thúc đẩy kế hoạch phục hồi và tái đầu tư nhằm hỗ trợ nền kinh tế của toàn khu vực.

Trong khi đó, tại ổ dịch lớn thứ hai của châu Âu sau Italy, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng hối thúc EU hành động và kêu gọi khối này đưa ra “chiến lược thống nhất về xã hội và kinh tế”. Ông Sanchez kêu gọi EU phát hành các trái phiếu phục hồi, cho rằng các nền kinh tế thành viên phải cùng chia sẻ gánh nặng nợ công nhằm đối phó với dịch COVID-19.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.