Vũ khí của Mỹ rơi vào tay khủng bố

Thứ Ba, 13/12/2016, 08:07
Hàng tấn vũ khí mà quân đội Mỹ cung cấp cho lực lượng đối lập ở Syria trong những năm qua có thể đã rơi vào tay của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Lời thừa nhận này của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner trong cuộc họp báo hôm 11-12 đang khiến cộng đồng thế giới lo ngại.

Lô vũ khí trị giá nhiều tỷ USD

Khi bị các phóng viên trong và ngoài nước hỏi dồn về việc Tổng thống Mỹ dỡ bỏ hạn chế cung cấp vũ khí cho phép đối lập ở Syria cũng như những lo ngại về việc liệu vũ khí này có lọt vào tay bọn khủng bố hay không, ông Mark Toner thừa nhận rằng không ai có thể chắc chắn về việc đó và rằng bản thân Bộ Ngoại giao Mỹ cũng không loại trừ khả năng như vậy.

Ông Mark Toner nói: Chúng tôi cung cấp viện trợ quân sự cho các phe nhóm này dưới sự giám sát chặt chẽ. Nhưng tất nhiên chúng tôi không thể đảm bảo rằng vũ khí sẽ không rơi vào tay kẻ khác. Như vậy, đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao của Mỹ công khai nói về vấn đề này.

Trước đó, từ hồi tháng 9, nhiều tờ báo của nga trong đó có tờ Sputnik đều đăng tải thông tin về việc Mỹ và Đức đã bí mật cấp vũ khí, tên lửa TOW chống tăng cho Mặt trận Hồi giáo cực đoan Al-Nusra. Thậm chí, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Syria Hadiya Khalaf Abbas còn cung cấp cả một đoạn băng ghi âm cuộc đối thoại giữa những tay súng khủng bố Al-Nursa và tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan với quân đội Mỹ ngay trước ngày xảy ra cuộc không kích của liên quân Mỹ nhằm vào quân đội chính phủ Syria đóng ở gần Deir ez-Zor. Còn tạp chí Focus của Mỹ thì dẫn lời kể của một cựu chỉ huy Al-Nusra cho biết, các tên lửa TOW chống tăng đã được Mỹ bàn giao trực tiếp cho tổ chức này.

Tờ Al-Waqt của Arab Saudi thì dẫn một nguồn tin khác cho biết Mỹ còn thả dù vũ khí cho IS xuống gần hồ Hamrin ở khu vực Tal Salimeh thuộc tỉnh Diyala ở phía Đông của Iraq để mở đường cho thành viên IS chạy từ Syria sang Iraq. Không chỉ có vũ khí mà những kẻ khủng bố này còn nhận được sự hỗ trợ về nhu yếu phẩm từ Mỹ trong một thời gian dài. Các gói hàng thường được máy bay thả dù xuống và sau đó được thành viên IS chất lên xe tải hoặc tàu để chở đến vùng đang hoạt động.

Trưởng ban An ninh và Quốc phòng của Quốc hội Iraq Hakem al-Zameli còn cho biết, ngoài tỉnh Diyala, còn có 3 tỉnh khác của Iraq là Salahuddin, Kirkuk, Al-Anbar, nơi người dân nhìn thấy nhiều máy bay Mỹ thả gói hàng khả nghi cho IS.

Lính Mỹ đi trên xe tăng ở làng al-Kherbeh, phía Bắc Aleppo, Syria. Ảnh: Reuters.

Một số nguồn tin khác khẳng định, số hàng hóa và vũ khí nói trên nằm trong gói viện trợ tổng thể với trị giá 618,7 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ từng thông qua để hỗ trợ các nhóm chống đối tại Syria. Tính đến nay, Mỹ đã cung cấp cho lực lượng chống đối ở Syria hàng trăm tấn vũ khí được đóng gói trong hơn 1.000 kiện hàng. Đợt cung cấp lớn nhất là hồi cuối tháng 10 năm ngoái khi có tới 50 tấn vũ khí (phần lớn là súng M-16 và AK-47) được gửi cùng một lúc. Số vũ khí này được đóng trong 112 kiện hàng và được chở trên 4 máy bay vận tải C-17 của Mỹ và thả dù xuống tỉnh Hassakeh.

Ngoài ra, Mỹ còn cung cấp vũ khí cho cả các nhóm phiến quân tại Afghanistan, nhất là những nhóm từng tuyên bố trung thành với IS. Hãng Amaq dẫn lời từ cơ quan tình báo SITE chuyên theo dõi và giám sát mạng lưới khủng bố quốc tế cho biết, quân đội Mỹ đã cung cấp cả bệ phóng tên lửa di động, máy liên lạc quân sự tiên tiến và nhiều lựu đạn.

Và mối lo về vũ khí hủy diệt hàng loạt

Cũng nói về vấn đề này, từ cuối tháng 2 đến nay, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã không ít lần bày tỏ lo ngại rằng, những loại vũ khí mà Mỹ cung cấp cho chính quyền Ankara cuối cùng lại rơi vào tay IS hoặc các nhóm vũ trang người Kurd như YPG hay PYD có cơ sở tại Syria.

Ông Tayyip Erdogan hồi cuối tháng 11 vừa qua còn tỏ ra thất vọng khi thừa nhận rằng ông đã chia sẻ lo ngại của mình với Tổng thống Barack Obama song phía Mỹ xem ra rất thờ ơ về mối hoại này. Còn Trung tâm nghiên cứu Stimson của Mỹ thì đưa ra một báo cáo cho thấy, hàng chục vũ khí hạt nhân của Mỹ được lưu trữ tại căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới Syria có nguy cơ rơi vào tay các phần tử khủng bố hoặc IS. Số vũ khí này gồm 50 quả bom hạt nhân đang được một lực lượng bị cho là “mỏng và yếu” của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ.

Một báo cáo khác của tình báo quân sự Mỹ (DIA) thì khẳng định, việc để trống sự an toàn đối với các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt mà Mỹ đang thực hiện là cách để tiếp tay khủng bố. Báo cáo này cũng cho biết, Lầu Năm Góc hoàn toàn nhận thức được hậu quả nguy hiểm của việc can dự vào cuộc nội chiến Syria và gián tiếp cung cấp vũ khí cho IS. Nhưng họ vẫn làm vì không muốn Nga gia tăng ảnh hưởng trong khu vực này cũng như muốn lật đổ và tiêu diệt tận gốc chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Trước đó, chính quyền Iraq từng gửi thư lên Liên Hợp Quốc cảnh báo về việc IS kiểm soát một kho vũ khí hóa học rộng lớn ở phía Tây Bắc Baghdad, nơi còn giữ khoảng 2.500 tên lửa cũ được nhồi tác nhân thần kinh sarin. Nga thì cảnh báo IS và các nhóm cực đoan khác ở Trung Đông đã nhận được cách tiếp cận các thành phần và công nghệ sản xuất vũ khí hóa học.

Một cuộc điều tra khác do phóng viên hãng AP thực hiện cũng cho thấy, nhiều băng nhóm buôn lậu nguyên liệu hạt nhân đã tìm cách giao dịch với IS và mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Chỉ trong vòng 3 năm qua, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) phối hợp với cảnh sát các nước đã 4 lần ngăn chặn được các băng buôn bán lậu nguyên liệu phóng xạ cho các phần tử quá khích trong đó có lượng cesium đủ tàn phá cả một khu vực rộng lớn.

Khánh Chi
.
.