Thanh Hóa và câu chuyện dọa bỏ giải

Thứ Sáu, 07/08/2020, 08:50
Người trong nghề vẫn thường nói vui, bóng đá Việt Nam chẳng khác gì cái chợ, ai thích thì chơi, đến khi “hết đam mê” thì dọa bỏ giải. 20 năm đeo mác “chuyên nghiệp”, những câu chuyện bỏ giải, mua đi bán lại thân xác các CLB vẫn diễn ra như cơm bữa và Thanh Hóa, đội bóng ông bầu Nguyễn Văn Đệ làm chủ tịch, chính là hình ảnh đại diện tiêu biểu cho nền bóng đá “kiểu mẫu” này.


50 sắc thái của xứ Thanh

Tháng 9/2009, Bộ Quốc phòng quyết định xóa sổ cái tên Thể Công, nhưng sự hiện diện của lứa cầu thủ áo lính cuối cùng vẫn tiếp tục tồn tại theo một cách khác tại sân chơi cao nhất Việt Nam. Hai tháng sau sau khoảnh khắc lịch sử ấy, Thể Công bán suất chơi V.League cho Thanh Hóa, đội đáng lý phải xuống hạng năm đó. Đích thân trung tướng Hoàng Anh Xuân, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel thời điểm đó bàn giao Thể Công về Thanh Hóa.

Luật của VFF rất đơn giản: Muốn nhận suất chuyển giao ở lại V.League, CLB tiếp nhận chỉ cần giữ khoảng 10-12 cầu thủ của đội bóng cũ. Một vài thủ tục đăng ký, tái cấu trúc công ty bóng đá cổ phần và thế là mọi chuyện được giải quyết.

Thanh Hóa từ “cõi chết” trở về, và chơi V.League từ ấy tới giờ. Trong những năm đầu tiên của thế kỷ mới, Thanh Hóa có nhà tài trợ vàng là bia Halida. Nhưng sau binh biến 2009, họ muốn làm lại, không sống dựa dẫm vào nguồn tin của một đơn vị tài trợ độc quyền.

Ông Nguyễn Văn Đệ, một doanh nhân có tiếng ở xứ Thanh, chủ đầu tư của bệnh viện lớn nhất nhì địa phương này, được Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh giao trọng trách quản lý đội bóng. Bầu Đệ có cái hay ngày ấy mà ít CLB nào có thể làm theo, là huy động nhiều doanh nghiệp chung tay góp sức. Khoảng 15 doanh nghiệp hùn vốn, mỗi đội đóng góp một chút và Thanh Hóa, dù không quá dư giả, vẫn đủ sức gồng gánh theo đuổi giấc mơ bóng đá đỉnh cao.

Năm 2015, khi việc kinh doanh không ổn, lại chịu nhiều áp lực từ dư luận, bầu Đệ có ý trả lại đội bóng cho tỉnh ở một cuộc họp. Tại cuộc họp ấy còn có cả sự hiện diện của đại diện Tập đoàn FLC, nhà đầu tư bất động sản mới nổi đang có nhiều dự án tại bãi biển Sầm Sơn. Ông Đệ muốn trả đội, FLC lập tức “dang tay” và trong một phút nóng giận, ông Đệ “ớ” người, buộc phải chuyển giao đội bóng cho FLC.

Bầu Đệ làm đơn xin VPF, VFF cho CLB Thanh Hóa bỏ giải V.League 2020.

FLC biến Thanh Hóa từ “con nhà nghèo” thành thiếu gia trong chớp mặt. Họ mua xe buýt mới, đặt chế độ nghỉ dưỡng và khách sạn xịn nhất nhì Việt Nam cho các cầu thủ. 

Có giai thoại kể rằng, cứ trong giai đoạn nghỉ, FLC lại cho cả đội vào các resort ở miền Trung để “xả hơi”. Rồi để biến Thanh Hóa thành thế lực của bóng đá Việt, FLC vào Nghệ An lấy người, từ Trọng Hoàng, Văn Bình và nhiều cầu thủ giỏi khác của người hàng xóm. Thậm chí, HLV Hữu Thắng đã đồng ý sơ bộ dẫn dắt Thanh Hóa nhưng phút cuối, thương vụ đổ bể vì lý do gia đình của ông Thắng.

Mùa 2017, FLC chi 130 tỷ cho bóng đá Thanh Hóa, một con số kỷ lục. Ông bầu Trịnh Văn Quyết dù đang còn nhiều dự án quan trọng, lại nợ thuế tỉnh nhưng không tiếc tiền đầu tư bóng đá. Bỏ nhiều tiền, chơi có nét nhưng không thể vô địch V.League mà như lý giải của đại diện của tập đoàn là “ba đánh một không chột cũng què”, tới lượt FLC tự ái, trao trả đội bóng cho tỉnh.

Thế là, từ chỗ ăn trên ngồi trốc, bóng đá Thanh Hóa đứng trước viễn cảnh trở về những ngày khởi đầu, cho tới khi bầu Đệ xuất hiện và lãnh trách nhiệm.

“Chuyên nghiệp” là trò đùa?

Ngót 2 năm kể từ ngày trở lại tiếp quản bóng đá, bầu Đệ luôn biết cách khiến cả nền bóng đá phải dõi theo mình. Ông đã dùng 5 HLV, vẫn duy trì cách quản trị “độc đoán và khác người”, can thiệp sâu vào chuyên môn và đôi khi, giới mộ điệu vẫn gọi ông là “HLV Đệ” chứ không phải một ông chủ tịch thường thấy ở các CLB bóng đá.

Và mặc kệ tất cả, với tính cách vốn có, bầu Đệ luôn bảo lưu quan điểm, nói rằng ông phải có trách nhiệm với đồng tiền của các cổ đông, có trách nhiệm với người dân Thanh Hóa và tất cả các quyết định của ông đều được xây dựng trên cơ sở màu cờ sắc áo, vì tập thể.

Khi HLV Nguyễn Thành Công về liên tiếp đem về những kết quả tích cực, những tưởng rồi cuối cùng, xứ Thanh cũng có lấy ngày bình yên. Nhưng COVID-19 xuất hiện, buộc giải đấu hoãn tới 2 lần và đây là lúc, bầu Đệ chứng tỏ vì sao ông là ngài chủ tịch “nhiều chuyện” nhất lịch sử bóng đá Việt Nam.

Rất nhiều lần, Thanh Hóa bóng gió chuyện VPF, VFF và ban điều hành giải phải đưa ra phán quyết về số phận của V.League 2020. Nhưng chẳng ai dám tin rằng tối 5-8, Thanh Hóa gửi công văn dấu đỏ, có chữ ký của ông Đệ gửi lên VPF, VFF với nội dung: Thanh Hóa muốn bỏ giải!

Bỏ giải cũng dễ thôi, nhưng hậu quả của nó là vô cùng nghiêm trọng. Thanh Hóa nhẹ thì bị giáng xuống hạng 3, nặng thì bị xóa sổ vĩnh viễn. Nhưng bỏ giải, không chỉ Thanh Hóa và những nỗ lực chuyên nghiệp hóa bóng đá Việt sẽ bị hủy hoại hoàn toàn. Nó sẽ trở thành “án điểm”, khiến nhà tài trợ và người hâm mộ quay lưng.

Tất nhiên, ông Đệ có cái lý của mình khi mùa giải kéo dài nghĩa là tiền lương, thưởng, lót tay của cầu thủ phải tính lại. Tuy nhiên, ông Đệ chỉ là người đại diện đứng ra điều hành đội, gọi là nhận ủy quyền của tỉnh chứ không sở hữu Thanh Hóa. Đội bóng Thanh Hóa là tài sản của nhân dân Thanh Hóa, của Tỉnh ủy Thanh Hóa chứ không phải của ông Đệ hay bất kỳ cá nhân nào.

Trong 10 năm qua, Thanh Hóa chính là CLB phức tạp, nội tình rối ren nhất nhì V-League. Và 10 năm qua, Thanh Hóa chính là đại diện cho sự chuyên nghiệp “nửa vời”, khi đội bóng và ông bầu luôn tự cho cái quyền đặt mình lên cao hơn BTC giải, cao hơn liên đoàn và trên hết là cao hơn niềm tin bóng đá của 90 triệu dân.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nói gì?

Trả lời phóng viên, ông Phạm Nguyên Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL Thanh Hóa cho biết chủ tịch tỉnh đã có chỉ đạo, đề nghị bầu Đệ rút lại công văn xin bỏ giải. “Lãnh đạo sở, lãnh đạo tỉnh không hề nhận được đề xuất hay kiến nghị từ chỗ anh Đệ. Tôi xin nhắc lại, CLB Thanh Hóa là tài sản của tỉnh, không bao giờ bỏ giải hay có thái độ buông xuôi. Tinh thần của lãnh đạo tỉnh là luôn đồng hành cùng bóng đá quê hương”, ông Hồng chia sẻ.

Theo một vài nguồn tin, ông Đệ đã có trao đổi với lãnh đạo VPF, VFF, đề xuất phương án hỗ trợ tài chính và cam kết sẽ hoàn thành mùa giải V.League 2020. HLV Nguyễn Thành Công cũng khẳng định, toàn đội vẫn tập luyện bình thường, không nhận được bất kỳ chỉ đạo giải tán đội nào.

Đơn Ca
.
.