Xem Miura 'đánh trận'

Thứ Tư, 01/04/2015, 08:07
Cái cách nhà cầm quân người Nhật Toshiya Miura bài binh bố trận ở vòng loại giải U.23 châu Á tại Malaysia vừa qua thể hiện rõ tư tưởng của một nhà "đánh trận". Và với tư tưởng đánh trận điển hình như vậy, chắc chắn sẽ có rất nhiều cầu thủ được lớn lên.

Ba trận đấu Miura sử dụng 3 sơ đồ đấu pháp khác nhau. Ở trận ra quân, cũng là trận đấu quyết thắng với chủ nhà Malaysia, U.23 Việt Nam thi triển sơ đồ 4-4-2 khá cân bằng giữa công và thủ. Đây cũng được coi là sơ đồ "tủ" của Miura, vốn đã được áp dụng ở cả ĐT Olympic Việt Nam tại Asiad lẫn ĐTQG Việt Nam tại AFF Suzuki Cup một năm về trước.

Đến trận thứ hai gặp Nhật Bản, giữa lúc mà không ít người hâm mộ bay bổng nghĩ đến một trận cầu có điểm, thì Miura lại rất thực tế nghĩ đến chuyện "hạn chế bàn thua", và với mục đích rõ ràng như vậy, sơ đồ 4-4-2 đã được chuyển thành 5-4-1 với rất nhiều dũng sĩ ở khu trung tuyến. Đến trận thứ ba, trận phải thắng U.23 Macau (Trung Quốc) để hy vọng giành quyền đi tiếp vào chiều qua thì sơ đồ 5-4-1 lại được xoay sang 3-4-3 với thiên hướng tấn công, dồn ép đối phương rõ rệt.

Có một bộ phận nho nhỏ giới chuyên môn chê 90 phút tử thủ của U.23 Việt Nam trước U.23 Nhật Bản là xấu xí. Rồi họ ví von: năm ngoái, khi U.19 Việt Nam đấu với U.19 Nhật Bản, có những thời điểm chúng ta dám đôi công, và thực tế là đã ghi được những bàn thắng để đời từ thứ bóng đá đôi công ấy. Rồi họ kết luận: kiểu gì cũng thua thì thua với tư tưởng đôi công bao giờ cũng "sướng" hơn thua vì tử thủ.

HLV Miura (trái) thể hiện tư tưởng đánh trận rõ ràng. Ảnh: H.M.

Theo chúng tôi so sánh như vậy là rất thiếu cơ sở, vì thứ nhất phải thấy là trong khi U.23 Việt Nam hiện nay có khá nhiều cầu thủ được đôn lên từ lứa U.19 năm ngoái, thì với người Nhật Bản, rất nhiều cầu thủ lứa U.19 thậm chí còn bị đánh giá là chưa đủ năng lực để khoác áo ĐT U.23 lúc này. Và vì thế không thể mang mối tương quan U.19 Việt Nam với U.19 Nhật Bản năm ngoái để so sánh, mà thực chất là suy đoán thiếu căn cứ về mối tương quan giữa hai ĐT U.23 của hai nền bóng đá lúc này.

Và thứ hai, với HLV Miura, vấn đề bây giờ không chỉ là chuyện thắng - thua, mà là thua với tỷ số bao nhiêu. Bởi ai cũng hiểu đội bóng của ông cần phải so đọ chỉ số phụ với các đội nhì bảng ở các bảng đấu còn lại, từ đó hy vọng lọt vào top 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất để tham dự VCK U.23 châu Á vào năm sau, theo đúng quy định của AFC. Một khi biết mình, biết người (ông Miura là người Nhật nên đương nhiên rất hiểu U.23 Nhật) thì chiến thuật 5-4-1 với cả một toa tàu được chặn trước khung thành Phí Minh Long, mà ông Miura bày ra là hoàn toàn dễ hiểu.

Những cầu thủ U.19 Việt Nam nói chung và U.19 Hoàng Anh Gia Lai nói riêng khi sống cùng cựu HLV ĐT U.19 Guillaume Graechen gần như không bao giờ phải thi đấu trong những hệ thống chiến thuật rất khác nhau, với từng đối thủ và từng mục đích khác nhau như thế. Hình ảnh quen thuộc của U.19 năm ngoái là một đội hình 4-4-2 hoặc 4-4-1-1 mang nặng tính đôi công, trình diễn. Nhìn nhận như thế sẽ thấy, khi sống dưới trào Miura thì những cầu thủ như Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh sẽ học và ngấm được tư tưởng đánh trận một cách rõ nét hơn.

Và chính cái tư tưởng đánh trận ấy, chứ không phải tư tưởng "bóng đá trình diễn" mới có thể giúp họ lớn lên và thành đạt!

Mưa gôn cho Việt Nam

Cơn mưa khủng khiếp trên sân Shah Alam hôm qua đã khiến trận đấu cuối cùng của ĐT U.23 Việt Nam tại vòng loại giải U.23 châu Á với U.23 Macau (Trung Quốc) phải tạm hoãn ngay sau 7 phút bóng lăn. Điều đáng nói là với sự "nổ súng" của Ngọc Thắng, Thanh Bình, U.23 Việt Nam đã dẫn tới 2-0 sau 7 phút đầu tiên này. Nếu trận đấu không bị trì hoãn, thì với lợi thế tâm lý và lối chơi đang có được, chắc chắn U.23 Việt Nam có thể ghi thêm nhiều bàn thắng nữa ngay trong hiệp 1. Có lẽ một người giỏi toan tính như ông Miura cũng không thể tính trước việc chúng ta phải... tạm thua ông trời. Tuy nhiên khi trận đấu bắt đầu trở lại U.23 Việt Nam vẫn kịp ghi thêm 5 bàn nữa để có chiến thắng đậm đà 7-0. (Ngọc Anh)

Diệp Xưa
.
.