Cà Mau triển khai nhiều biện pháp khai thác thủy sản bền vững

Thứ Sáu, 11/10/2019, 08:35
Sau gần 2 năm Liên minh Châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng, tỉnh Cà Mau đã có những bước dài trong việc triển khai các biện pháp chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội tạo nền tảng kiện toàn ngành khai thác thủy sản của tỉnh.


Với lợi thế 3 mặt giáp biển, Cà Mau – tỉnh cực Nam của Tổ quốc có chiều dài bờ biển trên 254km, chiếm 1/3 chiều dài bờ biển vùng ĐBSCL; bằng 7,8% chiều dài bờ biển của cả nước. 

Biển Cà Mau có diện tích thăm dò, khai thác rộng trên 80.000km², là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, có trữ lượng hải sản lớn và phong phú về chủng loại. Trữ lượng cá nổi ước khoảng 320.000 tấn, cá đáy 530.000 tấn, với 661 loài, 319 giống, thuộc 138 họ… 

Sau gần 2 năm Liên minh Châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng, tỉnh Cà Mau đã có những bước dài trong việc triển khai các biện pháp chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội tạo nền tảng kiện toàn ngành khai thác thủy sản của tỉnh.

Cửa biển Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), nơi tàu khai thác thủy sản ra, vào sầm uất nhất khu vực ĐBSCL.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau, số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài tuy đã giảm nhiều so với những năm trước đây nhưng vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm. Theo đó, từ đầu năm 2019 đến nay xảy ra 9 trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. 

Đa phần ngư dân khi được tuyên truyền đều biết được hậu quả của việc khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài nhưng vì lợi ích kinh tế vẫn còn cố tình vi phạm, gây nhiều khó khăn trong việc quản lý. Trong khi một thực tế đang tồn tại hiện nay lại chính là cơ chế quản lý còn chồng chéo, gây nhiều bất cập cho các tàu cá khi ra vào cảng. 

Hiện việc thực hiện các nhiệm vụ kiêm nhiệm tại Văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá cơ bản trùng lặp với chức năng, nhiệm vụ thường xuyên của các lực lượng liên quan. Từ đó, gây nhiều khó khăn cho ngư dân vì phải chịu sự kiểm soát, kiểm tra nhiều lần trên cùng một nội dung khi chỉ ra vào một cửa biển, cảng cá trên địa bàn. 

Mặt khác, do địa hình đặc trưng của tỉnh Cà Mau có nhiều cửa sông, từ đó, tạo điều kiện hình thành nhiều bến cá tư nhân, nên lượng sản phẩm khai thác lên các cảng cá chiếm tỷ lệ không lớn. Việc sơ chế, phân loại... không qua cảng cá gây khó khăn trong công tác kiểm soát. Điều này xuất phát từ thực tế quy hoạch chưa được đồng bộ, gây nhiều bất cập cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản.

Hiện Cà Mau có 860 tàu cá thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), tập trung chủ yếu ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Gia đình ông Đoàn Quốc Lượm có 2 tàu đánh bắt xa bờ tại thị trấn Sông Đốc. 

Trước đây gia đình ông chỉ ở nhà chờ cả tháng mới biết hiệu quả đánh bắt thế nào và phải thấp thỏm lo lắng không biết tàu đánh bắt có qua hải phận nước khác không. Vừa qua, khi gắn thiết bị giám sát hành trình ông có thể tương tác với tài công bằng điện thoại, biết được tàu cá của mình đánh bắt ở đâu để giám sát chặt hơn. 

Ông Phan Văn Giàu (cùng ngụ thị trấn Sông Đốc) cho biết: “Chúng tôi rất đồng thuận với chủ trương của nhà nước trong việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá giúp chủ tàu quản lý được tàu cá của mình. Bên cạnh đó, khi có thiết bị giám sát hành trình thì việc phòng chống tai nạn trên biển hay khi có thiên tai, tài công, chủ tàu và cơ quan chức năng cũng có thể liên lạc, hỗ trợ đưa tàu vào bờ một cách an an toàn”.

Trước đó, UBND tỉnh Cà Mau giao Sở NN&PTNT thường xuyên cập nhật việc thực hiện lắp đặt thiết bị VMS để thông báo đến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện ven biển về tình hình, kết quả kế hoạch chống đánh bắt bất hợp pháp. 

Tính đến nay, tỉnh Cà Mau có 4.927 tàu cá; trong đó có 3.030 tàu cá thuộc diện phải đăng kiểm (chiều từ 12m trở lên) và có 1.897 tàu cá không thuộc diện phải đăng kiểm (dưới 12m). 

Cụ thể, tàu từ 24m trở lên có 53 tàu, trong đó 44 tàu đã gắn VMS, còn 9 tàu chưa gắn VMS và có 18 tàu hết hạn chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá theo quy định. Tàu từ 15m đến dưới 24m có 1.610 tàu; trong đó 671 tàu đã gắn VMS, còn 939 tàu chưa gắn VMS và 647 tàu đã hết hạn chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá.

 Tàu từ 12m đến dưới 15m có 1.367 tàu (không thuộc diện bắt buộc gắn VMS), trong đó có 972 tàu còn hạn chứng nhận an toàn, 395 tàu hết hạn chứng nhận an toàn. Tàu dưới 12m có 1.897 tàu (không thuộc diện đăng kiểm và gắn VMS), trong đó có 359 tàu còn hạn khai thác thuỷ sản, 1.538 tàu hết hạn khai thác thuỷ sản theo quy định.

UBND tỉnh Cà Mau cũng vừa ban hành quyết định về việc xác định, công khai hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng lộng và vùng ven bờ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đã xác định, công khai hạn ngạch khai thác thủy sản cho hơn 3.400 tàu cá, gồm các nhóm nghề chủ yếu như: Ké, rê, câu, lồng, bẫy… 

Trong đó, khai thác thủy sản tại vùng lộng có 1.648 phương tiện được cấp phép; vùng khai thác ven bờ cấp 1.796 giấy phép để các phương tiện hoạt động. Cụ thể, 1.792 phương tiện khai thác thủy sản được cấp phép và 4 phương tiện được cấp phép hoạt động dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản… 

Ngoài ra, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài, ngày 12-4-2019, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cà Mau đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU, trong đó đưa ra hình thức xử lý thu hồi vĩnh viễn bằng thuyền trưởng, giấy phép hoạt động đối với tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài…

Ngày 3-10, tại Hội nghị kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Cà Mau về phương hướng, nhiệm vụ 9 tháng năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải yêu cầu các sở, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương ven biển phối hợp chặt chẽ trong quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển đối với tàu cá đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. 

Giao Sở NN&PTNT thành lập Tổ công tác làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển để tăng cường quản lý, kiểm soát các trường hợp tàu ra khơi nhưng né tránh không lắp đặt thiết bị VMS và tàu cá đã hết thời hạn đăng kiểm nhưng vẫn ra khơi hoạt động đánh bắt thủy sản. 

Đại tá Lương Hoàng Đông, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Cà Mau cho biết, các tàu khi ra khơi không được tắt thiết bị giám sát hành trình, nếu tắt thì phải báo ngay cho gia đình và Bộ đội Biên phòng gần nhất. Đồng thời, các tàu phải có nhật ký khai thác đánh bắt xa bờ, hàng tuần thuyền trưởng phải liên hệ với gia đình, đồn hoặc trạm biên phòng. Nếu cố tình vi phạm sẽ tước bằng thuyền trưởng vĩnh viễn. Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm đối với cán bộ chuyên môn phụ trách do những nguyên nhân chủ quan. Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ với sự tham gia của Biên phòng, Công an, đoàn thể; phân loại đối tượng để quản lý.

Hiện Cà Mau đã xây dựng dự án hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển để giám sát các tàu cá khai thác thủy sản trên các vùng biển, chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; bắt buộc chủ tàu khai thác xa bờ hoặc thuyền trưởng phải thực hiện ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác. 

Ngoài ra, cấm mua bán, vận chuyển một số đối tượng hải sâm liên quan đến đánh bắt bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài... 

Với giải pháp tích cực trên, tỉnh Cà Mau đã thể hiện sự quyết tâm trong việc ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tàu cá của ngư dân khai thác thủy sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Đức Văn – H.Ánh
.
.