Điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc: Cung không đủ cầu

Thứ Năm, 26/09/2019, 23:50
Lao động Việt Nam thông minh, chịu khó, ham học hỏi là những đánh giá được phía Nhật Bản đưa ra tại buổi hội thảo thông tin về chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc (chương trình EPA) chiều 25- 9.


Theo dự báo nhu cầu ngành nghề này từ nay đến 2020 tại Nhật Bản sẽ cần khoảng 400 nghìn vị trí việc làm. Đây sẽ là cơ hội lớn cho lao động Việt Nam ngành điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản làm việc với mức lương cao và nhiều đãi ngộ.

Chương trình EPA được triển khai đến nay đã 7 năm trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt-Nhật EPA. Theo con số của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), phối hợp với phía Nhật Bản, đến nay đơn vị này đã tuyển chọn được 1.440 ứng viên đưa vào đào tạo tiếng Nhật. Trong số đó, có 1.109 ứng viên của 6 khóa đầu đủ điều kiện đã được đưa sang Nhật Bản học tập và làm việc.

Các ứng viên điều dưỡng Việt Nam được phía Nhật Bản đánh giá cao về năng lực.

Theo thông tin từ Tổ chức phúc lợi quốc tế (JICWELS) thì các ứng viên điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam được đánh giá cao về khả năng ngoại ngữ cũng như tinh thần làm việc tại các cơ sở tiếp nhận. Các ứng viên Việt Nam đã khẳng định được năng lực vượt trội so với các điều dưỡng, hộ lý của các nước khác với tỷ lệ thi đậu chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản hằng năm rất cao.

Đến thời điểm hiện nay, đã có 48/69 ứng viên điều dưỡng thi đỗ chứng chỉ quốc gia, đạt tỷ lệ 69,5%; 89/95 ứng viên hộ lý thi đạt chứng chỉ quốc gia đạt tỷ lệ 93,7%. Trong khi các nước khác chỉ đạt tỷ lệ hơn 10% đối với điều dưỡng và trên 30% đối với hộ lý.

Bà Trịnh Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho biết, các ứng viên Việt Nam khi ứng tuyển tham gia vào chương trình cần phải có bằng đại học hoặc cao đẳng điều dưỡng đa khoa. Điều dưỡng Việt Nam sẽ sang làm việc trong các bệnh viện tại Nhật Bản, yêu cầu của ứng viên là cần có ít nhất 2 năm kinh nghiệm, đồng thời phải có chứng chỉ điều dưỡng quốc gia Việt Nam. Các ứng viên hộ lý sẽ làm việc tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe. Sau khi vượt qua vòng tuyển chọn, các ứng viên sẽ phải học tiếng Nhật và bắt buộc phải đạt chứng chỉ tiếng Nhật N3 mới có thể sang Nhật Bản làm việc.

Theo bà Hà, đây là chương trình duy nhất đưa điều dưỡng và hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc theo ký kết giữa 2 nước, do đó các ứng viên tham gia sẽ được nhiều chế độ đãi ngộ. Chẳng hạn trong 1 năm học tiếng Nhật tại Việt Nam để thi chứng chỉ N3, mỗi tháng các ứng viên sẽ được hỗ trợ khoảng 6 triệu đồng để chi trả các khoản phí sinh hoạt. Sang Nhật làm việc mức lương của ứng viên điều dưỡng và hộ lý Việt Nam sẽ dao động trong khoảng 30-40 triệu đồng/tháng.

“Ngoài mức lương đó, các bạn đã sang Nhật Bản làm việc còn được nhận các khoản phụ cấp, tiền thưởng, tiền trực ngoài giờ… nên thu nhập của điều dưỡng và hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc rất hấp dẫn. Có những người đạt mức thu nhập lên đến 60-70 triệu đồng/tháng. Chất lượng của ứng viên được phía Nhật Bản đánh giá cao, dẫn tới nhu cầu tiếp nhận phía Nhật Bản luôn cao hơn rất nhiều so với lượng ứng viên đang được đào tạo ở trong nước.

Điển hình như khóa 7, chúng ta chỉ tuyển được 236 ứng viên đang trong thời gian đào tạo 1 năm tiếng Nhật ở Việt Nam, trong khi đó nhu cầu tuyển dụng phía Nhật Bản thông báo là trên 800 người. Trên 90% các cơ sở tiếp nhận trong khuôn khổ EPA đều mong muốn các ứng viên Việt Nam sau khi đã đạt được chứng chỉ quốc gia về điều dưỡng ở lại làm việc lâu dài”, bà Hà nói.

Bà Hà cho biết thêm, đợt tuyển chọn ứng viên cho chương trình trong năm 2019 sẽ bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 1-10 và chỉ tiếp nhận thông qua 1 đầu mối là Cục Quản lý lao động ngoài nước, để tránh tình trạng doanh nghiệp tuyển dụng chui, trái phép.

Phan Hoạt
.
.