Khắc phục “điểm nghẽn” để TP HCM trở thành trung tâm tài chính

Thứ Năm, 18/07/2019, 09:56
Ngày 17-7, UBND TP Hồ Chí Minh chủ trì, tổ chức hội thảo “Xây dựng TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”. Các chuyên gia nghiên cứu, các tổ chức tài chính, nhà đầu tư trong nước và quốc tế đã đóng góp ý kiến, thảo luận các vấn đề để làm thế nào xây dựng TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Là một đô thị đặc biệt với dân số đông nhất cả nước, là trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – khu vực được đánh giá là năng động nhất và đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước, năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp GRDP (tổng sản phẩm nội địa khu vực) của TP Hồ Chí Minh có mức tăng trưởng trên 8%, đóng góp 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 1/3 giá trị sản lượng công nghiệp, 30% tổng thu ngân sách Nhà nước và hơn 30% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.

Đến cuối năm 2018, thành phố đã thu hút được 8.328 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào hoạt động (chiếm gần 30% tổng số dự án FDI cả nước) với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 45 tỷ USD (chiếm 13,2% tổng vốn đầu tư FDI đăng ký cả nước). Đây còn là nơi hội tụ của các định chế tài chính lớn, nhất là hệ thống các ngân hàng thương mại, thị trường chứng khoán cũng chiếm hơn 90% giá trị thị trường cổ phiếu cả nước.

Khẳng định những vấn đề nêu trên là những lợi thế để TP Hồ Chí Minh hướng tới xây dựng thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra nhiều rào cản mà thành phố cần phải khắc phục. Đó là cơ chế, mô hình quản lý của chính quyền thành phố hiện nay còn có khoảng cách khá xa so với mô hình quản lý của một chính quyền đô thị, nên chưa khơi dậy hết tiềm năng và động lực phát triển đô thị.

Cơ sở hạ tầng còn quá yếu kém, sân bay, hải cảng chưa đủ sức cạnh tranh trong khu vực. Cấu trúc và năng lực kinh doanh của các định chế tài chính trên địa bàn còn yếu kém so với chuẩn khu vực và quốc tế. So với yêu cầu phát triển của thành phố, đặc biệt nhu cầu vốn đầu tư trung, dài hạn cho xây dựng cơ sở hạ tầng thì hệ thống tài chính với cấu trúc như hiện nay khó đáp ứng được.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần tuy phát triển mạnh nhất so với cả nước, nhưng so với các tổ chức tín dụng trong khu vực vẫn còn nhỏ bé về quy mô và thiếu kinh nghiệm trong các dịch vụ tài chính quốc tế, phân tích thị trường, thẩm định dự án. Thành phố cũng thiếu vắng các nhà đầu tư chuyên nghiệp như các quỹ đầu tư, các công ty ủy thác, các nhà môi giới tiền tệ...

Tại hội thảo, TS Vũ Thành Tự Anh, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận xét, nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh đã đặt mục tiêu phát triển thành trung tâm tài chính của khu vực nhưng chưa đạt được kết quả. Do đó, thành phố cần có sự thay đổi trong tiếp cận, nương theo biến động và xu thế của khu vực và thế giới. Có như vậy, thành phố mới có thể lọt vào danh sách trung tâm tài chính của quốc tế, dần khẳng định vị thế trên thế giới. Theo TS Vũ Thành Tự Anh, thành phố cần tìm một số thị trường ngách để tạo sự khác biệt và đột biến trong thị trường tài chính.

Khẳng định, phát triển TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực là vấn đề của cả quốc gia chứ không phải của riêng chính quyền địa phương, TS Trần Du Lịch – thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng, định hướng vừa kể phải được thể hiện trong chủ trương, chính sách và khuôn khổ pháp lý từ Trung ương, từ đó mới có thể tạo tiền đề cho thành phố hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra trong đề án.

Thị trường tài chính trên địa bàn thành phố đang đóng vai trò gì đối với thị trường tài chính còn non trẻ của Việt Nam? Những nhân tố nào để khẳng định một trung tâm tài chính của quốc gia - tầm cỡ khu vực? So với các trung tâm tài chính của một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Bangkok, Manila..., thì TP Hồ Chí Minh đang ở đâu?

Khung pháp lý đang điều chỉnh thị trường tài chính Việt Nam và những bất cập cần phải hoàn thiện là gì? Những điều kiện để trở thành một trung tâm tài chính mang tính khu vực và giao dịch quốc tế?... Theo TS Trần Du Lịch, đó là những vấn đề cần làm rõ để đề án mang tính thuyết phục.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nói, mặc dù hiện nay thành phố đang là trung tâm tài chính có quy mô lớn nhất của Việt Nam, nhưng để trở thành “đầu tàu” khai thông và chuyển tải vốn phục vụ cho sự phát triển kinh tế của cả nước, trung tâm tài chính TP Hồ Chí Minh cần phải phát triển hơn nữa về lượng lẫn về chất.

Để thực hiện mục tiêu trên, thời gian tới, thành phố sẽ tăng tốc trong một loạt chương trình, trong đó có hoạt động cải cách hành chính; đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh, nghiên cứu trí tuệ nhân tạo; đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng giao thông... Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa quy hoạch đô thị và tiếp tục đẩy mạnh các chương trình khởi nghiệp sáng tạo.

“Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh lắng nghe những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các DN, các tổ chức tài chính đối với thị trường tài chính của thành phố hiện nay. Để trên cơ sở đó, UBND thành phố có định hướng phát triển thành phố thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”, ông Nguyễn Thành Phong -  Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chia sẻ thêm quan điểm.

Quyết định “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn 2025” của Thủ tướng Chính phủ, xác định mục tiêu phát triển: “Xây dựng TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn đối với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á”.
Thúy Hà
.
.