Nợ công đang tăng nhanh

Thứ Sáu, 15/05/2015, 10:44
Nhận định này được Bộ Tài chính đưa ra tại cuộc họp báo chuyên đề về một số nội dung liên quan đến Chỉ thị số 02/CT- TTg ngày 14/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nợ công, diễn ra tại trụ sở của Bộ ngày 14/5.

Tăng tỷ giá không ảnh hưởng đến nợ công

Theo thống kê của Bộ Tài chính, năm 2014 khối lượng vay nợ công cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đạt khá, đã huy động được 627,8 nghìn tỷ đồng, trên 98% vốn vay đã được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng. Việc tăng cường huy động vốn vay cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường… đã tạo diện mạo mới cho đất nước.

Nợ công được đầu tư trực tiếp cho các dự án hạ tầng.

“Nợ công là nguồn tài chính quan trọng bổ sung cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy sự phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Công tác quản lý nợ có nhiều chuyển biến, ngày càng tốt hơn, dần tiếp cận hơn với thông lệ tốt trên thế giới”- ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) khẳng định. 

Tuy nhiên, theo ông Hải, một điều đáng quan ngại đó là nợ công ở Việt Nam đang tăng nhanh, cơ cấu nợ chưa thực sự bền vững, việc sử dụng các khoản vay ngắn hạn cho đầu tư dài hạn làm phát sinh rủi ro tái cấp vốn và tạo ra áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Công tác quản lý nợ công còn phân tán, thiếu đồng bộ giữa các bộ, ngành và địa phương gây khó khăn cho công tác giám sát chi tiêu an toàn nợ công. Bên cạnh đó, việc huy động vốn, sử dụng vốn vay còn dàn trải, chưa gắn kết chặt chẽ với các hạn mức nợ công… 

Cũng theo ông Hải, quy mô nợ công so với GDP đang ở mức cao, gần với ngưỡng được Quốc hội cho phép trong khi nguồn lực còn hạn chế nên vẫn cần thiết phải huy động vốn vay để đầu tư…

Riêng với băn khoăn về việc tỷ giá đồng USD được Ngân hàng Nhà nước tăng lên 1% ngày 7/5 vừa qua liệu có gây ảnh hưởng tới nợ công, ông Hải cho biết hiện nay cơ cấu nợ của Chính phủ gồm 54% tiền Việt Nam và 46% là các đồng ngoại tệ nói chung, trong đó USD chiếm khoảng 1 nửa và phần còn lại là các ngoại tệ khác. “Việc vay nợ công bằng ngoại tệ sẽ phải trả bằng ngoại tệ nên tỷ giá lên xuống sẽ có những tác động nhất định. Tuy nhiên, tính trong cơ cấu quản lý nợ, tính tỷ giá chéo với các đồng tiền khác, thì do USD tăng, nhưng các đồng ngoại tệ khác lại giảm, nên về cơ bản, việc tăng tỷ giá vừa qua thêm 1% không ảnh hưởng và không làm thay đổi gì về nợ công. Còn về lâu dài, có thể còn những biến động khác về tỷ giá và có thể sẽ khiến nợ công thay đổi, nhưng hiện tại thì chưa”, ông Hải khẳng định.

Sẽ thu hẹp nợ có bảo lãnh của Chính phủ

Về vấn đề trả nợ, Bộ Tài chính cho biết Việt Nam đã xây dựng kế hoạch và bố trí trả nợ đầy đủ, đúng hạn, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2013 là 15,2%, năm 2014 là 13,8% và năm 2015 dự kiến khoảng 16,1% (theo quy định là không quá 25%). 

Năm 2014, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ động kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu nhằm giảm dần áp lực trả nợ ngắn hạn và giảm dần đảo nợ. 

Cụ thể, giảm mạnh và tiến tới ngừng phát hành tín phiếu và trái phiếu kỳ hạn ngắn, tập trung chủ yếu vào trái phiếu có kỳ hạn dài từ 5 đến 15 năm; bước đầu cơ cấu lại danh mục trái phiếu Chính phủ. Kết quả, trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm tăng từ 14% năm 2013 lên 27% năm 2014, kỳ hạn 10 năm tăng từ 4% năm 2013 lên 13% năm 2014, kỳ hạn 15 năm tăng từ 2% lên 6% năm 2014.

Ông Hải cho biết, Chỉ thị mới của Chính phủ về nợ công sẽ tập trung quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới. Tính đúng, tính đủ nợ công theo quy định, đảm bảo trong giới hạn cho phép; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, đảm bảo hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật. Nghị định mới cũng yêu cầu phải khẩn trương cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay dài hạn để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công (bao gồm các loại rủi ro về tỷ giá, lãi suất, thanh khoản, tái cấp vốn và tín dụng). Thời gian tới, sẽ quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng diện, chọn lọc có mục tiêu ưu tiên, tiến tới thu hẹp bảo lãnh Chính phủ và kiểm soát việc đảm bảo trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh; cho vay lại theo hướng tăng dần tỷ lệ cho vay lại; giảm dần tỷ lệ cấp phát và thu đủ nợ đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại.

Theo đồng hồ báo nợ toàn cầu The Economist, nợ công Việt Nam đang ở mức 89,29 tỷ USD. Với dân số ước tính 91 triệu người, tính ra, mỗi người dân đang gánh nợ 982,07 USD. Một năm trước, con số nợ là 81,18 tỷ USD, “bổ đầu” theo dân số là 897,84 USD. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện tại, The Economist dự đoán nợ công Việt Nam sẽ tăng lên 97,35 tỷ USD vào năm tới, tức mỗi người dân sẽ gánh nợ 1.065 USD.

PV

Lệ Thúy
.
.