Rộng cửa cho doanh nghiệp Việt tại thị trường Trung Quốc

Thứ Bảy, 10/11/2018, 07:38
Với thị trường trên 1,3 tỷ dân, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.


Tại sự kiện Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc (CIIE 2018) lần đầu tiên được Trung Quốc tổ chức tại Thượng Hải, Việt Nam là quốc gia danh dự tham gia hội chợ đã mở ra cơ hội mới, thêm kênh xuất khẩu chính ngạch ổn định thông qua hình thức xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp (DN) Việt xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, gia tăng kim ngạch nhanh và bền vững.

Đưa sản phẩm Việt đến với khách hàng

Theo bà Nguyễn Thị Thuỷ - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Bộ Công Thương), đây là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của chính phủ Trung Quốc với mục tiêu mở cửa thị trường ra thế giới, tạo cơ hội cho các quốc gia tiếp cận thị trường rộng lớn của Trung Quốc. CIIE 2018 là sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch quan trọng giúp tăng cường liên kết của Việt Nam với các nước trong khu vực, khai thác tối đa lợi ích do khu vực Tự do mậu dịch ASEAN- Trung Quốc đem lại. Đồng thời tăng cường xuất khẩu hàng hoá dịch vụ của Việt Nam sang Trung Quốc thông qua hệ thống cửa khẩu.

Rất đông khách hàng tham quan khu gian hàng của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thuỷ cho biết, CIIE 2018 đã thu hút sự tham gia của DN đến từ hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hơn 150 DN, nhà đầu tư, đại lý phân phối của Trung Quốc và quốc tế khác tham quan và giao dịch tại hội chợ. Đây là nhũng khách hàng tiềm năng cho DN Việt tìm kiếm bạn hàng.

“Hội chợ vẫn đang diễn ra và lượng khách đến với gian hàng Việt Nam để tìm hiểu thông tin vẫn rất đông. Bên cạnh đó, ngày 8-11 cũng diễn ra hội nghị giao thương ở Nghĩa Ô do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Sở Thương mại Triết Giang, Ủy ban xúc tiến thương mại tỉnh Triết Giang tổ chức, thu hút hơn 100 DN của Trung Quốc và Việt Nam tham dự”, bà Thuỷ nói.

Cũng nhân dịp này, Trung tâm thương mại ở Nghĩa Ô đã dành 1 vị trí trưng bày sản phẩm quốc tế cho DN Việt Nam. Đã có một số DN đã gửi hàng mẫu trưng bày như Hapro, đường Quảng Ngãi…Các sản phẩm, mẫu mã và thông tin sẽ tiếp cận được một vùng Hoa Nam rộng lớn của Trung Quốc.

Đặc biệt, Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu, Trung Quốc đi vào hoạt động sẽ nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, các chính sách, luật lệ, quy tắc, tiêu chuẩn, thủ tục thâm nhập thị trường, đánh giá khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam tại Trung Quốc. Văn phòng cũng đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh và mở rộng cơ hội thương mại.

Trung Quốc - đối tác thương mại hàng đầu

Trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam- Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng ổn định và mạnh mẽ, kim ngạch thương mại hai chiều trong 5 năm gần đây đạt trung bình trên 20%. 

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam- Trung Quốc năm 2017 đạt 93,69 tỷ USD, tăng 30,2% so với năm 2016; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 35,46 tỷ USD, tăng 61%; kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc là 58,22%. Tính hết tháng 9-2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 76,06 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, năm 2017, đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam đạt 2,17 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2016, lần đầu tiên là nhà đầu tư FDI lớn thứ tư trong năm của Việt Nam. Tính lũy kế đến cuối tháng 9-2018, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 2.041 dự án, với số vốn đăng ký 12,78 tỷ USD, đứng thứ 7/129 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. 

Ngoài ra, Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu về lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam. Năm 2017, hơn 4 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc đã vào Việt Nam. 9 tháng năm 2018, hơn 3,8 triệu lượt du khách Trung Quốc đã đến Việt Nam du lịch, tăng 29,7% so với cùng kỳ.

Hiện, Trung Quốc đã trở thành một trong những đối tác lớn nhất của Việt Nam, không chỉ về quy mô mà cơ cấu thương mại giữa hai bên đang chuyển dịch tích cực. 

Do vậy, xúc tiến thương mại qua hội chợ đã  quảng bá thương hiệu và hình ảnh DN Việt Nam tới Trung Quốc và các nước trên thế giới, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho DN Việt Nam tìm kiếm thị trường và mở rộng kinh doanh, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam, giúp nền sản xuất trong nước từng bước chiếm lĩnh những khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Đồng thời, tăng cường xuất khẩu các mặt hàng chiến lược như nông - thuỷ sản, thực phẩm chế biến đặc biệt là các mặt hàng cà phê và các sản phẩm chế biến liên quan khác… do Trung Quốc thực sự có nhu cầu và hàng nông - thuỷ sản của Việt Nam có chất lượng khá tốt, giá cả hợp lý nên thu hút được nhiều DN và người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.

Lưu Hiệp
.
.