Sớm ban hành quy định quản lý tiền ảo

Thứ Hai, 28/08/2017, 08:08
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.


Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế liên quan, trong đó, khảo sát, tập hợp các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn đối với các vấn đề liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo; nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế tại một số nước (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản...) về pháp luật và thực tiễn liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.

Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo (hoàn thành vào tháng 12-2018); nghiên cứu, đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hành chính liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo (hoàn thành vào tháng 9-2019); nghiên cứu, lập đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh nhằm hoàn thiện khung pháp lý quản lý, xử lý tài sản ảo, tiền ảo (hoàn thành vào tháng 12-2020).

Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong tháng 8-2018 hoàn thành rà soát, nghiên cứu, đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử trình Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo, hoàn thành vào tháng 6-2019.

Bitcoin thu hút nhà đầu tư vì giá trị cao và ngày càng khan hiếm.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công an chủ trì nghiên cứu, đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9-2019. Bắt đầu giao dịch từ cách đây khoảng chục năm, tiền ảo, trong đó đáng chú ý nhất là đồng tiền bitcoin đang trở thành hiện tượng tài chính đặc biệt, khi được nhiều chuyên gia cho rằng nó sẽ là đồng tiền của tương lai.

Thời điểm khởi đầu, giá trị của mỗi đồng bitcoin chỉ dưới 1 USD. Tuy nhiên, bất chấp việc sập sàn giao dịch hay một số nước không thừa nhận, bitcoin vẫn liên tục phát triển và không ngừng nâng cao giá trị của mình.

Thời điểm hiện tại, giá mỗi đồng bitcoin ở Việt Nam đang được rao bán ở mức 93 - 95 triệu đồng/đồng bitcoin. Có thời điểm chỉ trong vòng 2 tuần, bitcoin đã tăng 40%, còn nếu tính từ đầu năm, đồng tiền này đã tăng gấp 4 lần, từ mức 1.000 USD lên tới hơn 4.000 USD. Nhiều chuyên gia nhận định trong tương lai có thể giá trị này sẽ còn tăng lên nữa và nhiều nơi đã giao dịch bằng loại tiền này. Lý giải về việc đồng bitcoin không ngừng tăng giá, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nó thu hút được nhiều người tham gia đầu tư vì mang tính đầu cơ cao và ngày càng khan hiếm.

Trước sự tăng chóng mặt của bitcoin, một số người cũng muốn nhảy vào đầu tư. Nắm bắt được nhu cầu này, một số website, diễn đàn và mạng xã hội phổ biến nhiều thông tin về các loại “tiền ảo” như Swisscoin, Bitcoin, Onecoin, Gem coin, IL coin, v.v… với nhiều lời chào mời các nhà đầu tư tham gia mạng lưới “tiền ảo” để thu lãi “khủng”.

Theo quảng cáo, chỉ cần bỏ ra từ 10 đến 50 triệu đồng, nhà đầu tư có cơ hội thu về 100-300 tỷ đồng trong vòng 3 năm. Các đội ngũ tư vấn kinh doanh tiền ảo xuất hiện ở cửa hàng cà phê, trên diễn đàn. Song, việc đầu tư vào các loại tiền này không hề “ngon ăn” như quảng cáo. M - một người chơi bitcoin cho biết trong các loại tiền điện tử, thì bitcoin được đánh giá là giá trị nhất, được chuộng nhất, tuy nhiên, do số lượng có hạn nên càng ngày càng khó đào. Còn những đồng tiền ảo khác ra đời sau, đa số đều có “chủ” và chịu sự chi phối của công ty nên việc làm giá là khó tránh khỏi, người chơi không thể kiểm soát được. “Đừng thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào, không dễ ăn đâu”, M. khuyến cáo.

Hiện nay cũng có khá nhiều ý kiến trái chiều về tiền ảo. Việc đề án nghiên cứu quản lý tiền ảo được ban hành, theo nhiều chuyên gia, thể hiện sự chủ động và cầu thị của Chính phủ Việt Nam với vấn đề về tiền ảo, tiền điện tử trong xu thế của toàn cầu. Tuy nhiên, thông tin từ NHNN cho biết cơ quan này vẫn bảo lưu quan điểm không chấp nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán. Còn Bộ Tài chính cho rằng, kinh doanh tiền ảo không nằm trong các hoạt động kinh doanh mà pháp luật cấm đoán, vì vậy cần có cơ chế quản lý phù hợp để giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư, đồng thời tránh thất thu thuế.

Ông Lê Minh Trường, Giám đốc điều hành Công ty Luật Minh Khuê nhìn nhận kinh doanh tiền điện tử là một xu thế tất yếu, vì vậy, cần phải tìm cách quản lý và thích ứng, thay vì "không thừa nhận" hoặc "không bảo hộ" nó. Còn TS  Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tiền điện tử nên được chấp nhận như một loại hàng hóa - tức là không cho phép thanh toán để mua hàng hóa, tài sản khác, nhưng có thể chấp nhận việc những người chơi giao dịch, trao đổi với nhau…

Nhóm PV
.
.