Cận ngày "ông Táo", thị trường đồ lễ giá ổn định

Thứ Sáu, 13/01/2023, 13:04

Năm nay ngày 23 tháng Chạp rơi vào ngày nghỉ thứ 7 (ngày 14/1 Dương lịch) nên nhiều gia đình chọn làm lễ cúng tiễn Táo quân về trời đúng ngày. Tuy nhiên trong ngày 13/1, 1 ngày trước lễ cúng ông Táo, không khí mua sắm tại các chợ trên địa bàn thành phố đã nhộn nhịp hơn trước, người mua, người bán cũng tập nập hơn.

Theo ghi nhận của PV, trong sáng ngày 13/1, tại một số chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội như chợ Xốm, chợ Cổng, chợ Hà Đông (quận Hà Đông); chợ Hôm-Đức Viên (quận Hai Bà Trưng), chợ Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm), chợ Châu Long (quận Ba Đình), Gia Lâm (quận Long Biên)… những mặt hàng đồ cúng lễ vàng mã, cá chép đỏ, hoa, quả, gà cúng, thức ăn sẵn đã sớm được các tiểu thương bày bán rất phong phú, với nhiều mẫu mã đa dạng. Nhìn chung giá hàng hóa không có biến động lớn, chỉ một số loại thực phẩm tươi sống có giá tăng nhẹ so với đầu tuần. Sức mua những ngày này cũng tăng hơn trước.

Cận ngày ông Táo, thị trường cá chép, trái cây, thực phẩm… sôi động -0
Giá cá chép đỏ năm nay khá "mềm", chỉ 20.000 đồng/1 bộ 3 con chép nhỏ.

Theo đó, thực phẩm, rau xanh tới bánh kẹo ngày Tết đều phong phú, đa dạng, giá cả ổn định, không tăng so với trước Tết. Thậm chí, giá rau xanh đã giảm khá nhiều so với 2 tuần trước. Cá chép vàng 1 bộ 3 con loại nhỏ có giá khá mềm, chỉ 20.000 đồng. Tuy nhiên, một số mặt hàng giá tăng nhẹ như tôm thẻ có giá từ 250.000 đến 350.000 đồng/kg tăng 10.000 đồng/kg so với đầu tuần; giá gà ta ở mức 130.000 – 150.000 đồng/kg, tăng 5.000 đến 10.000 đồng/kg so với đầu tuần. Tại các chợ, nhất là chợ Hàng Bè, các quầy bán thịt gà luộc sẵn tại chợ Hàng Bè trong sáng nay cũng rất đông người mua. 

Cận ngày ông Táo, thị trường cá chép, trái cây, thực phẩm… sôi động -0
Hoa tươi đắt hàng.

Chị Thanh Hồng ở chợ Xốm (Hà Đông) cho biết, năm nay ngày ông Táo vào đúng thứ 7, thuận tiện cho các gia đình làm lễ cúng, nên cá chép đỏ sẽ bán chạy trong ngày thứ 6 và thứ 7. Được biết, giá cá chép tại chợ đầu mối không cao, khoảng từ 70.000 - 120.000 đồng/kg, nên giá cá chép đỏ tới tay người tiêu dùng cũng khá mềm.

Cận ngày ông Táo, thị trường cá chép, trái cây, thực phẩm… sôi động -0
Gà luộc sẵn cũng được nhiều gia đình lựa chọn mua để cúng.

Đối với mặt hàng vàng mã, hầu hết người dân đã mua từ nhiều ngày trước. Nhìn chung mặt hàng này có mẫu mã phong phú, đẹp mắt. Về giá, so với năm ngoái, giá cả năm nay không có nhiều biến động, như: Bộ Táo quân có giá dao động từ 50.000 đến 200.000 đồng/bộ (tùy vào chất liệu, kích cỡ); bộ quần áo 20.000 đến 35.000 đồng/bộ; các sản phẩm tiền vàng, thỏi vàng thần tài... có giá từ 10.000 đến 25.000 đồng/lễ...

Bên cạnh đó, hoa tươi cũng đắt hàng, giá không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm ngoái. Ghi nhận tại chợ Hà Đông trong sáng nay giá hoa cúc vàng từ 60.000/1 chục bông; giá hoa cúc trắng 80.000 đồng/1 chục bông; hoa hồng cũng có giá từ 7.000 đến 10.000 đồng/bông, tùy loại...Theo các tiểu thương, giá hoa có thể sẽ tăng nhẹ vào ngày mai.

Cận ngày ông Táo, thị trường cá chép, trái cây, thực phẩm… sôi động -0
Hàng hoá phong phú, giá cả không biến động, sức mua cũng tăng hơn ngày thường.

Đến thời điểm này, hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố Hà Nội đã cung ứng lượng hàng hóa lớn, đủ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Việc kiểm soát giá cả, chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được các cơ quan chức năng tăng cường, bảo đảm lành mạnh thị trường phục vụ nhu cầu đón Tết, vui xuân của người dân.

Bên cạnh bảo đảm nguồn cung, ổn định giá hàng hóa, nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng đã được triển khai.  Để phục vụ tốt nhất nhu cầu người dân, các nhà bán lẻ cũng đẩy mạnh bán hàng qua kênh trực tuyến, thanh toán điện tử, tăng nhân lực phục vụ, mở rộng số quầy thanh toán. Dịp này, nhiều siêu thị mở cửa từ 6h, 7h sáng, kéo dài tới 22h, 23h khuya và phục vụ đến chiều 30 Tết, đồng thời mở cửa ngay từ mùng 1 Tết. Kể từ mùng 4 Tết các doanh nghiệp bán lẻ đều cam kết mở cửa bình thường.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn tăng 15-30% tùy từng mặt hàng. Do đó, thành phố đã triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu từ tháng 5/2022 đến hết tháng 6-2023 với sự tham gia của 32 đơn vị sản xuất, kinh doanh; cung ứng hàng hóa tới hơn 12.000 điểm trên toàn thành phố Hà Nội. Tổng lượng hàng hóa giá trị khoảng 39.500 tỷ đồng sẽ được đưa ra thị trường, phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân (tăng 15% với năm ngoái).

Lưu Hiệp
.
.