Đảm bảo việc cung ứng xăng dầu luôn là ưu tiên

Thứ Bảy, 17/09/2022, 07:54

Thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu ngừng bán hàng, một số doanh nghiệp (DN) đề xuất với Sở Công Thương về việc tạm dừng kinh doanh do khó khăn về nguồn hàng và không bảo đảm lợi nhuận kinh doanh. Sau kỳ điều hành giá ngày 12/9, một số cửa hàng xăng dầu tiếp tục đóng cửa. Trước tình trạng này, ngành chức năng liên quan đang nỗ lực tháo gỡ nhằm đảm bảo việc cung ứng xăng dầu.

Vẫn còn tình trạng cửa hàng xăng dầu đóng cửa  

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, thời điểm trước, trong và sau đợt điều chỉnh giảm giá xăng dầu ngày 12/9/2022 vừa qua, tại khu vực phía Bắc, người dân phản ánh tình trạng cửa hàng xăng dầu đóng cửa không rõ lý do. So với thời điểm trước khi điều chỉnh giá xăng dầu ngày 12/9, số lượng cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động đã ít hơn.

Cùng với đó, ghi nhận thực tế của Đoàn Công tác của Tổng cục QLTT tại một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đầu tháng 9/2022 cho thấy, cơ bản các cửa hàng hoạt động bình thường, không có trường hợp đóng cửa ngưng bán hàng, cắt giảm thời gian, số lượng bán hàng. Bên cạnh đó, các cửa hàng xăng dầu cũng chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, đảm bảo các điều kiện kinh doanh, điều kiện phòng cháy, chữa cháy, niêm yết công khai thời gian bán hàng, niêm yết giá đúng quy định, đảm bảo về đo lường và chất lượng hàng hoá khi bán hàng cho người tiêu dùng. Lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk cho biết, trước tình hình xăng dầu đang diễn biến phức tạp trong những ngày qua, Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường quản lý địa bàn, phân công công chức giám sát 24/24 giờ tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn quản lý, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, không để xảy ra tình trạng ngưng bán, găm hàng, bán cầm chừng.

Đảm bảo việc cung ứng xăng dầu luôn là ưu tiên -0
Lực lượng QLTT giám sát cây xăng đóng cửa, đo bồn chứa xăng dầu.

Mới đây, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tiếp tục duy trì hoạt động tiếp nhận phản ánh về tình hình kinh doanh xăng dầu qua số điện thoại đường dây nóng; tăng cường công tác khảo sát, giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Từ ngày 11/9 đến ngày 13/9/2022, có 5 cửa hàng bán lẻ xăng dầu bị phản ánh đóng cửa, ngưng bán hàng; các Đội QLTT đã tiến hành giám sát, làm việc trực tiếp với đại diện 5 cửa hàng này để làm rõ nội dung phản ánh. Kết quả kiểm tra của lực lượng QLTT cho thấy trong số đó có 4 cửa hàng đóng cửa do liên quan đến hết xăng, dầu tạm thời; 1 cửa hàng tạm đóng cửa do người nhà phải đi cấp cứu. Sau đó, 3 cửa hàng đã mở cửa trở lại; còn 2 cửa hàng đã có văn bản gửi Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang xin tạm ngưng hoạt động từ ngày 12/9 đến hết ngày 31/12/2022 do kinh doanh không hiệu quả.

Ngày 15/9, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh có cuộc họp với một số đầu mối xăng dầu.

Nêu ý kiến tại cuộc họp, đại diện nhiều DN xăng dầu cho biết, chiết khấu (hoa hồng được DN đầu mối, thương nhân phân phối dành lại cho đại lý) sau kỳ điều hành ngày 12/9 giảm nhanh, chỉ còn một nửa so với trước thời điểm giá xăng dầu được điều chỉnh. Mức chiết khấu hiện dao động 550-900 đồng/lít đối với dầu diesel, tùy kho nhập hàng (chênh lệch chiết khấu giữa miền Bắc và Nam cũng khá lớn); Còn xăng RON 95-III, chiết khấu dao động 50- 100 đồng một lít, tùy khu vực. Mức chiết khấu này không những khiến DN kinh doanh không có lãi mà còn lỗ. Theo tính toán của các DN, các DN bán lẻ phải hưởng mức tối thiểu là 700 đồng/lít để đạt điểm hoà vốn; từ 1.000 đồng/lít để bù chi phí và mức chiết khấu phải đạt từ 1.000- 1.500 đồng/lít thì họ mới đảm bảo được hoạt động kinh doanh.

Trước thực tế trên cho thấy, hiện tượng cửa hàng đóng cửa do thiếu xăng dầu, chiết khấu quá thấp, kinh doanh không hiệu quả vẫn còn. Tại Đồng Tháp, có khoảng 10/549 cây xăng xin tạm đóng cửa, ngưng hoạt động; Vĩnh Long có 10/320 cây xăng xin tạm ngừng bán; Hậu Giang và Bến Tre cũng có một số cây xăng xin phép tạm dừng bán.

Kiến nghị điều chỉnh các khoản chi phí xăng dầu

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, đề xuất tăng mức chiết khấu cho đại lý kinh doanh xăng dầu nhằm tính đúng, tính đủ, khuyến khích đại lý duy trì việc bán xăng dầu ổn định đã được Bộ Công Thương nhiều lần nhắc tới.

Cụ thể, từ thời điểm tháng 2/2022, Bộ đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cả cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức do đã áp dụng từ năm 2014. Bên cạnh đó, rà soát lại phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (premium) và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp nhằm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu. Tiếp đó, đến tháng 7/2022, Bộ Công Thương đã nêu quan điểm với Bộ Tài chính về công thức giá cơ sở, khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, khoản premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng trong giá cơ sở xăng dầu.

Theo đó, Bộ đề nghị Bộ Tài chính căn cứ các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tổng hợp, rà soát, đánh giá từ báo cáo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, báo cáo tổng hợp premium trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để thực hiện điều chỉnh, thông báo một số khoản chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với thực tế phát sinh và quy định hiện hành.

Tiếp đó, ngày 14/9, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cũng có Công văn số 1429/PLX-CSKD về việc Chi phí kinh doanh xăng dầu gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Theo Petrolimex, các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở như: Premium, chi phí vận tải tạo nguồn trong nước, chi phí định mức... chưa được kết cấu đủ trong giá cơ sở từ chu kỳ điều hành giá ngày 11/7/2022 đến nay (theo quy định của Nghị định 95/2021/NĐCP ngày 01/11/2021 của Chính phủ) đã tạo ra khó khăn rất lớn đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong việc chia sẻ thù lao/chiết khấu cho các thương nhân nhận quyền bán lẻ, thương nhân phân phối.

Hệ quả là rất nhiều DN kinh doanh xăng dầu rơi vào tình trạng lỗ, không có đủ nguồn lực để bù đắp chi phí thực tế phát sinh; các thương nhân nhận quyền bán lẻ, thương nhân phân phối hoạt động cầm chừng, tiềm ẩn nguy cơ cao gây thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung trên thị trường phân phối xăng dầu nội địa, gây bất ổn cho hoạt động sản xuất của nền kinh tế và nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Do đó, Petrolimex kiến nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh theo hướng phản ánh đầy đủ các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở để thị trường xăng dầu hoạt động ổn định, đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Theo Bộ Công Thương, báo cáo tổng hợp về premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, qua rà soát của Bộ Tài chính thực tế đã tăng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính mới chỉ điều chỉnh đối với mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam theo thực tế mà chưa điều chỉnh mức premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng theo thực tế rà soát. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá xăng dầu trong nước chưa phản ánh đầy đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu dẫn đến việc phân bố mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có chiết khấu để bảo đảm bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh, bảo đảm cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường.

Để mức chiết khấu trong hệ thống phân phối xăng dầu được duy trì phù hợp, bảo đảm bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh, cung ứng xăng dầu cho thị trường, giảm bớt khó khăn cho các DN kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành. "Nếu giải quyết được vấn đề này sẽ gỡ khó được rất nhiều cho DN kinh doanh xăng dầu", ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Phan Đức
.
.