Để tránh rủi ro khi xuất khẩu nông, thủy sản

Thứ Tư, 27/07/2022, 06:34

Xuất khẩu (XK) nông, lâm, thủy sản đang là điểm sáng trong nửa đầu năm 2022 với kim ngạch đạt gần 28 tỷ USD (tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị XK đạt trên 1 tỷ USD.

Mặc dù đạt kết quả ấn tượng, nhưng các doanh nghiệp (DN) sản xuất, XK nông sản đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn… Đó là những ý kiến đánh giá tại tọa đàm “Nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh XK nông, lâm, thủy sản” tổ chức ngày 26/7 tại TP Hồ Chí Minh.

xuat khau ns2.jpg -0
Hàng nông sản, thủy sản XK gặp nhiều rủi ro khi quá phụ thuộc vào một thị trường.

Có thể thấy, Trung Quốc là thị trường XK lớn đối với hàng nông, thủy sản cuả Việt Nam. Từ năm 2019 trở về trước Trung Quốc là thị trường NK thứ 2 (sau Mỹ) đối với mặt hàng này, nhưng kể từ sau 2019 đến nay, tình hình XK nông, thủy sản cuả Việt Nam sang Trung Quốc có dấu hiệu chững lại do xuất hiện nhiều rào cản.

Cụ thể, Trung Quốc áp dụng chính sách “zero covid”, và từ đầu năm 2022 Trung Quốc cũng đưa ra những thay đổi lớn trong quy định về XK nông sản sang thị trường này. Theo đó, với Lệnh 248, Lệnh 249 cuả Trung Quốc (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022) thì ngay từ đầu năm 2022 các DN nước ngoài XK sang Trung Quốc phải đăng ký với Hải quan Trung Quốc.

Bên cạnh đó, cũng để tăng cường giám sát các sản phẩm nông sản NK, Trung Quốc cũng ban hành tiêu chuẩn mới quy định mức giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với những yêu cầu đang dần tiệm cận với những nước phát triển, duy trì và kiểm soát COVID -19 trên bao bì, phương tiện vận chuyển thủy sản đông lạnh, thủy sản sống.

Ðối với các sản phẩm trồng trọt, Trung Quốc đang ngày càng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, nhất là giao thương tiểu ngạch. Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh quản lý sản phẩm NK theo hình thức nghị định thư và yêu cầu khai báo mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Như vậy, từ năm 2022 trở đi, XK hàng nông, thủy sản và thực phẩm của Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn. Cũng chính vì những lý do trên mà đã dẫn đến việc XK nông sản sang Trung Quốc bị ùn ứ trong thời gian qua.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện nay nông sản Việt Nam đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều sản phẩm XK trên 1 tỉ USD, như: cà phê, gạo, rau quả, tôm, cá tra… Tuy nhiên, mặt hàng nông, thuỷ sản Việt Nam đang còn tồn tại một số vấn đề như: chủ yếu XK sản phẩm thô, XK tiểu ngạch còn nhiều; kim ngạch XK vào thị trường cao cấp còn ít; quy trình nuôi trồng, thu hoạch chưa đạt chuẩn, chế biến còn hạn chế…

Cùng với đó, các DN XK nông, thủy sản cũng đang đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn như: Lạm phát tăng cao ở nhiều thị trường XK, ảnh hưởng của chiến sự Nga - Ukraine... khiến giá vật tư, nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics tăng mạnh; thiếu nguyên liệu sản xuất… đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành XK hàng hóa, dẫn đến hạn chế năng lực cạnh tranh cuả DN Việt Nam trong XK hàng hóa.

Trước thực trạng trên, để hỗ trợ DN XK ông Đào Xuân Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý - Tổng cục Hải quan cho biết, hoạt động XK nông sản, thủy sản được nhà nước khuyến khích với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa XK, đặc biệt là hàng nông, thủy sản đơn giản, tạo thuận lợi thương mại và được ưu tiên trong thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng lượng tờ khai hàng hóa khoảng 4 triệu tờ khai hải quan, trong đó đối với luồng đỏ kiểm tra thực tế chỉ chiếm 2,3%, luồng vàng 18,6%, luồng xanh 79%. Qua đó cho thấy, việc hỗ trợ DN làm thủ tục hải quan giảm tối đa hàng hóa kiểm tra thực tế, khuyến khích tạo điều kiện cho hoạt động XK.

Tuy nhiên, ông Đào Xuân Tám cũng cho rằng, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn có thể diễn biến phức tạp do đã xuất hiện biến chủng mới, nhiều nước trên thế giới còn áp dụng chặt chẽ các biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch nên hoạt động XNK có thể bị ảnh hưởng. Để hạn chế ảnh hưởng, thiệt hại từ dịch bệnh, ngành Hải quan khuyến nghị các DN khi XNK hàng hóa, đặc biệt là đối với mặt hàng nông, thủy sản cần lưu ý: Nghiên cứu, nắm tình hình diễn biến dịch bệnh và chính sách kiểm soát phòng, chống dịch của Việt Nam cũng như các nước có liên quan kịp thời; thực hiện hoạt động thương mại theo thông lệ quốc tế; Các nội dung thỏa thuận tại các hợp đồng thương mại quốc tế nên được đàm phán chặt chẽ và có những điều khoản dành riêng cho trường hợp ảnh hưởng do dịch bệnh, thiên tai…; nâng cao chất lượng nông sản theo hướng đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn của các nước NK; đa dạng hóa đối tượng khách hàng và thị trường XK nông sản để tránh phụ thuộc vào các đối tượng khách hàng, thị trường truyền thống; hoàn thành thủ tục hải quan sớm để khi hàng hóa đưa ra cửa khẩu không phải chờ đợi, bảo quản chờ XK.

Phân tích những cơ hội XK từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), bà Bùi Hoàng Yến, Tổ Phó Tổ Công tác miền Nam Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương cho rằng, DN cần tận dụng hơn nữa cơ hội, để thúc đẩy XK vào các thị trường mà Việt Nam có FTA. Hiện, Việt Nam đã ký kết 15 FTA. Việc đàm phán và ký kết thành công nhiều FTA với các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội về tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa thị trường XNK trong thời gian tới. Đặc biệt là các hiệp định thế hệ mới như EVFTA, CPTPP.

Cũng theo đại diện Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương luôn ưu tiên đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN tìm hiểu thông tin, kết nối đối tác, đẩy mạnh XK. Trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, hàng năm Bộ Công Thương dành trung bình 20% tổng kinh phí của Chương trình cho các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường EU.

Còn với thị trường Trung Quốc, để giải quyết tình trạng nông sản bị ùn ứ tại cửa khẩu, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại, tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa cho sản xuất, XK, giảm chi phí logistics.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới triển khai các phương án nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa XNK tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ.

Thúy Hà
.
.